Phải áp đặt kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước

Theo GS-TS Vương Đình Huệ, nếu muốn có thêm không gian cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, một trong những vấn đề cần phải làm là áp đặt kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước.
GS-TS Vương Đình Huệ
GS-TS Vương Đình Huệ

Theo GS-TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, để doanh nghiệp mạnh lên, trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung thuận lợi mà ai cũng được hưởng; phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.

Cần nhiều chữ “phải” để doanh nghiệp mạnh lên

Là một nhà quản lý từng có kinh nghiệm lâu năm, từng giữ cương vị lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng Kiểm Toán Nhà nước, GS-TS Vương Đình Huệ cũng khẳng định cần phải rút ngắn khoảng cách quy định trên văn bản và thực thi, phải áp đặt kỷ luật thị trường cho tất cả doanh nghiệp. Bởi lẽ, đó là tác động theo chiều ngang - cách tác động tốt nhất ở mọi quốc gia. Thứ hai, chúng ta phải tác động theo chiều dọc, tức là tác động chính sách đến từng loại hình doanh nghiệp.

Theo ông Huệ, nếu muốn có thêm không gian cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, một trong những vấn đề cần phải làm là: “Áp đặt kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo nguyên tắc thị trường. Đó là 2 hướng phải tiếp tục thúc đẩy, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta tham gia TPP”.

Một trong những vấn đề khiến ông băn khoăn là động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65-70% tổng xuất khẩu của cả nước. Khu vực này chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ giá trị gia tăng rất thấp và tác động lan tỏa của ứng dụng công nghệ và quản trị với nền kinh tế còn yếu.

Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước, gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh… còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp tăng trưởng vẫn thấp, xuất khẩu thì giảm cả về lượng và giá trị.

Một số chuyên gia lo ngại có rủi ro xảy ra "hai nền kinh tế trong một quốc gia". Vì vậy đối với GS-TS Vương Đình Huệ, trọng tâm của năm 2016 và cũng là điều khiến ông bận lòng nhất là phải làm như thế nào để doanh nghiệp trong nước mạnh lên.

Trọng tâm của năm 2016

Hiệp định TPP được ký kết cộng với việc Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục đề ra những đường lối, chính sách đổi mới về kinh tế đã thổi luồng gió mới đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên theo GS-TS Vương Đình Huệ có 2 vấn đề trọng điểm phải đặt ra trong năm 2016 của nền kinh tế Việt Nam.

Một là, tập trung mọi nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai ở Việt Nam. Bởi lẽ, chúng ta đã ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với các nội dung tiến bộ, minh bạch cao, đã ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA…). Với tinh thần khởi nghiệp quốc gia, chúng ta phải chú trọng phát triển doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI và cả hai khối doanh nghiệp này phải kết hợp tốt hơn, không bị lệch pha như hiện nay.

Hai là, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ và đầy đủ theo các nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ của nhà nước và thị trường. Kiên trì thúc đẩy để có một hệ thống thị trường đồng bộ, quy mô, cơ cấu và thể chế phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; khơi thông phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường, bao gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ.

“Nếu không tập trung vào những vấn đề này, kinh tế chúng ta sẽ chưa hết khó khăn trong giai đoạn tới”, GS-TS Vương Đình Huệ nhận xét.

Nguyên Vũ

Theo Trí thức trẻ