Ông Trịnh Văn Quyết: Lúc nào cũng là “thời điểm vàng” cho du lịch Việt Nam

VietTimes – “Tôi chỉ thích đi du lịch tại Việt Nam. Quê hương mình đi du lịch là nhất, hơn hẳn các quốc gia khác” - ông Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh.
Ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ tại phiên 1 của hội nghì "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” (Ảnh: P.D)
Ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ tại phiên 1 của hội nghì "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” (Ảnh: P.D)

Trong phiên 1 của hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt”, ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) đã có những chia sẻ về ngành du lịch và hãng hàng không Bamboo Airways.

Theo quan điểm của vị Chủ tịch FLC, lúc nào cũng là “thời điểm vàng” đối với ngành du lịch Việt Nam.

Bởi lẽ, ngành du lịch ở các địa phương có tiềm năng rồi nhưng chưa phát triển được, đầu tư vào lĩnh vực này còn rất hạn chế, “chỉ mong chờ người ta đến với mình chứ không tìm ra giải pháp”.

Khi FLC làm du lịch tại Thanh Hóa, tập đoàn luôn tâm huyết làm du lịch, làm sao để những người có chi tiêu cao, số đông về với địa phương này. Sau khi FLC đầu tư, trong 5 năm nay, Thanh Hóa đã thu hút được 3 triệu du khách. Riêng trong năm 2019, Thanh Hóa đã thu hút được 9 triệu du khách.

Tại Bình Định, trước khi FLC đầu tư thì địa phương này chỉ có 3 chuyến bay/ tuần, sau đó là 3 chuyến /ngày. Sau khi có khu nghỉ dưỡng FLC, số chuyến bay tăng lên 47 chuyến/ngày.

Chủ tịch FLC cho rằng có rất nhiều nước tiềm năng nhưng không thể nào so sánh với Việt Nam.

“Có những bãi biển ở Mỹ người ta nói là rất tuyệt vời nhưng tôi thấy rất bình thường, không thể so sánh với các bãi biển tại Bình Định, Nha Trang và Phú Quốc” - ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ.

Vị doanh nhân này cũng mong muốn những người làm du lịch của các tỉnh thành có tiềm năng chung sức, vào cuộc, góp phần giúp hình ảnh của đất nước được bạn bè quốc tế biết nhiều hơn nữa.

Nói về sự phục hồi của ngành du lịch, ông Quyết lấy ví dụ tại quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn.

“Trong vòng 2 tuần gần đây, tôi quan sát thấy bãi gửi xe của FLC Sầm Sơn xuất hiện nhiều xe sang. Đây là dấu hiệu rõ nét nhất cho sự dịch chuyển của khách du lịch, thay vì đi du lịch nước ngoài họ đã lựa chọn du lịch trong nước” - ông Quyết chia sẻ và cho rằng ngành du lịch cố gắng tận dụng “thời điểm vàng” để thu hút du khách nội địa. Khi du khách đã đi quen rồi thì tiềm năng đó sẽ nhân bản lên trong các năm tiếp theo.

“Tôi chỉ thích đi du lịch tại Việt Nam. Quê hương mình đi du lịch là nhất, hơn hẳn các quốc gia khác” - ông Quyết nhấn mạnh.

Chia sẻ về Bamboo Airways, ông Quyết cho biết hãng hàng không này đã kết hợp với nhiều doanh nghiệp tạo tour du lịch, tạo hệ sinh thái tiện ích, có sức lan tỏa.

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Đặng Tất Thắng (Tổng Giám đốc Bamboo Airways), doanh nghiệp này đang tập trung khai thác các đường bay nội địa, đảm bảo an toàn cho khách hàng, thực hiện kích cầu bằng các gói combo.

“Hiện nay, ngay sau khi hết giãn cách, hãng đang hoạt động khai thác 50% công suất, trong tháng 6/2020 sẽ khôi phục 100%. Từ 1/6, hãng sẽ khai thác các chuyến từ Hà Nội, Tp. HCM đi nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo một số nghiên cứu, ngành hàng không sẽ hồi phục theo hình chữ V. Với thị trường 100 triệu dân, hàng không Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ sau dịch” - ông Thắng cho biết.

Toàn cảnh phiên 1 của hội nghị "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" (Ảnh: P.D)
Toàn cảnh phiên 1 của hội nghị "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" (Ảnh: P.D)

Kích cầu du lịch không có nghĩa là giá rẻ

Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Lê Phúc (Phó Tổng Cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với việc kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, đây là thời điểm vàng để từng bước khôi phục lại kinh tế, ngành du lịch. Tổng Cục Du lịch đã lên các chương trình quảng bá, thu hút khách du lịch, trước hết là thị trường nội địa, tiếp đến là thị trường quốc tế và quốc tế xa.

Một số khảo sát được đại diện Tổng Cục Du lịch công bố cho thấy có 5 xu hướng du lịch sau dịch Covid-19, bao gồm: (1) Nhu cầu du lịch an toàn (đảm bảo mình không bị lây bệnh, không gây bệnh cho người khác, không lây nhiễm chéo); (2) Nhiều người có xu hướng đi trong nước hơn là đi nước ngoài; (3) Xu hướng đi cùng đoàn nhỏ (gia đình) hơn đoàn lớn; (4) Du lịch vì giá cả phải chăng và (5) Đi du lịch biển, thiên nhiên.

Theo ông Trần Trọng Kiên (Thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân), 100 ngày vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 26 năm đối với những người làm du lịch.

“Tất cả về gần như về con số 0. Cách đây 100 ngày, ngành du lịch có khí thế hừng hực, kỳ vọng đóng góp 11% GDP, mục tiêu dài hạn trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp trên 20% GDP Việt Nam” - ông Kiên cho biết.

Nói về chương trình vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ông Kiên cho biết gói kích cầu du lịch không có nghĩa là “du lịch giá rẻ” mà trọng tâm là giá trị, trải nghiệm của khách du lịch.

“Hiếm khi có cơ hội khám phá đất nước Việt Nam mà không cần phải chi trả nhiều. Ví dụ, khi mua khách hàng đặt phòng 1 đêm sẽ được hưởng 1 đêm nữa. Không giám giá nhưng mà sẽ có thêm giá trị. Các du thuyền chuyên phục vụ khách nước ngoài, giờ đây phục vụ khách trong nước (ví dụ từ Cần Thơ đến Châu Đốc và ngược lại). Trước đây, khách hàng phải tự trả vé máy bay giờ thì miễn phí. Thay vì giảm giá thì đưa thêm nhiều dịch vụ mới để người dân có nhiều cơ hội trải nghiệm hơn” - ông Kiên phân tích./.