Putin đánh IS ở Syria, chừa lối thoát tránh chọc "tổ ong"

Tổng thống Putin có thể đang tiến hành các bước nhỏ để mở lối ra cho chiến dịch không kích, trước khi những lợi ích Moscow đạt được biến thành gánh nặng.
Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

Khi chiến dịch không kích ở Syria của Nga diễn ra đến tuần thứ ba, Tổng thống Putin đã nâng cao hình ảnh và chứng minh khả năng triển khai quân sự viễn chinh của Nga.

Tuy nhiên, theo AP, Tổng thống Putin chắc hẳn hiểu rằng, với khoảng 30 chiến đấu cơ tại Syria, Nga sẽ không thể thay đổi toàn bộ cục diện cuộc chiến và đưa lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar Assad đến với thắng lợi.

Mục tiêu của Moscow có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ chứng tỏ cho quốc tế thấy rằng họ không thể dùng vũ lực để yêu cầu ông Assad từ chức, giúp củng cố sự kiểm soát của chính quyền Syria tại địa bàn hiện nay, và thúc đẩy những cuộc đàm phán chính trị có thể giúp Nga bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.

Một nhiệm vụ then chốt nữa có thể là đưa Moscow và Washington xích lại gần nhau trong một cuộc đối thoại an ninh, điều ông Putin hy vọng sẽ giúp Nga có được vị thế ngang bằng và thậm chí còn cải thiện quan hệ với phương Tây, vốn căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine.

Cho dù chiến dịch không kích tại Syria chưa tạo ra gánh nặng đáng kể nào đối với nền kinh tế đang khó khăn của Nga, vẫn có nhiều lí do rõ ràng để Kremlin tránh can dự lâu dài vào cuộc xung đột.

Ông Putin đã nói rằng chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục đến khi nào quân đội Syria còn cần hỗ trợ. Cho dù lực lượng của ông Assad đã triển khai một số cuộc tấn công mới tại miền trung và tây bắc Syria với sự yểm trợ trên không của Nga, nỗ lực của họ khó có khả năng thay đổi đáng kể cục diện trên thực địa.

Việc kéo dài hoạt động can dự, trong khi quân đội Syria chưa giành được thắng lợi rõ ràng nào có thể nhanh chóng bào mòn những hiệu quả tuyên truyền mà ông Putin đạt được với các cuộc ném bom vừa qua. Mặt khác, chiến dịch kéo dài sẽ gây khó khăn cho nguồn lực tài chính và hậu cần của Nga, và có thể nhanh chóng làm sụt giảm sự ủng hộ của công chúng trong nước cho chiến dịch Syria.

Các cuộc không kích cho thấy uy lực của quân đội Nga, nhưng cũng đồng thời đánh động một "tổ ong", chọc giận nhiều quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Điện Kremlin có thể nhận thấy cần phải tìm kiếm lối ra cho chiến dịch Syria để tránh gây căng thẳng với Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và những nước khác vốn xem việc gây áp lực để ông Assad phải rời ghế là ưu tiên hàng đầu.

Thách thức chính cho Moscow lúc này là tìm thấy cơ hội để tuyên bố chiến dịch đã thành công và rút quân. Một thắng lợi đáng chú ý trên chiến trường của quân đội Syria, hoặc ít nhất là dấu hiệu tiến triển trong đàm phán về giải quyết xung đột có thể là những lí do tốt.

Giải pháp chính trị

Kể từ tháng 6, Nga đã đưa ra ý tưởng với Mỹ, Arab Saudi và phe đối lập Syria về một quá trình chuyển tiếp chính trị, trong đó có việc thành lập một dạng chính phủ lâm thời. Đến nay, nỗ lực ngoại giao của Moscow chưa đem lại kết quả rõ ràng nào, nhưng ông Putin khẳng định giải pháp chính trị cho Syria vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nhà lãnh đạo Nga cuối tuần trước thảo luận tình hình Syria với Bộ trưởng quốc phòng Arab Saudi, Mohammad bin Salman. Đây là lần thứ hai họ gặp nhau kể từ tháng 6, dấu hiệu cho thấy họ có thể có quan tâm chung về việc thỏa hiệp.

Ông chủ điện Kremlin đã sử dụng các cuộc đối thoại để trấn an lo ngại của chính phủ Saudi về khả năng Moscow bắt tay cùng Tehran. Ngoại trưởng Arab Saudi Adel Al-Jubeir sau cuộc gặp cho biết, Nga đã đảm bảo với nước mình rằng hành động quân sự tại Syria không đồng nghĩa với một liên minh cùng Iran - đối thủ lâu năm của Arab Saudi.

Arab Saudi ngay từ đầu xung đột Syria đã thúc đẩy mạnh mẽ việc gây sức ép để ông Assad phải ra đi, đồng thời là nước hậu thuẫn lớn cho các phiến quân chống chính phủ Syria. Vì vậy, nếu Moscow có thể đạt được thỏa thuận với Riyadh, thì có thể giúp khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình đang bế tắc.

Song song với đó, Moscow cũng đã tìm cách giảm bớt mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác kinh tế quan trọng và là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga, chỉ sau Đức. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Nga nhắm vào các phiến quân ôn hòa và cảnh báo rằng, Ankara có thể tìm kiếm nhà cung cấp khí đốt khác, nếu Moscow không thay đổi chính sách tại Syria.

Trong một động thái mang tính hòa giải, Tổng thống Putin tuần này khẳng định điện Kremlin thấu hiểu mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về những người Kurd, và cam kết cân nhắc việc này. Lực lượng chiến binh người Kurd tại Syria đang chiến đấu chống lại IS, trong khi phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu với lực lượng an ninh nước này.

Moscow cũng phản ứng nhanh chóng khi Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo máy bay Nga tại Syria xâm phạm không phận. Điện Kremlin đã thành lập một ban điều phối quân sự để tránh những vụ việc tương tự trong tương lai.

Ngoài ra, Nga và Israel cũng vừa thiết lập đường dây nóng nhằm tránh mọi nguy cơ va chạm hàng không trên không phận Syria.

Trong khi trấn an các nước lớn trong khu vực, Putin cũng tích cực thúc đẩy nỗ lực để đối thoại với Mỹ. Bằng chiến dịch không kích, Putin đã khiến Mỹ phải khởi động đối thoại quân sự nhằm tránh các vụ đụng độ giữa chiến đấu cơ hai nước trên bầu trời Syria. Lầu Năm Góc và quân đội Nga đến nay đã có vài vòng đàm phán về các quy tắc để tránh những vụ việc như vậy.

Nhưng ông Putin cũng đang thúc đẩy những cơ hội đối thoại quân sự và chính trị lớn hơn. Trong cuộc gặp với Tổng thống Obama bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua, lãnh đạo Nga đã đề xuất cử một phái đoàn do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu sang Mỹ, để thảo luận sâu hơn về vấn đề Syria. Khi Mỹ từ chối, Nga nhanh chóng công khai việc này. Putin đã lên tiếng chỉ trích rằng Mỹ thiếu một chương trình nghị sự về Syria.

Tổng thống Putin cũng tìm cách bác bỏ những cáo buộc của Mỹ rằng Nga nhắm vào các nhóm đối lập ôn hòa tại Syria thay vì IS. Điện Kremlin nói rằng Washington đã từ chối chia sẻ thông tin về các mục tiêu IS tại Syria.

Putin cho biết Mỹ đã từ chối đề nghị của Nga về việc nêu ra những mục tiêu mà Mỹ xem là đúng đắn, còn khi Moscow hỏi họ nên tránh không kích những mục tiêu nào, Washington cũng từ chối trả lời.

Nhà lãnh đạo Nga sau đó đã phản ứng bằng cách châm biếm Mỹ. Ông nói rằng có vẻ như "một số đối tác của chúng ta thiếu một sự hiểu biết rõ ràng về những gì đang thực sự diễn ra tại đó, hoặc mục tiêu họ muốn đạt được là gì".

Theo VnE