Putin lại gây sốc cả thế giới, chủ động nhường “bẫy” cho Mỹ

VietTimes -- Việc tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo ông đã ra lệnh rút “phần lớn” lực lượng viễn chinh Nga khỏi Syria lại một lần nữa gây sốc cho cả thế giới, đúng như cái cách mà Putin thường dùng trong chính trị, đặc biệt trong những năm gần đây. Tổng thống Mỹ Obama đã điện đàm với ông Putin...
Ông Putin lại một lần nữa khiến thế giới kinh ngạc về những động thái bất ngờ
Ông Putin lại một lần nữa khiến thế giới kinh ngạc về những động thái bất ngờ

Hãy nhớ lại chiến dịch kiểm soát và sáp nhập Crimea mùa xuân năm 2014, vụ cấm nhập khẩu thực phẩm châu Âu hè 2014, huỷ bỏ dự án Dòng chảy Phương Nam cuối 2014 và chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria mùa thu 2015. Không một vụ nào có dấu hiệu báo trước, do đó chúng gây tác động lớn nhất có thể.

Vậy đâu là ý đồ trong thông điệp của hành động mới nhất của Putin và ai là người nhận nó? Ngoại trưởng Đức và hãng Bloomberg đã bình luận rằng động thái trên của Nga nhằm gây sức ép lên Assad.  Việc này có thể đúng nhưng các kênh liên lạc với Damascus vẫn luôn rộng mở. Putin không cần thiết phải phóng đại tính nghiêm trọng của động thái rút quân bằng cách để giới truyền thông đoán già đoán non về thông điệp đối với Assad (trên thực tế, Syria giải thích đã được thông báo trước về động thái rút quân).

Dường như tổng thống Nga dành để nói với những người Nga đang hoang mang, cũng như các chính phủ phương Tây đã tiên báo và trông mong Nga bị sa lầy vào một cuộc chiến kiểu Afghanistan trước kia. Moscow đang cho họ thấy Nga quá thông minh để rút ra đúng lúc và báo hiệu rằng các mục tiêu tại Syria có giới hạn.

Một câu hỏi khác nổi lên là việc Nga lui binh có ý nghĩa gì với những nỗ lực chiến đấu của Nga-Syria khi các lực lượng Nga quay về nước? Putin đã tính rất kỹ việc rút quân sẽ không ảnh hưởng gì tới các căn cứ quân sự tại Tartus và Latakia. Nga vẫn duy trì một cơ sở hải quân tại Tartus từ năm 1971 và nó không hề nằm trong kế hoạch triệt thoái của Nga.

Nếu như lực lượng không quân Nga vẫn duy trì ở đó, không nghi ngờ rằng Nga sẽ luân phiên các tàu tuần dương tên lửa ngoài khơi Syrria cũng như các hệ thống phòng không trên bộ. Sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga vào tháng 11/2015, Moscow đã tăng cường ô phòng không bảo vệ. Chánh văn phòng Tổng thống Nga cho biết, Nga sẽ để lại các hệ thống phòng không tiên tiến, bao gồm tên lửa S-400.

Có thể có những sự lựa chọn sau: Các cố vấn Nga đang giúp Syria làm chủ các vũ khí mới bàn giao cho họ các xe tăng T-90 và pháo phản lực TOS-1.  Các tiểu đoàn pháo binh sẽ bảo đảm an ninh cho căn cứ không quân Nga tại Latakia. New York Times cho rằng quyết định của Nga có thể là chỉ báo cho thấy một sự tin tưởng vào trạng thái ổn định của chế độ Assad hoặc là một nỗ lực gây sức ép nhằm buộc ông ta phải đàm phán với các đối thủ chính trị hoặc là cả hai.

Tuy nhiên, theo New York Times, quân đội Nga triệt thoái sẽ không để lực lượng của ông Assad đơn độc hoàn toàn, bởi lẽ ông vẫn được sự hậu thuẫn của Iran và lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Và Kremlin đã nói rõ rằng vẫn duy trì căn cứ không quân mới tại Latakia và căn cứ hải quân Tartus từ thời Liên Xô bên bờ Địa Trung Hải.

Và có thể nói rằng ông Putin có rất ít thứ để mất: Nga có thể dễ dàng nối lại các cuộc không kích từ căn cứ của minh và có thể duy trì sự hỗ trợ cho quân đội Syria cũng như các đồng minh Iran, Hezbolla và dân quân Iraq.

Nga có thể dễ dàng nối lại chiến dịch quân sự nếu cần thiết
Nga có thể dễ dàng nối lại chiến dịch quân sự tại Syria nếu cần thiết

Nga vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình. Trước hết, Moscow sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Syria, huấn luyện, tình báo và các chiến dịch đặc biệt. Thứ hai, Nga sẽ giữ lựa chọn sử dụng sức mạnh quân sự nếu và khi cần. Nga sẽ duy trì không chỉ năng lực tấn công từ biển Caspian, biển Địa Trung Hải hay lực lượng ném bom chiến lược tầm xa, mà Moscow dường như còn để đủ vũ khí trang bị và nhân lực tại các căn cứ ở Tartus, Khmeimim và những nơi khác ở Syria để sẵn sàng can thiệp tức thời (chẳng hạn trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Latakia).

Theo New York Times, một lý do khác của việc Nga đột ngột rút quân là bởi phải đối mặt với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng do sự lao dốc của giá dầu thế giới và việc thông báo lui binh phản ánh mong muốn của ông Putin tuyên bố thắng lợi và giải thoát nước Nga khỏi một cuộc phiêu lưu quân sự tốn kém.

Ông Putin đã đạt được nhiều mục đích: Đưa Nga trở lại trung tâm vũ đài quyền lực toàn cầu; ngăn ngừa về nguyên tắc sự thay đổi chế độ của các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là phương Tây; ghi lại dấu ấn mạnh mẽ hơn tại Syria; triệt tiêu phong trào thánh chiến Nga tại Syria và củng cố quyền lực cho Assad.

Theo Unz Review, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria là một thành công kinh ngạc và không thể chối cãi và ông Putin rút quân khỏi Syria vì ông đã giành chiến thắng. Ông Putin và quân đội Nga nên được đặc biệt ngợi ca vì đã giành được hoàn toàn các mục tiêu đề ra xứng đáng với khả năng thực của mình.

Nga đã tới chỉ với một lực lượng khiêm tốn và họ đã đạt được những mục tiêu giới hạn: Chủ quyền hợp pháp của chính quyền Syria đã ổn định và các điều kiện cho một thoả thuận chính trị đã được tạo dựng. Đây không phải là một ý niệm mà là thực tế trên chiến trường. Thậm chí ngay cả những kẻ căm ghét Putin nhất cũng không thể tranh cãi về việc này.

Tuyên bố của ông Putin hiện nay cho thấy Nga vẫn đang trung thành với chiến lược thoát ra ban đầu và hiện nay đủ tự tin để lui binh. Vấn đề là liệu Nga triệt thoái lực lượng có thể sẽ báo hiệu cho Mỹ rằng họ thoải mái giành “thắng lợi” chống IS. Nhưng đó cũng có thể là một cái bẫy, nếu như người ta xem xét toàn bộ các thất bại của quân đội Mỹ tại Afghanistan và Iraq.

Washington Post cho biết Nhà Trắng kinh ngạc trước thông báo của tổng thống Nga. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với ông Putin khi Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria. Ông Obama hoan nghênh việc giảm bạo lực tại Syria kể từ khi bắt đầu ngừng bắn cuối tháng trước và nhấn mạnh đòi hỏi chuyển giao quyền lực để chấm dứt bạo lực tại Syria, Nhà Trắng cho biết.

T.N