Ông Nguyễn Thành Phong được giới thiệu làm Chủ tịch UBND TP.HCM

Sáng 8/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) Tp.HCM khóa VIII đã khai mạc kỳ họp thứ 20. Theo chương trình kỳ họp, HĐND thành phố sẽ bầu Chủ tịch UBND, 2 Phó chủ tịch và 5 ủy viên là Chánh văn phòng, Giám đốc Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Công an.
Ông Nguyễn Thành Phong được giới thiệu làm Chủ tịch UBND TP.HCM

Từng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong (53 tuổi) được giới thiệu để HĐND TP.HCM bầu làm tân Chủ tịch UBND TP.HCM.

Tại phiên khai mạc sáng nay 8.12, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định chương trình nghị sự của kỳ họp sẽ bầu chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 5 uỷ viên UBND thành phố.

Theo Thông tin từ kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP.HCM khóa 8, Đối với chức danh chủ tịch, ông Nguyễn Thành Phong sẽ được giới thiệu để HĐND thành phố bầu, thay ông Lê Hoàng Quân đã làm 2 nhiệm kỳ từ 2006 đến nay.

Ông Nguyễn Thành Phong sinh ngày 18.7.1962, tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1995, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM. Năm 1996 ông được bầulàm Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM.

Năm 1997, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 10. Tháng 9.1999, ông được bầu giữ chức Bí thư Thành Đoàn TP.HCM. Năm 2002, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8, ông được bầu làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Năm 2005, ông giữ chức Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2007, ông được điều động về làm Thành ủy viên Thành ủy TP.HCM, Bí thư Quận ủy Q.2. Năm 2009, ông được điều động về tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Năm 2010, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Năm 2013, ông được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre. Tháng 3.2015, ông được Trung ương điều động trở lại TP.HCM giữ cương vị Phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ông Nguyễn Thành Phong - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ông Nguyễn Thành Phong - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tại đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tổ chức vào giữa tháng 10.2015, ông Nguyễn Thành Phong tái cử Phó bí thư Thành ủy TP.HCM.

Theo nguyên tắc, chủ tịch đương nhiệm sẽ giới thiệu nhân sự đủ điều kiện theo quy định của Đảng cho HĐND thành phố bầu. Thủ tướng sẽ phê chuẩn nhân sự mới từ việc bầu cử này.

Cũng tại kỳ họp này, ông Tất Thành Cang sẽ được miễn nhiệm chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM để chính thức chuyển sang Thành ủy TP.HCM với cương vị Phó bí thư mà ông được bầu tại đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa 10.

Tại kỳ họp lần này, HĐND Thành phố sẽ nghe UBND báo cáo và thảo luận về tình hình kinh  tế, văn hóa, xã hội năm 2015 và nhiệm vụ giải pháp năm 2016, báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2015 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2016, kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ kỳ họp thứ 18 đến nay; xem xét thông qua 12 tờ trình của UBND…

Theo đó, mục tiêu trong năm 2016, Tp.HCM đề ra 12 chỉ  tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 8%, tỷ trọng đóng góp các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt 35% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35% trở lên; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 75%...

Theo UBND Tp.HCM, năm 2015 Tp.HCM đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 3 năm qua, năng lực cạnh tranh được cải thiện, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Tổng sản phầm nội địa (GRDP) trên địa bàn Tp.HCM cả năm 2015 ước đạt 961.960 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2014 và là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (GDP năm 2012 tăng 9,2%, năm 2013 tăng 9,3%, năm 2014 tăng 9,6%). Còn theo cách tính mới, GRDP của thành phố ước tăng 7,72% trong năm nay.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa của thành phố cả năm 2015 đạt khoảng 683.059 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2014. Sức mua thị trường của thành phố năm 2015 vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2014. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm của thành phố tăng khoảng 1%, thấp hơn mức tăng của cả nước (2%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố năm 2015 (trừ dầu thô) đạt gần 27 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2014, nhập khẩu cả năm của thành phố đạt 32,77 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến cuối năm 2015 đạt 1.206.700 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2014. Dư nợ tiền đồng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (xoay quanh mức 80% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn). Lượng kiều hối trên địa bàn thành phố năm 2015 ước đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND cho biết: “Kỳ họp lần này với nhiều nội dung quan trọng; bên cạnh xem xét, đánh giá tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, thu chi ngân sách năm 2015,  các đại biểu còn thảo luận và mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ năm 2016, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấu đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống ngay từ năm đầu tiên”.

Năm 2015 và năm năm qua, Thành phố  giữ vững ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, có nhiều giải pháp tốt thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới mang lại những kết quả khá toàn diện, các mục tiêu nhiệm vụ về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… được tập trung triển khai có hiệu quả,  đời sống nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, thành phố vẫn còn hạn chế về hiệu quả đầu tư công, xử lý dự án treo, quy hoạch treo còn quá chậm, quản lý xã hội chưa đem lại yên tâm cho người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, hàng gian, hàng giả, ô nhiễm môi trường…

Theo kế hoạch, chương trình kỳ họp sẽ diễn ra đến ngày 11/12.

Theo Thanh Niên, Trí thức trẻ