Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo: Để khởi nghiệp, cần người đồng hành cùng văn hoá

VietTimes -- Các sáng lập viên cần phải tìm người đồng hành có cùng các giá trị sống, cùng các triết lý kinh doanh, triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo… Nếu không cùng quan điểm sống, họ dễ xảy ra mâu thuẫn, dễ mất đoàn kết, tốn rất nhiều thời gian vô ích để tranh cãi những vấn đề cơ bản.
Đó là chia sẻ của Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo với các học viên của Viện Quản trị Kinh doanh FSB tại Hội thảo “Khởi nghiệp, con đường dẫn đến thành công” được Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tối ngày 14/6 vừa qua. Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo quản trị nhằm mang đến cho học viên MBA và MiniMBA cơ hội giao lưu với những người thầy lớn giàu trải nghiệm để có thể học hỏi những kiến thức thực tiễn lớn.
Tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo đưa ra thu hút được sự quan tâm của các học viên Viện Quản trị Kinh doanh FSB là “khởi nghiệp cần phải tìm bạn đồng hành cùng văn hóa trước, sau đó mới đến tài năng, kiến thức, kinh nghiệm”. 
Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo: Để khởi nghiệp, cần người đồng hành cùng văn hoá ảnh 1Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh, để thành công trước tiên cần “phải có hoài bão ước mơ lớn” cùng với đam mê và làm đúng sở trường.

Lấy chính câu chuyện ở FPT để chứng minh cho nhận định của mình, ông Bảo cho rằng, trong khi các doanh nghiệp cùng thời đã nhiều lần bị phân chia do các sáng lập viên lần lượt tách ra thì “bọn FPT” vẫn ở bên cạnh nhau khiến cho nhiều người thắc mắc: “Sao bọn FPT chơi với nhau lâu thế mà không chán”. “Đó là do những người sáng lập ra FPT là những bạn học phổ thông hoặc đại học, cùng chung lý tưởng, chung khát vọng sống và đặc biệt là, cùng mong muốn tạo lập ra một “Công ty kiểu mới” , tất cả vì mục tiêu chung”, ”Mỗi người là chính mình”, “Mỗi người phát huy hết tài năng” và “Tiền không phải là quan trọng nhất”…”, ông Bảo bộc bạch.

Cũng tại hội thảo“Khởi nghiệp, con đường dẫn đến thành công”, trả lời câu hỏi của một học viên chương trình MBA của Viện Quản trị Kinh doanh FSB về việc “Làm thế nào để phát hiện ra những người cùng văn hóa để rủ làm bạn đồng hành và nếu không tìm thấy những người như vậy thì có nên khởi nghiệp không?”, Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo khẳng đinh, chắc chắn là tìm được bởi con người chỉ được chia làm hơn chục nhóm tính cách khác nhau, nhiều như MBTI (một phương pháp trắc nghiệm tâm lý - PV) cũng chỉ có 16 nhóm.

“Để tìm ra những người phù hợp, có thể tìm trong số bạn bè, người thân quen trước. Cũng có thể thực hiện những bài test, bài trắc nghiệm tính cách hoặc thông qua phỏng vấn… Những nhà quản lý nhân sự giàu kinh nghiệm sẽ luôn có cách phát hiện ra điều này, hãy nhờ họ giúp”, ông Đỗ Cao Bảo khuyên.

Cũng tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo cho rằng, để thành công, trước tiên cần “phải có hoài bão ước mơ lớn” cùng với đam mê và làm đúng sở trường. Theo ông, điều này đã được thể hiện qua sự thành công của một loạt doanh nhân nổi tiếng thế giới như Henry Ford (Nhà sáng lập hãng ô tô Ford), Ichiro Suzuki (Chủ tịch Toyota), Steve Job (CEO của Apple) và ở Việt Nam là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo…

Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo: Để khởi nghiệp, cần người đồng hành cùng văn hoá ảnh 2Nhập mô tả ảnh

“Tất cả các doanh nhân này đều có những khát vọng tưởng như không thể thực hiện được nhưng với đam mê cháy bỏng và sự quyết tâm, họ đã hiện thực hóa được ước mơ của mình. Chẳng hạn, Henry Ford là người có khát vọng sản xuất ra những chiếc ô tô, và phải là ô tô giá rẻ để những người thu nhập thấp vẫn có cơ hội sử dụng. Năm 1899, Henry Ford gia nhập Detroit Motor nhưng do những bất đồng với lãnh đạo của hãng này nên năm 1903, ông đã thành lập hãng Ford.

Với khát vọng lớn và sự nỗ lực, Henry Ford từ một người nghèo khó, học vấn thấp, không người nâng đỡ đã biến thành thành tỷ phú, ông chủ hãng Ford… Trong quá trình điều hành hãng ô tô, Henry Ford đã mơ ước sản xuất ra được những chiếc xe với động cơ 8 xi-lanh liền vào 1 khối. Khi ông đưa ra yêu cầu này, các kỹ sư thiết kế đều cho là không tưởng. Nhưng ông vẫn đưa ra những mệnh lệnh thép: “bằng mọi giá”, “hãy tiếp tục”, “tôi muốn nó, phải có nó”… thì phép màu đã xảy ra”, ông Đỗ Cao Bảo nêu dẫn chứng.

Cảnh báo với các học viên FSB về khả năng thất bại khi khởi nghiệp, Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo đã trích lại câu nói “Theo đuổi đam mê nợ nần đến” hay số liệu ước tính tỷ lệ thành công của các dự án khởi nghiệp “Chỉ có 10% thành công, 70% thất bại và 20% lay lắt”.

Để minh họa rõ hơn cho nhận định của mình, vị “lão tướng” của FPT cũng kể ra một loạt những câu chuyện thất bại của các doanh nhân như Sanders KFC, Bill Gates, Steve Job, Walt Disney, Jack Ma… Chẳng hạn như, Sanders KFC đã thất bại liên tục mấy chục năm liền, suýt tự tử. Đến năm 65 tuổi, ông mới thành lập KFC, chào bán và bị từ chối tới 1.009 lần. Thế nhưng, bằng sự kiên trì và đam mê, ông đã phát triển KFC thành hãng đồ ăn nhanh được giới trẻ yêu thích với 200.000 cửa hàng, có mặt ở 123 quốc gia.

Trong chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Cao Bảo cũng đã đưa ra một kết quả nghiên cứu đáng suy ngẫm của Srully Blotnick về đam mê trên 1.500 sinh viên tốt nghiệp đại học kinh tế của Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1960 – 1980. Đó là, tỷ lệ thành công của người khởi nghiệp vì đam mê cao gấp 488 lần người khởi nghiệp để kiếm tiền. Từ kết quả này, Phó Tổng giám đốc FPT khẳng định: “Dù có nhiều người thất bại nhưng nếu thực sự đam mê, hãy hành động. Nếu không khởi nghiệp thì sẽ không bao giờ có thể thành doanh nhân nổi tiếng thế giới khiến bao nhiêu người nể phục”.

17 nguyên lý để thành công của "lão tướng" FPT Đỗ Cao Bảo:

Đúc rút từ kinh nghiệm gần 30 năm làm lãnh đạo cộng với kết quả nghiên cứu hàng loạt nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới, Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo đã đưa ra 17 nguyên lý để khởi nghiệp thành công bao gồm:

- Phải có hoài bão, ước mơ lớn đôi khi đến viển vông

- Làm công việc mình đam mê, theo đuổi niềm đam mê

- Làm đúng sở trường - đúng công việc mình yêu thích

- Hãy hành động - Just do it

- Chú trọng tính hiệu quả, tính thực tiễn

- Nghĩ lớn để thành công

- Khác biệt chứ không phải tốt nhất

- Làm cái gì và làm như thế nào quan trọng hơn chăm chỉ

- Tạo dựng quan hệ: 85% thành công là nhờ các mối quan hệ

- Hãy tiếp xúc với những người thành công

- Nắm bắt cơ hội (giao lưu với người thành đạt)

- Chữ tín trong kinh doanh

- Nhận thức và có khả năng thay đổi

- Không bao giờ bỏ quộc

- Không sợ sai sót, không sợ thất bại

- Hãy biến những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản

- Tâm hồn thanh thản.