Ông Tập Cận Bình “cưỡi” H-6K, Trung Quốc diễu võ giương oai chưa từng thấy

VietTimes -- Chúng truyền tải thông điệp tới các bên yêu sách khác trên Biển Đông rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước và sẽ duy trì nguyên trạng mà nước này đã tạo nên thông qua các hành vi cải tạo phi pháp và quân sự hóa yêu sách lãnh thổ ngang ngược trên Biển Đông, trong khi vỗ về công chúng trong nước, Warontherock nhận định.
Lính Trung Quốc trong cuộc duyệt binh năm 2015
Lính Trung Quốc trong cuộc duyệt binh năm 2015

Trung Quốc mất mặt ngoại giao, phô trương chiến lược chưa từng thấy

(tiếp theo kỳ trước)

Thông điệp răn đe

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã khắc họa chiếc H-6K đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai sức mạnh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, một nhiệm vụ mà Không quân Trung Quốc gần đây bắt đầu chú trọng dưới thời của ông Tập Cận Bình. Các video được đưa ra sau những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm làm nổi bật khả năng của máy bay H-6K và nâng cao hình ảnh công chúng của quân đội Trung Quốc.

Trong chuyến thăm hồi tháng 2/2015 tới sư đoàn máy bay ném bom số 36 gần Tây An, tỉnh Thiểm Tây, ông Tập lần đầu tiên ngồi trong buồng lái của chiếc H-6K tiết lộ chi tiết về việc kiểm soát và các ghế phóng. Những chiếc H-6K cũng bay qua quảng trường Thiên An Môn trong cuộc duyệt binh hồi tháng 9/2015, lần đầu tiên bao gồm cả máy bay ném bom trong cuộc họp diễu hành quân sự kể từ khi loại máy bay này đi vào phục vụ vào năm 2007.

Tập Cận Bình nắm trọn mọi quyền lực giống như thời Mao Trach Đông
Ông Tập Cận Bình nắm trọn mọi quyền lực giống như thời Mao Trach Đông

Các video đã mô tả hình ảnh máy bay ném bom Trung Quốc đang bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc và có khả năng tấn công gần vào bất kỳ mục tiêu nào ở Tây Thái Bình Dương. Một bài trên Nhân dân nhật báo online xuất bản ngay sau khi những video tháng 5 này xuất hiện đã viết rằng “trong số các máy bay ném bom do Trung Quốc tự sản xuất, H-6K là loại có khả năng ném bom xa nhất và công suất tối đa nhất. Nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Trung Quốc cả trên biển lẫn trên không”.

 Theo một nhà bình luận Trung Quốc, H-6K có thể bay qua quần đảo Trường Sa để trinh sát, giám sát và tuần tra. Trong chiến tranh nó có khả năng thả bom và phóng tên lửa”. Đầu năm 2015, một bài báo trên Quân giải phóng Trung Quốc điện tử đã nhận xét về tầm quan trọng chiến lược của H-6K, giống như Liu Rui đã nói trong video mới phát gần đây và nhấn mạnh máy bay có thể ném bom trong phạm vi 3.500km, khoảng cách cho phép tên lửa hành trình tấn công mặt đất KD-20 của Trung Quốc bắn tới căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.

Quả thực cư dân mạng Trung Quốc coi tầm bắn của chiếc H-6K là một điều tự hào. Sau chuyến bay qua ADIZ tháng 11/2015, một nhà bình luận quân sự khác cũng phát biểu trên truyền hình nhà nước Trung Quốc rằng chuyến bay thể hiện rằng “chúng ta không chỉ đủ khả năng để bảo vệ ADIZ trên Biển Đông mà còn có thể  bay qua chuỗi đảo thứ nhất”. Phản ảnh lời than phiền của chính quyền Trung Quốc về máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay trên Biển Đông tháng 12/2015, một bài báo trên Nhân dân nhật báo online đã trích lời nhà bình luận quân sự Trung Quốc biện bạch rằng: “Sự hiện diện gần đây của H-6K trên Biển Đông là hệ quả của việc huấn luyện thông thường, trong khi tàu sân bay, máy bay ném bom và máy bay chống tàu ngầm của Mỹ trong khu vực lại là minh chứng cho hành vi quân sự hóa thực sự”.

Tần suất hoạt động ngày càng tăng của các chuyến bay H-6K phản ánh khát vọng của chính quyền Trung Quốc thể hiện sức mạnh trên các khu vực lãnh thổ tranh chấp. Video đầu tiên hồi tháng 5- một chương tình truyền hình quân đội- là một nỗ lực để làm dịu dư luận công chúng xung quanh việc chuyến bay định thể hiện sự răn đe thông thường trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực. Nhưng sau phán quyết của tòa án, cách tiếp cận của Trung Quốc đã trở nên công khai hơn, rõ ràng hơn trước mức độ phổ biến của CCTV, truyền thông về hình ảnh và video phát trong tháng 7, cùng với chuyến thăm cấp cao của Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương tới căn cứ H-6K cùng tháng.

Gợi ý thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Phán quyết của tòa án đã làm sống dậy mối quan tâm lâu dài rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông như một cách để thực thi các yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Những điều này gợi nhắc về tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc tháng 11/2013, khi  người phát ngôn Bộ trưởng quốc phòng tuyên bố: “Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận diện phòng không khác vào thời điểm thích hợp sau khi các chuẩn bị cần thiết đã hoàn tất”.

Tháng 2/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo của Nhật Bản nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị thiết lập ADIZ trên Biển Đông và thời điểm thiết lập phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt trên không. Trước phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đều cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ phản đối việc thành lập ADIZ, tăng cái giá phải trả cho bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc.

Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc phô trương thanh thế trên bãi cạn Scaborough
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc phô trương thanh thế trên bãi cạn Scaborough

Sau phán quyết về vụ kiện của Philippines, rất nhiều báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc chính xác là đang thực hiện điều đó. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã tuyên bố hôm 13/7 rằng Trung Quốc “có quyền” thiết lập một ADIZ trên Biển Đông nếu an ninh của nước này bị đe dọa và tăng khả năng hoạt động của quân đội Trung Quốc trong khu vực nếu không lập ADIZ. Ý định của Trung Quốc vẫn không rõ ràng, nhưng phát biểu của ông Lưu và tuyên bố tuần tra hàng không củng cố tầm quan trọng của vấn đề với Trung Quốc. Dù thế nào, mức độ hoạt động của không quân Trung Quốc trên Biển Đông có vẻ đã tăng lên.

Cho dù ADIZ trên Biển Đông có được thành lập hay không, H-6K vẫn khó có khả năng đóng căn cứ trên bất kỳ thực thể địa lý nào trên Biển Đông dẫu cho các báo cáo của Trung Quốc nhái lại những phân tích của Mỹ cho rằng hoàn toàn có khả năng này. Đá Chữ Thập là thực thể địa lý duy nhất trong khu vực có đường băng đủ dài để tiếp nhận máy bay ném bom, điều đó gợi ý cho không quân Trung Quốc có thể có ý định chọn nơi này để quay H-6K bay ở gần đó. Tuy nhiên, độ sâu của đường băng, vấn đề hậu cần và yêu cầu bảo dưỡng bị chi phối bởi điều kiện môi trường khắc nghiệt trên biển khiến việc triển khai H-6K trên Biển Đông ở căn cứ mở rộng là rất khó. Đây cũng là một thách thức mà Đài Loan đang phải đối mặt với máy bay ở quần đảo Bành Hồ tại khu vực eo biển Đài Loan.

H-6K cũng không có nhiều khả năng sẽ được sử dụng thường xuyên trên Biển Đông trong tương lai so với máy bay chiến đấu. Máy bay chiến đấu của không quân hải quân Trung Quốc đã được triển khai tới đảo Phú Lâm trong cuộc triển khai luân phiên. Các cuộc tuần tra khác của Trung Quốc ở ADIZ trên biển Hoa Đông được báo cáo công khai đã được tiến hành, sử dụng các máy bay chiến đấu J-10, J-11, JH-7 và Su-27 cho dù báo chí Trung Quốc hiếm khi đưa tin các vấn đề liên quan đến không quân hay hải quân.

Trong tuyên bố hôm 18/7, không quân Trung Quốc đã thừa nhận rằng máy bay chiến đấu và trinh sát của lực lượng này có hoạt động trong khu vực. Việc sử dụng sức mạnh không quân trong các loại mục đích phục vụ (quân sự và phi quân sự) nói lên rằng có thể có một mô hình tương tự cho ADIZ trên Biển Đông, với máy lực lượng không quân và máy bay chiến đấu của lực lượng không quân hải quân cùng chia sẻ trách nhiệm tuần tra.

Trong trường hợp nào thì việc lựa chọn không quân Trung Quốc thay vì lực lượng không quân hải quân để tiến hành những chuyến bay công khai đầu tiên bởi máy bay ném bom trên Biển Đông cũng nhấn mạnh vai trò răn đe thông thường quan trọng của lực lượng không quân Trung Quốc trên Biển Đông.

Mũi tên chiến thuật

Sự hiện diện ngày càng thường xuyên của máy bay ném bom H-6K trên Biển Đông thể hiện khả năng quân sự của Trung Quốc trong khu vực và lôi kéo sự chú ý vào khả năng của lực lượng không quân để tiến hành các hoạt động trên biển. Kết hợp với 6 đợt bay biển năm 2015, các hoạt động thường xuyên hơn của lực lượng không quân Trung Quốc trên Biển Đông năm 2016 đã gia tăng khả năng đối đầu trên không  giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc, củng cố nhu cầu nâng cao quan hệ quân sự hai bên, đòi hỏi các quy tắc rõ ràng về tuyến đường và kênh thông tin liên lạc đáng tin cậy.

Động thái mới này cũng có ngụ ý với công chúng trong nước. Trung Quốc vẫn cấm thảo luận trên mạng và các cuộc biểu tình về Biển Đông sau phán quyết của tòa The Hague, có lẽ là để nỗ lực thể hiện sự linh hoạt trong đối thoại ngoại giao với ASEAN về các hoạt động trong tương lai trên các thực thể không người sinh sống trong khu vực. Tuy nhiên, những chuyến bay của H-6K tiếp diễn sẽ vẫn là dấu hiệu đáp trả: Chúng truyền tải thông điệp tới các bên yêu sách khác trên Biển Đông rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước và sẽ duy trì nguyên trạng mà nước này đã tạo nên thông qua các hành vi cải tạo phi pháp và quân sự hóa yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông, trong khi vỗ về công chúng trong nước, những người đòi hỏi chính phủ phải hành động cứng rắn.

Do tranh chấp trên Biển Đông ngày càng căng thẳng, H-6K là một mũi tên nữa trong chiến thuật của Trung Quốc nhằm thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực định hình hành vi của các nhân tố khác trong khu vực.