Phía sau chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

VietTimes -- Chiều 20/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un  đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày  - chuyến thăm thứ ba trong vòng 3 tháng. Mục đích ông Kim Jong Un  liên tiếp đến thăm Trung Quốc là gì? Trung Quốc mong đợi điều gì qua các chuyến thăm này?
Ông Kim Jong Un  liên tiếp thăm Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên.
Ông Kim Jong Un liên tiếp thăm Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên.

Mục đích chuyến thăm của ông Kim Jong Un

Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, trong 2 ngày ở thăm Trung Quốc, ông Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về kết quả cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ- Triều tại Singapore, trao đổi ý kiến về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; ông Kim Jong Un  đã bày tỏ cảm ơn về sự giúp đỡ của ông Tập Cận Bình đối với cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ - Triều.

Về ý đồ các chuyến thăm liên tiếp trong thời gian ngắn của ông Kim Jong Un  tới Trung Quốc, ông Ngô Phi, nghiên cứu viên cấp cao thuộc “The Charhar Institute” – trung tâm nghiên cứu độc lập phi chính phủ về ngoại giao và quan hệ quốc tế của Trung Quốc – phân tích: Chuyến thăm Trung Quốc bí mật lần đầu là chuyến xuất ngoại đầu tiên, đến để xin tư vấn Trung Quốc về các cuộc hội đàm sắp tới với Mỹ và Hàn Quốc; chuyến thăm bí mật lần thứ hai Kim Jong Un muốn xác nhận thêm với ông Tập Cận Bình về phương hướng phát triển của quan hệ Trung – Triều nếu giữa Triều Tiên và Mỹ có một số thỏa hiệp hoặc nhượng bộ trong cuộc gặp gỡ sắp diễn ra với Donald Trump tại Singapore.

Vợ chồng ông Kim Jong Un được Trung Quốc đón tiếp trọng thể
Vợ chồng ông Kim Jong Un  được Trung Quốc đón tiếp trọng thể 

Về chuyến thăm chính thức lần thứ 3 này, Ngô Phi nói: “Trong tình hình giữa hai bên Triều Tiên và Mỹ đã có những thỏa hiệp, những kinh nghiệm của Trung Quốc trở nên rất quan trọng. Dù sao thì Triều Tiên cũng đã xa rời đại gia đình quốc tế đã khá lâu khiến kinh nghiệm ngoại giao của Triều Tiên còn rất thiếu. Mặt khác trước đó, giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã đạt được một số ý định hợp tác; nay dưới tiền đề Triều Tiên và Mỹ đã có những thỏa hiệp thì những hiệp ước và cam kết miệng giữa Trung Quốc với Triều Tiên liệu có còn giá trị? Đó chính là nguyên do chủ yếu của chuyến thăm lần thứ 3 này”. Ngô Phi nói, trước đây giữa hai nước Trung, Triều có nhiều hạng mục hợp tác về kinh tế, mậu dịch nhưng bị đình lại bởi nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ. Chuyến thăm này của ông Kim Jong Un chủ yếu nhằm xác nhận liệu có khôi phục lại những hạng mục hợp tác đó và sắp tới làm thế nào để đi sâu hợp tác hai bên.

Tân Hoa xã hôm 19/6 đưa tin, ông Tập Cận Bình đánh giá cao những thành quả tích cực đã đạt được trong cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ - Triều và cam kết dù tình hình quốc tế và khu vực biến đổi thế nào thì sự ủng hộ của Trung Quốc cũng vẫn không thay đổi. Ông Vương Duy Chính, Giáo sư Chính trị Viện trưởng Xã hội Học viện Ithaca College, New York cho rằng: việc Kim Jong Un 3 lần sang thăm Trung Quốc chỉ trong 3 tháng tương phản rõ rệt với việc 2 người không hề gặp mặt trong suốt 6 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành người lãnh đạo Trung Quốc. Không ai nghi ngờ việc ông Kim Jong Un đã phát huy được những thủ pháp ngoại giao linh hoạt với các nước Trung Quốc, Nga, Mỹ, khiến Trung Quốc lo ngại bị gạt ra ngoài lề. Trung Quốc muốn thông qua sự tiếp xúc dày đặc để làm rõ động hướng sắp tới của Triều Tiên và giữ được quyền có tiếng nói của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Trong chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày này, lãnh đạo hai nước đã thảo luận những vấn đề cụ thể gì? Trung Quốc có chuẩn bị cung cấp cho Triều Tiên sự đảm bảo về an ninh và viện trợ kinh tế hay không? là điều dư luận muốn tìm hiểu.  Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời thẳng các câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 20/6, mà chỉ nói: “Trung Quốc hy vọng 2 bên Mỹ - Triều thực hiện những thành quả của cuộc gặp gỡ cấp cao Singapore, Trung Quốc nguyện tiếp tục phát huy tác dụng tích cực và mang tính xây dựng trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, và “là một nước láng giềng hữu hảo, Trung Quốc sẽ giữ vững sự giao lưu và hợp tác bình thường với Triều Tiên dưới tiền đề không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế”…

Hai nhà lãnh đạo trao đổi vui vẻ trong tiệc chiêu đãi
Hai nhà lãnh đạo trao đổi vui vẻ trong tiệc chiêu đãi 

Động thái chính trị mà Trung Quốc cần có

Hãng tin Đa Chiều cho rằng, chuyến thăm lần này của ông Kim Jong Un rõ ràng có liên quan đến cuộc gặp gỡ Kim – Trump; ông Kim Jong Un thông báo với ông Tập Cận Bình tình hình cuộc cặp và tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với phương án phi hạt nhân hóa bán đảo là một nội dung quan trọng của chuyến thăm. Tại cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Triều diễn ra 1 tuần trước đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận chung: Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, Triều Tiên cam kết thực hiện giải trừ hoàn toàn hạt nhân; nhưng trong tương lai làm thế nào để biến thỏa thuận chung đó thành hiệp nghị cụ thể thì còn không ít vấn đề phải giải quyết. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Hủy bỏ trừng phạt Triều Tiên sẽ chỉ xảy ra khi chúng tôi chứng minh được Triều Tiên đã thực hiện phi hạt nhân hóa toàn diện”; còn Triều Tiên thì mong sớm gỡ bỏ sự trừng phạt, sự bất đồng giữa hai bên là rất rõ.

Rõ ràng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc làm thế nào thúc đẩy vấn đề bán đảo Triều Tiên tiếp tục đi theo chiều hướng đúng? Triều Tiên không thể tách khỏi sự giúp đỡ của Trung Quốc; dù là về an ninh, giải trừ hạt nhân hay cải cách mở cửa thì Trung Quốc vẫn luôn đứng sau Trung Quốc, Kim Jong Un  hẳn hiểu rõ điều đó. Nếu Mỹ và Triều Tiên ký kết “Hiệp định chấm dứt chiến tranh”, lấy đó làm cách xác nhận hòa bình trên bán đảo, biến cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên của Donald Trump thành văn bản “giấy trắng mực đen” thì ông Kim Jong Un rất cần có chữ ký của Trung Quốc trong hiệp định đó. Có sự xác nhận của Trung Quốc thì hiệp định mới đáng tin cậy, Mỹ sẽ khó khăn nếu muốn xé bỏ nó. Trung Quốc sẽ tham gia hiệp định này như thế nào, nội dung sẽ xác định ra sao, Kim Jong Un đều cần phải bàn bạc với ông Tập Cận Bình.

Vấn đề rất quan trọng nữa là cải cách của Triều Tiên, Kim Jong Un phải học hỏi từ Trung Quốc. Cải cách trong nước là gốc rễ quyết định vận mệnh tương lai của Triều Tiên. Đó cũng là một nội dung quan trọng của chuyến đi. Vì vậy ông Kim đã dành thời gian đi thăm Viện nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật thuộc Viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc, Trung tâm chỉ huy giao thông đường sắt Bắc Kinh…

Ông Kim Jong Un được đón tiếp trọng thể
Ông Kim Jong Un  được đón tiếp trọng thể 

3 điểm khác biệt trong chuyến thăm lần này

Phân tích chuyến thăm Trung Quốc trong 2 ngày 19 và 20/6 của ông Kim Jong Un, giới quan sát nhận thấy chuyến đi lần này có ít nhất 3 khác biệt lớn với các lần trước.

Thứ nhất là khác về phương thức. Hai lần thăm trước đều diễn ra bí mật; lần thứ ba thì trước khi diễn ra đã được đưa tin và Trung Quốc tổ chức đón tiếp ông Kim Jong Un tại sân bay bằng nghi thức quy cách cao với sự có mặt của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh, các Ủy viên Bộ Chính trị Chánh văn phòng trung ương Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Hai lần trước đều diễn ra bí mật, sau khi Kim Jong Un  về đến Bình Nhưỡng mới công bố theo tập quán các chuyến thăm Trung Quốc trước đây của ông nội và cha của Kim Jong Un. Những thay đổi về phương thức lần thăm này cho thấy hoạt động ngoại giao của Triều Tiên đã bắt đầu đi theo tập quán quốc tế, không còn cố ý giữ vẻ thần bí như trước nữa.

Thứ hai, khác về cục diện đối ngoại. Lần thăm đầu tiên diễn ra sau khi kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã hình thành đủ hệ thống tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa; Triều Tiên chủ động “đưa ra cành Ô-liu tiến hành các hoạt động ngoại giao, tìm kiếm hào đàm với Mỹ. Vì Kim Jong Un  quyết tâm tìm kiếm sự thay đổi nên cần đến sự ủng hộ và “truyền bài” của Trung Quốc. Chuyến thăm lần đầu diễn ra trong bối cảnh đó.

Sau chuyến thăm lần đầu, ngày 27/4 diễn ra cuộc gặp gỡ và ký kết “Tuyên bố Panmonjom” giữa Kim Jong Un  và Moon Jae In với nội dung cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo và nỗ lực thay đổi cơ chế đình chiến hòa bình.

Chuyến thăm thứ hai diễn ra khi đã cơ bản xác định cuộc gặp gỡ Kim – Trump và sau cuộc gặp gỡ cấp cao Hàn – Triều. Trong cuộc gặp gỡ lần 2 với ông Tập Cận Bình tại Đại Liên, Kim Jong Un  đã “đánh giá cao kiến thức sâu rộng của Tổng bí thư Tập Cận Bình”, “Cảm tạ cống hiến quan trọng của Trung Quốc trước nay trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo, gìn giữ hòa bình ổn định ở khu vực”.

Lần thăm thứ 3 diễn ra công khai sau cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ - Triều tại Singapore. Có thể nói, cuộc gặp cấp cao Donald Trump – Kim Jong Un diễn ra không tách khỏi cái bóng của Trung Quốc, Trung Quốc luôn là bên tham dự then chốt của vấn đề bán đảo Triều Tiên. Có ý kiến cho rằng, nếu không có Trung Quốc can dự và phối hợp thì Triều Tiên khó có được cục diện ngoại giao  như thế và cũng khó tưởng tượng bán đảo Triều Tiên sẽ xuất hiện hòa bình thực sự.

Trao đổi ngoài giờ hội đàm
Trao đổi ngoài giờ hội đàm 

Thứ ba, khác về mục đích tìm kiếm. Quyết tâm tìm kiếm sự thay đổi của Kim Jong Un giờ đây là điều ít ai còn nghi ngờ, chính vì thế ông cần có sự ủng hộ và kinh nghiệm của Trung Quốc.

Mục đích hai lần thăm Trung Quốc trước cơ bản giống nhau là tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc đối với sự xoay chuyển về ngoại giao của Triều Tiên; trong đó điểm mấu chốt ông Kim Jong Un cần là sự cam kết của Trung Quốc đối với an ninh của Triều Tiên.

Kim Jong Un đã sử dụng chuyên cơ của Trung Quốc tới Singapore để gặp gỡ Donald Trump, cho thấy sự tin cậy và cả tín nhiệm của ông với Trung Quốc. Sau khi cục diện ngoại giao thay đổi, mục đích tìm kiếm của Kim Jong Un. Chuyến thăm Trung Quốc lần ba ngoài việc thông báo với Bắc Kinh tình hình cuộc gặp gỡ với Donald Trump, mục đích quan trọng nữa là tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc đối với việc bãi bỏ cấm vận quốc tế và tiến hành cải cách mở cửa; đặc biệt là vấn đề hủy bỏ sự trừng phạt của quốc tế là tiền đề quan trọng để Triều Tiên có thể xúc tiến cải cách, Kim Jong Un cần thiết phải nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Có ý kiến cho rằng, nếu Triều Tiên kiên quyết giải trừ hạt nhân, thành thật tiến hành cải cách mở cửa, không loại trừ Trung Quốc sẽ đi đầu trong việc đề xuất, thúc đẩy thay đổi lệnh trừng phạt Triều Tiên của LHQ.