Putin cao tay “chuyển lửa” sang Syria, hóa giải đòn phương Tây

Nga đang chuyển hướng chiến lược sang Trung Đông với động thái dồn dập tăng cường can thiệp quân sự vào Syria, khơi lại ký ức về Chiến tranh Lạnh khi Moscow và Washington chạm trán nhau trên toàn bộ khu vực.
Ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã điều các chiến đấu cơ khủng Su-30SM tới Syria
Ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã điều các chiến đấu cơ khủng Su-30SM tới Syria

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định động thái can dự của Nga ngày nay về cơ bản khác biệt so với Liên Xô trước đây, vì Nga hiện không còn bị hạn chế bởi ý thức hệ như trước. Điều này rốt cuộc có thể đem lại thành công hơn trong việc thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực quan trọng này.

Theo một số nhà phân tích, một cơ hội thúc đẩy lợi ích quốc gia nằm trong trung tâm chiến lược Trung Đông hiện nay của Nga. Bên trên tất cả là mục tiêu khôi phục nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng và đang bị thiệt hại nghiêm trọng bởi cả hai yếu tố là giá dầu tụt dốc và các lệnh trừng phạt kinh tế phương Tây áp đặt do cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Liên Xô là một siêu cường bị khóa cứng bởi ý thức hệ trong cuộc chiến toàn cầu với phương Tây. Còn nước Nga hôm nay không cố gắng truyền bá mô thức sống của họ. Những gì diễn ra hiện tại thực tế là Nga đang theo đuổi các lợi ích của mình”, ông Andranik Migranyan, giáo sư tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Moscow, có quan hệ khăng khít với giới lãnh đạo Nga nhận định.

Nga ào ạt điều máy bay chiến đấu và xe tăng chủ lực tới Syria trong tháng 9 nay dường như là nhằm phòng ngừa sự sụp đổ của chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad. Một vài học giả phương Tây cáo buộc động thái của Nga nhằm kéo dài cuộc nội chiến khiến hàng triệu người phải chạy nạn, đồng thời đổ tội cho Moscow khích động sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), khiến chúng bành trướng, mở rộng sang Iraq, Libya và các quốc gia dầu lửa khác.

“Với Nga, giá dầu lao dốc là mối đe dọa an ninh quốc gia. Điều duy nhất có thể đẩy giá dầu tăng là thúc đẩy các cuộc xung đột ở Trung Đông. Đó là lý do tại sao lợi ích cơ bản của Nga là giữ cho khu vực này luôn bất ổn”, ông Pavel Baev thuộc viện nghiên cứu hòa bình Oslo cáo buộc. Truyền thông phương Tây cũng đổ thừa cho quan chức Nga tuyên bố can thiệp vào Trung Đông là bước chuyển xuất phát từ mong muốn ngăn chặn sự lan tràn của IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.

Theo truyền thông phương Tây, việc triển khai quân đội tới Syria cũng trao cho Moscow một cơ hội mặc cả đáng giá khi tìm cách phá vây trừng phạt của phương Tây. Tiến sang Trung Đông sẽ buộc Mỹ phải khởi động lại các cuộc tiếp xúc quân sự cấp cao đã bị đình chỉ kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Không như Liên Xô trước kia chẳng có quan hệ ngoại giao với Israel hoặc A rập Xê út, khi ủng hộ các nước A rập cánh tả trong thập niên 1970-1980, tổng thống Vladimir Putin thận trọng giữ các kênh liên lạc mở với tất cả các tay chơi tại khu vực Trung Đông, kể cả những đồng minh truyền thống của Mỹ. Chiến lược khôn ngoan này tạo cho Kremlin những lợi thế mà Liên Xô chưa từng có, giúp Nga có thể nổi lên như một quyền lực trong khu vực Trung Đông.

Gần đây, Nga liên tiếp ký những thỏa thuận bán vũ khí và kinh tế cho Ai Cập. Cũng là một cách tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi biểu lộ sự không hài lòng với Washington.“Mối quan hệ hiện nay với Nga rất khăng khít về mặt chính trị, chứ không phải là một mối quan hệ khách hàng. Nhưng chúng tôi không phải giữ vai trò gì trong cuộc cạnh tranh Nga-Mỹ”, cựu Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy cho biết.

Dù chính quyền Obama tuyên bố vẫn hiện diện sâu tại Trung Đông, vẫn có nhận thức trong khu vực rằng Mỹ đã rút lui và không thể tin cậy Mỹ trong cam kết bảo vệ các đồng minh. “Giới lãnh đạo Ai Cập không quên việc năm 2011, Mỹ đã dao động ít lâu và sau đó đơn giản là đã phản bội và bỏ rơi đồng minh 30 năm của mình là tổng thống Mubarak. Trái lại, Nga luôn kiên định hậu thuẫn và bảo vệ đồng minh của mình là tổng thống Bashar al-Assad. Thực tế trên gây ấn tượng và cho thấy Nga mới là đối tác đáng tin cậy hơn”, Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nói.

Ông Trenin cho rằng, trong giới lãnh đạo A rập, không ai dám chắc liệu một ngày nào đó Mỹ không lật kèo và ủng hộ một kiểu thức động loạn nào đó. Thậm chí, ngay cả đồng minh thân thiết Israel cũng xích lại gần Moscow hơn trong bối cảnh quan hệ với chính quyền Obama trở nên phai nhạt những năm gần đây. Thương mại và tiếp xúc cá nhân giữa Nga và Israel bùng nổ nhờ hủy bỏ visa. Quan hệ hai bên khăng khít đủ để thủ tướng Benjamin Netanyahu tuần này bay sang Moscow để gặp ông Putin hỏi rõ kế hoạch của Nga tại Syria. Một chuyến thăm bao gồm thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước.

Năm 2014, Israel đã phá vỡ hàng ngũ của Mỹ khi không bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc trừng phạt Nga về việc sáp nhập Crimea, động thái có qua có lại nhằm đáp lễ với quan điểm trung dung của Moscow về cuộc chiến ở Gazar. Kể từ đó, Israel cũng không hưởng ứng lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga.

“Chúng tôi đã trở thành đối tác tốt của Nga và mỗi bên đều rất thận trọng khi đụng chạm đên lợi ích của nhau. Sai lầm chiến lược lớn nhất của họ thời Chiến tranh Lạnh là chọn phe. Israel trở thành kẻ thù của Moscow và họ đã thua cuộc. Bài học Nga rút ra từ đó là cần phải làm bạn với tất cả các bên và việc này đem lại cho họ cơ hội. Hiện nay, mọi người đều sẵn lòng trao đổi với họ về trật tự khu vực”, cựu đại sứ Israel tại Nga  Zvi Magen, hiện là chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu an ninh quốc gia tại Tel Aviv cho biết.

Theo QPAN