Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, “đắp chăn, đắp chiếu”

VietTimes -- “Chính phủ sẽ có giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ như đối với 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu"; sẽ giải quyết trên tinh thần không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với người vi phạm, làm sao để không còn dự án thua lỗ” – Phó Thủ tướng trả lời chất vấn của ĐB liên quan đến 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương...
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Thừa quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong chiều nay 15/6. Phó Thủ tướng sẽ trả lời các vấn đề được đặt ra trong các phiên chất vấn của  4 Bộ trưởng trước đó, thuộc trách nhiệm của Chính Phủ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 15/6:

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, các đại biểu Quốc hội đã gửi 114 phiếu chất vấn với 120 đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 12 phiếu chất vấn Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Hơn 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng và 3 Phó Thủ tướng, 3 thành viên khác của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Cập nhật tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nhận định, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%, cao hơn 4 tháng đầu năm (5,2%). Ngành du lịch khả quan với lượng khách quốc tế tăng tới hơn 30% (5,3 triệu lượt). Thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, kinh tế xã hội hiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức với nhiều dấu hiệu đáng ngại như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ, tổng mức bán lẻ cũng thấp hơn, tiêu thụ một số nông sản vẫn tiếp tục khó khăn…

Nói về việc cơ cấu lại DNNN và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động để cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2020 Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp. Kết quả, các cơ quan đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020; không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Đầu phiên chất vấn, có 7 đại biểu quốc hội gửi câu hỏi đến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Theo đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề cập đến những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương thua lỗ lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu Tiến muốn Phó Thủ tướng cho biết ở các ngành khác có xảy ra tình trạng tương tự hay không, trách nhiệm thuộc về ai.

Đại biểu Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng, cử tri ngành giáo dục vẫn hoang mang, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này như thế nào. Bên cạnh đó, đại biểu Bé đề cập đến dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ mà Bộ trưởng GTVT đã trả lời là chậm do 1 nút thắt cổ chai. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chậm dự án do năng lực điều hành kém, ĐB đề nghị cho biết giải pháp khắc phục khi triển khai các dự án khác.

Chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng: Cần nghiên cứu kỹ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Kim Bé, Phó Thủ tướng cho biết việc chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng mới chỉ là đề xuất nghiên cứu nhằm thực hiện cơ chế tự chủ.

Tuy vậy, “chủ trương này còn liên quan đến nhiều quy định khác nhau, như luật công chức, viên chức; liên quan đến đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng khó khăn” – Phó Thủ tướng nói

Vì vậy, Phó Thủ tướng khẳng định vấn đề này sẽ được nghiên cứu kỹ.  Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có xây dựng lại bộ máy công chức, viên chức.

Yếu kém trong công tác tham mưu dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ

Trả lời về chất vấn liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Chính phủ cũng thấy những yếu kém trong công tác tham mưu, kéo giảm hiệu quả các dự án trong vùng”. Trong đó, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề thu xếp vốn của Bộ GTVT là một trong những nguyên nhân. “Tới đây sẽ khắc phục để thu xếp vốn sớm cho đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ” – Phó Thủ tướng nói.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương phát huy vai trò trong việc huy động các nguồn lực đầu tư khác cho vùng chứ không chỉ trông chờ ngân sách.

Loại bỏ Ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả

Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đặt vấn đề về tình trạng lãng phí dàn trải trong đầu tư công, mất an toàn thực phẩm, hạn chế trong phòng chống tội phạm, đại biểu cho rằng Chính phủ cần luật hóa các hoạt động điều hành với nhạc trưởng cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các ban chỉ đạo nhà nước. ĐB muốn biết quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu đoàn Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thừa nhận có thực trạng phối hợp kém hiệu quả này. Phó Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ nghiên cứu đề xuất luật hóa trách nhiệm khâu nối giữa các cơ quan. Chính phủ sẽ nghiên cứu trình TƯ sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đánh giá hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành, cái nào không thực chất thì bỏ, cái nào có chức năng tương đồng thì sáp nhập.

Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ nâng cao kỷ luật kỷ cương, yêu cầu lãnh đạo các Ban chỉ đạo chấp hành nghiêm chế độ hội họp, chỉnh lại tình trạng nay người này đi họp, mai đến người khác, thậm chí cả người không có chức trách nhiệm vụ.

Kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, “đắp chăn, đắp chiếu”

Trả lời đại biểu về 12 dự án thất thoát gây lãnh phí của ngành Công thương, liệu còn dự án nào tương tự hay không, giải pháp xử lý thế nào? Phó Thủ tướng rất trăn trở và cho rằng Chính phú đã thông tin công khai rõ ràng về 12 dự án thua lỗ, thất thoát trên. Tới đây, Chính phủ sẽ xử lý những dự án này theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm người chịu trách nhiệm trực tiếp. Hiện đã có 1 Phó thủ tướng làm trưởng ban để giải quyết hậu quả của 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương nói trên.

Ngoài 12 dự án này, Phó Thủ tướng xin phép được trả lời “ước lệ” là còn nhưng dự án thua lỗ, kém hiệu quả nhưng phải qua “rà soát cụ thể”. "Chính phủ sẽ có giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu"; sẽ giải quyết trên tinh thần không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với người vi phạm, làm sao để không còn dự án thua lỗ””, Phó Thủ tướng  nhấn mạnh.

Làm thế nào loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) về việc làm thế nào để hạn chế, tiến tới bỏ tư duy nhiệm kỳ trong các ngành, cấp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng phẩm chất của người cán bộ là hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, hành động theo trách nhiệm, lương tâm của mình. “Nếu ai đó có tư duy nhiệm kỳ, người đó không xứng đáng với vị trí của mình”- Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, “tư duy nhiệm kỳ” có thể vì “lợi ích nhóm”, vì phiếu bầu cho nhiệm kỳ sau, vì thấy hết nhiệm kỳ rồi nên không nỗ lực trong công việc nữa. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tăng cường xây dựng thể chế, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm minh để loại bỏ tư duy này.

ĐB lo ngại việc “bổ nhiệm người nhà”

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ lo ngại trước yếu tố người nhà, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” đang nở rộ trong việc bổ nhiệm cán bộ, trong khi đời sống nhân dân ngày càng khó khăn.

Giải đáp băn khoăn này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã kiểm tra những vụ việc báo chí phản ánh, rà soát tại 11 địa phương, phát hiện một số sai phạm trong việc tuyển dụng công chức.

Ngay sau đó, "Thủ tướng yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm" – Phó Thủ tướng thông tin.

Theo chương trình của kỳ họp, phần đăng đàn của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kéo dài khoảng 2,5 tiếng (từ 14-16h45, nghỉ giữa giờ 15 phút). Trước đó, phần đăng đàn của Phó Thủ tướng được dự kiến chỉ kéo đến 16h, còn dành khoảng 40 phút để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp báo cáo thêm trước Quốc hội. Tuy nhiên, chương trình sau đó được điều chỉnh để Phó Thủ tướng được ủy quyền có toàn thời gian trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

4 Bộ trưởng đã đăng đàn trước phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Chính phủ tại kỳ này gồm: Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng…