Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank

VietTimes -- Sáng nay (30/06/2017), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; Mã chứng khoán: STB) chính thức tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Lưu ý, đây là đại hội gộp cho hai niên độ tài chính 2015 và 2016 (Năm ngoái 2016, vì nhiều lý do, STB đã không tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016).
Ông Dương Công Minh chính thức trở thành tân Chủ tịch HĐQT Sacombank
Ông Dương Công Minh chính thức trở thành tân Chủ tịch HĐQT Sacombank
14h00: Đại hội thông qua biên bản và nghị quyết đại hội!
13h48: Phát biểu nhậm chức, ông Minh cho biết, ông vừa tặng lại bó hoa mà Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh tặng khi trở thành tân Chủ tịch HĐQT Sacombank cho ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN
Theo ông Minh, để có được đại hội hôm nay, để có được đề án tái cơ cấu, ông Hưng là người vất vả và có rất nhiều đóng góp.
Ông Minh gửi lời tri ân và cảm ơn tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, NHNN và các cổ đông.
Tân Chủ tịch nhắc lại câu chuyện sáp nhập Southern Bank đã khiến cho Sacombank gặp một số vấn đề nhưng hơn cái được lớn nhất là đã đưa Sacombank trở thành nhà băng có quy mô lớn nhất trong khối cổ phần.
Ông mong các cổ đông tiếp tục đồng hành và tin tưởng ngân hàng và các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới.
Ông Minh cũng nêu vắn tặt tại đại hội 4 vấn đề trọng tâm mà Sacombank định hướng tập trung để trở lại.
Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank  ảnh 1Tân Chủ tịch Sacombank xuất hiện trên cương vị mới với chiếc áo sơ mi, đeo cả vạt giản dị và không mặc vest.
13h45: Ông Kiều Hữu Dũng thay mặt HĐQT cũ nói lời tri ân. Giọng ông Dũng rưng rưng trong tiếng vỗ tay của toàn hội trường.
13h43: Ông Kiều Hữu Dũng tuyên bố kết quả phiên họp lần thứ nhất của HĐQT và BKS Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Đúng như thông tin VietTimes đã đề cập, tân Chủ tịch HĐQT Sacombank là ông Dương Công Minh.
Còn chức vụ Trưởng Ban kiểm soát sẽ do ông Trần Minh Triết đảm nhiệm!
13h20: Trong thời gian thành HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới họp phiên thứ nhất. Ông Hà Văn Trung đã lên trình bày Dự thảo BIên Bản và Nghị quyết Đại hội.
13h20: Chủ tọa đại hội, ông Kiều Hữu Dũng, tuyên bố Đại hội tạm nghỉ 10', đồng thời, để hoạt động quản trị Sacombank được diễn ra liên tục, HĐQT và Ban Kiểm soát Sacombank sẽ họp phiên thứ nhất ngay tại đại hội để bầu Chủ tịch HĐQT và Trưởng ban Kiểm soát.
Trao đổi với, VietTimes bên lề đại hội, một số tân thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 cho biết, họ có ý định bầu ông Dương Công Minh cho cương vị Chủ tịch HĐQT.
Ông Dương Công Minh được bầu làm thành viên HĐQT với số phiếu áp đảo
Theo kết quả kiểm phiếu bầu thành viên HĐQT, ông Dương Công Minh chính thức là thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021 với số phiêu bầu là 3.023.511.381 phiếu, tỷ lệ 198,32%.
Ông Kiều Hữu Dũng: số phiếu bầu là 1.012.716.216 phiếu, tỷ lệ 66,4%
Ông Phạm Văn Phong: số phiếu bầu là 987.842.631 phiếu, tỷ lệ 65,45%
Ông Nguyễn Miên Tuấn: số phiếu bầu 1.106.537.327 phiếu, tỷ lệ 72,58%
Ông Nguyễn Xuân Vũ: số phiếu bầu 998.253.2017 phiếu, tỷ lệ 65,5%.
Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank  ảnh 2Kết quả kiểm phiếu bầu thành viên HĐQT
13h05: Ông Hà Văn Trung - Trưởng Ban Kiểm phiếu đọc biên bản kiểm phiếu!
12h15: ông Hà Văn Trung - đại diện ban kiểm phiếu lên hướng dẫn cách thức ghi phiếu biểu quyết.
11h50: Đại diện chủ tọa đoàn, ông Nguyễn Miên Tuấn đã hồi đáp chất vấn của các cổ đông. Theo ông Tuấn, trong nhiệm kỳ vừa qua, cổ đông Sacombank nhận quyền lợi 68%, trung bình nhận 11%/năm. Xét trong bối cảnh thị trường thời gian qua, mức cổ tức trên là không tệ.
Còn về chuyện giá cổ phiếu Sacombank đi xuống, một phần do tác động của hoạt động pha loãng. Khi pha loãng thì các cổ đông cũng được nhận thêm cổ phiếu. Ông Tuấn chia sẻ, trách nhiệm HĐQT là giữ được cho hoạt động của ngân hàng ổn định, ngân hàng an toàn và phát triển. Nhiều cổ đông thắc mắc về quy mô nhân sự sao lớn thế nhưng thực tế, thời gian qua, Sacombank duy trì phát triển được là nhờ vào con người. Nguồn lực lớn nhất của Sacombank là con người.
Về định hướng kinh doanh sắp tới, sau khi được NHNN chấp thuận đề án tái cơ cấu, là cơ sở để vừa có 2 BCTC vừa kiểm toán, có cơ sở để báo cáo cổ đông, là nền tảng để ngân hàng phát triển trở lại. Ông Tuấn cũng chia sẻ, định hướng trong tương lai, Sacombank sẽ bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh, dự kiến sẽ mang thêm nguồn thu.
“Chẳng hạn như hoạt động bảo hiểm nhân thọ, dự kiến sẽ mang về khoảng 3.000 tỷ đồng”. “Hy vọng với các điều kiện đã có, HĐQT mới sẽ triển khai thành công hoạt động tái cấu trúc ngân hàng. Mong rằng, các cổ đông sẽ hợp tác hỗ trợ với HĐQT để tái cấu trúc Sacombank thành công, và đến cuối nhiệm kỳ cổ đông sẽ có cổ tức”, ông Tuấn chia sẻ và cho biết.
Ông Trầm Bê gửi lời xin lỗi cổ đông
Trao đổi về thắc mắc của các cổ đông về trường hợp của ông Trầm Bê, ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tọa cho hay. Thực tế, ông Trầm Bê cũng rất muốn đến dự đại hội nhưng vì đã ủy quyền cho NHNN nên không còn quyền cổ đông để đến.
Đặc biệt, ông Dũng cho biết, thông qua ông, ông Trầm Bê muốn gửi lời xin lỗi tới các cổ đông!
Ông Dũng cũng cho biết trong hoạt động kinh doanh không ai muốn sai lầm, ai cũng cố gắng và muốn đạt được kết quả tốt nhất.
Nhưng trong kinh doanh cũng khó ai không có lúc chệch hướng, và ai cũng phải trả giá cho những bước đi chệch của mình. "Anh Trầm bê cũng là một ví dụ. Anh Trầm Bê có trao đổi qua tôi, gửi lời xin lỗi tới cổ đông", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng đại diện HĐQT gửi lời xin lỗi tới các cổ đông vì những kết quả không như ý.
Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank  ảnh 3

Ông cũng chia sẻ về trường hợp tham dự của ông Dương Công Minh và Vietcombank. Ông nhận định, sự tham gia của ông Minh và Vietcombank sẽ có tác động hỗ trợ nhiều Sacombank trong hoạt động tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và quản trị ngân hàng

Thù lao HĐQT: Giảm một nửa so với thời anh Thành
"Còn về Thù lao của HĐQT, thực tế, đã giảm một nửa so với thời anh Thành" - ông Dũng nói
Theo ông, HĐQT Sacombank cân nhắc rất nhiều và quyết định giảm để chia sẻ trách nhiệm với cổ đông.
"Tôi được dự kiến làm thành viên HĐQT trong nhiệm kỳ sắp tới, chúng tôi cam kết là sẽ cố gắng để năm sau sẽ tốt hơn năm trước", ông Dũng kết lời.
Nhiều cổ đông đánh giá cao kinh nghiệm của ông Dương Công Minh
Tiếp tục thêm 1 ý kiến đánh giá tích cực về ông Dương Công Minh từ phát biểu của một cổ đông. Ông cho biết rất kỳ vọng kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp ích nhiều cho Sacombank trong việc xử lý nợ xấu.
Ông cũng đặt câu hỏi gửi đến riêng ứng viên Dương Công Minh. "Với kinh nghiệm của mình, ông Minh có kế hoạch gì trong việc xử lý nợ xấu ở Sacombank trong thời gian tới không?"
Cổ đông đề nghị chủ tọa đoàn điều hành quyết liệt hơn
11h25: Lượt phát biểu thứ hai cũng là một nữ cổ đông. Bà tập trung vào hai ý kiến. Một là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong câu chuyện của Sacombank. Hai là tư cách ứng viên của ông Dương Công Minh, nữ cổ đông này tỏ ý băn khoăn về những dư luận liên quan đến ông Minh về sân golf Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, ý kiến của nữ cổ đông này không nhận được sự đồng tình của 2 cổ đông phát biểu sau. Hai cổ đông này đề nghị không lôi chuyện sân golf vào đại hội, "chuyện sân golf là sân golf, nó không có dính gì về Sacombank cả. Đại hội dân chủ nhưng phải đúng định hướng, đề nghị chủ tọa đoàn điều hành quyết liệt hơn".
Ông Dương Công Minh được cổ đông đánh giá cao vì có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản
Ông Dương Công Minh được cổ đông đánh giá cao vì có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản

"Tôi đánh giá cao ông Dương Công Minh. Ông Minh với kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản sẽ hỗ trợ Sacombank trong việc xử lý nợ xấu nhà đất", nam cổ đông nói trong lượt phát biểu thứ tư.

Kỳ vọng ông Thành trở lại
11h20: Đại hội bước vào phần chất vấn
Bà Lê Thị Kim Cúc lại là người đầu tiên phát biểu ý kiến. Bà Cúc xin lỗi Chủ tọa đoàn về phát ngôn bức xúc lúc trước, nhưng bà mong được thông cảm, vì bà và các cổ đông khác bị thiệt hại và rất bức xúc.
Bà Cúc cho biết bà kỳ vọng nhiều khi nghe đâu đó tin "ông Đặng Thành sẽ trở về mái nhà chung Sacombank của chúng tôi". "Ông Thành cũng là người xương máu với Sacombank".
"Còn ông Trầm Bê, tại sao ông Trầm Bê phải đi. Hãy trả lời cho chúng tôi. Ông Trầm Bê đến hoành tráng thế, sao giờ ông ấy đi không đến chào chúng tôi".
"Vui lòng cho chúng tôi biết ông Đặng Thành có trở lại mái nhà chung của chúng ta không. Đó là cái mà chúng tôi kỳ vọng chính", bà Cúc khẳng định phát biểu này của bà cũng là lời nhắn gứi của nhiều cổ đông khác. Bà nhấn mạnh bà không phải là người thân quen hay bè nhóm gì với ông Thành. "Chỉ là tôi thấy ai giỏi, ai giúp cho Sacombank của chúng ta đi lên thì chúng tôi tin" - bà Cúc nói.
Trước lúc kết thúc ý kiến trong tiếng vỗ tay của hội trường, bà Cúc thêm một lần tỏ ý kỳ vọng ông Thành trở lại. "Nếu được thế chúng tôi rất mừng".
11h00: Ông Nguyễn Miên Tuấn - Thành viên HĐQT Sacombank lên trình bày Tờ trình Kế hoạch sử dụng Vốn chủ sở hữu và thực hiện các hoạt động đầu tư năm 2017; Tờ trình Ủy quyền lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập năm 2017; Tờ trình xác nhận chủ trương thành lập các công ty trực thuộc và liên doanh.
10h45: Các cổ đông bắt đầu bỏ phiếu biểu quyết.
Đề nghị "giữ lại" ông Minh
Thêm một cổ đông (tự giới thiệu là cổ đông của Sacombank 20 năm nay) ý kiến về trường hợp của ông Dương Công Minh. Ông cho biết, đánh giá rất cao ông Dương Công Minh, là một người có năng lực, và đã biết ông Minh từ thời ở Him Lam. "Tôi đề nghị giữ ông Minh lại danh sách ứng viên HĐQT", cổ đông này nói.
Ông Trầm Bê đâu?
Cổ đông Lê Thị Kim Cúc (tự giới thiệu là nhà giáo) đặt câu hỏi: Tôi không thấy ông Trầm Bê xuất hiện trong HĐQT. Ông Trầm Bê đâu? Đầu nhiệm kỳ thấy ông Trầm Bê vào để sáp nhập Phương Nam vào, bây giờ cuối nhiệm kỳ ông ấy đâu ? "Chúng tôi đây đều là nạn nhân" - bà Cúc bức xúc.
Bà Cúc truy vấn trách nhiệm của ông Trầm BêBà Cúc truy vấn trách nhiệm của ông Trầm Bê
Theo bà Cúc, bà sở hữu hơn 500 nghìn cổ phiếu STB, "đó đều là tiền mồ hôi nước mắt, tôi đầu tư từ thời ông Thành, từ ngày Sacombank thành lập". Bà Cúc truy vấn trách nhiệm của ông Trầm Bê.
Một nữ cổ đông khác, 75 tuổi, cũng tỏ ý bức xúc về việc sáp nhập Southern Bank và trường hợp của ông Trầm Bê.
Cổ đông 75 tuổi bức xúc về trường hợp ông Trầm BêCổ đông 75 tuổi bức xúc về trường hợp ông Trầm Bê

Trước các bức xúc của cổ đông về trường hợp của ông Trầm Bê. Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng - người giữ vai trò chủ tọa đại hội, giải thích rằng, ông Trầm Bê không còn quyền cổ đông, bởi đã ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang cho NHNN.

Tuy nhiên, cổ đông Cúc và các cổ đông khác tỏ ý không thỏa mãn. "Hôm nay mới kết thúc nhiệm kỳ cũ, chưa kiện toàn nhân sự mới, vậy ông Trầm Bê đâu?", bà Cúc đặt câu hỏi.
Cổ đông nghi ngờ tư cách ứng viên của ông Dương Công Minh
10h13: Một cổ đông đứng lên xin ý kiến, ngay sau khi lấy ý kiến ứng cử viên Thành viên HĐQT đề nghị bỏ Ban Kiểm soát vì theo luật mới thì không cần có mà vai trò của Ban Kiểm soát Sacombank thì gần như không có gì, không đóng góp được gì.
Vị cổ đông này cũng nhấn mạnh về trường hợp của ứng viên Dương Công Minh. Ông tỏ ý nghi ngờ về tư cách ứng viên của ông Dương Công Minh.
Vị cổ đông này lưu ý đến sự liên quan của ông Dương Công MInh đối với dự án sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất - hiện đang gây bức xúc dư luận. Ông cho rằng, ông Minh đã có "vết" tại dự án này nên cho rằng đề cử ông Minh tham gia sẽ không có lợi cho Sacombank.
10h10: Ông Phan Huy Khang - Phó Chủ tịch HĐQT lên trình bày Thông qua tờ trình bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021.
 "Trong thời gian Sacombank chờ NHNN phê duyệt danh sách ứng cử viên HĐQT, BKS Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021, đã có một số ứng cử viên gửi đơn xin rút tên ra khỏi danh sách ứng cử viên nên số lượng ứng viên HĐQT được NHNN phê duyệt để đưa ra Đại hội bầu không đảm bảo đủ số lượng theo như dự kiến. Vì vậy, HĐQT kính trình ĐHĐCĐ thông qua danh sách ứng vử viên..." - ông Khanh nói.
9h54: Trưởng Ban Kiểm soát Nguyễn Vạn Lý trình bày Báo cáo của Ban kiểm soát về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, kết quả thẩm tra tình hình tài chính và Báo cáo hoạt động của các đơn vị trực thuộc Ban Kiểm soát trong năm 2015 - 2016; Báo cáo tổng kết hoạt động của Ban Kiểm soát trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 và định hướng hoạt động nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 là 6,81%, đặt mục tiêu 585 tỷ đồng LNTT trong năm 2017
9h40: Ông Phan Huy Khang - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc trình bày Báo cáo của Ban điều hành về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015 - 2016 và Kế hoạch kinh doanh năm 2017.
Ông Khang cho biết, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất và riêng của Ngân hàng thời điểm 31/12/2016 lần lượt là 6,81% và 6,68%.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR hợp nhất) năm 2016 là 10,82%; Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn năm 2016 là 47,67%; Tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng tiền gửi năm 2016 là 65,26%.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR hợp nhất) năm 2016 là 10,82%; Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn năm 2016 là 47,67%; Tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng tiền gửi năm 2016 là 65,26%.
Về định hướng kinh doanh năm 2017, Tổng Giám đốc Phan Huy Khang trình Đại hội một số chỉ tiêu tài chính và an toàn hoạt động trọng yếu:
- Tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so với 2016;
- Tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, huy động từ TCKT&DC là 351.400 tỷ đồng, tăng 20%
- Tổng dư nợ tín dụng đat 277.000 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%
- Lợi nhuận trước thuế 585 tỷ đồng.
Nhiệm kỳ nhiều dấu ấn và cung bậc
9h08: Ông Nguyễn Miên Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT lên trình bày Báo cáo của HĐQT về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được ĐHĐCĐ giao và Báo cáo hoạt động của các Hội đồng, Ủy ban trực thuộc HĐQT trong năm 2016; Báo cáo tổng kết hoạt động của HĐQT trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 và định hướng hoạt động của nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Tại Báo cáo, ông Nguyễn Miên Tuấn nhấn mạnh: nhiệm kỳ 2011 - 2016 của HĐQT Sacombank được ghi nhận là một nhiệm kỳ có nhiều biến động và thách thức
"Nhân sự trong suốt nhiệm kỳ không được duy trì ổn định, luôn có sự thay đổi, vì thế kế hoạch và chiến lược kinh doanh được xây dựng từ đầu nhiệm kỳ cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của thị trường và nội tại của Sacombank. Đây cũng là nhiệm kỳ HĐQT dài nhất (06 năm), với nhiều dấu ấn và cung bậc so với các nhiệm kỳ HĐQT đã qua của Sacombank", ông Tuấn nói.

Kết quả HĐKD:

Theo BC của HĐQT Sacombank, năm 2015, 2016 là những năm đầu của giai đoạn tái cơ cấu toàn diện Sacombank sau sáp nhập; được xác định là gặp rất nhiều khó khăn. Tuy Ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên Sacombank  đã nỗ lực hết mình, song kết quả HĐKD đạt được chưa mong muốn, nợ xấu còn cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số chỉ tiêu trọng yếu về HĐKD thực hiện trong năm 2015, 2016 như sau:

Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank  ảnh 7

Chi trả cổ tức:

Theo HĐQT Sacombank, tổng tỷ lệ chi trả cổ tức trong năm 2015 là 38,75% trên vốn cổ phần có biểu quyết. Trong đó:

-         Chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của năm 2014 với tỷ lệ 8%

-         Chi trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2014 với tỷ lệ 12%

-         Chia cổ phiếu quỹ kết hợp thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10%

-         Chia cổ phiếu hoán đổi từ giao dịch sáp nhập Southern Bank vào Sacombank với tỷ lệ 8,85%

Vốn điều lệ và mạng lưới

HĐQT Sacombank đã triển khai thực hiện việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank. Đến 11/12/2015, Sacombank được NHNN ghi nhận tăng vốn điều lệ từ 12.435.115.900.000 đồng lên 18.852.157.160.000 đồng.

Ngay sau khi sáp nhập, HĐQT Scombank đã tập trung chỉ đạo công tác tái cấu trúc sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, theo nguyên tắc rộng khắp và hiệu quả.

Tính đến 4/2016, Sacombank đã có 552 điểm giao dịch với 109 chi nhánh và 443 phòng giao dịch cùng 4 công ty con. Hệ thống mạng lưới giao dịch nước ngoài có 2 ngân hàng con tại Lào và Campuchia với 10 chi nhánh.

Tổng số cán bộ nhân viên của Sacobank hiện là 17.296 người.

Một số công việc chưa hoàn thành theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ:

Theo báo cáo, bên cạnh những nhiệm vụ đã thực hiện, trong năm 2015-2016, HĐQT Sacombank chưa hoàn thành một số nội dung theo nghị quyết của ĐHĐCĐ, cụ thể:

-         Một số chỉ tiêu HĐKD không đạt kế hoạch đề ra

-         Chưa hoàn thành việc thành lập Công ty trực thuộc và liên doanh trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm nhân thọ

-         Chưa hoàn thành việc bổ sung vào giấy phép đăng ký kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh đã được ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 thông qua như: các nghiệp vụ ủy thác, nhận ủy thác và đại lý theo quy định tại điều     106 của Luật các TCTD 2010; Kinh doanh, cung ứng dịch vụ, sản phẩm phái sinh; Cho vay ra nước ngoài theo quy định của NHNN.

9h00: Cổ đông biểu quyết thông qua chương trình làm việc của Đại hội
100% cổ đông thông qua quy chế làm việc của đại hội100% cổ đông thông qua quy chế làm việc của đại hội
Trợ lý một thời của ông Đặng Văn Thành ứng cử HĐQT
Đáng chú ý, trong thành phần ứng cử HĐQT lần này có ông Nguyễn Xuân Vũ, sinh năm 1981.
Từ năm 2007 đến 08/2013, ông Vũ là Chuyên viên Văn phòng HĐQT, Trợ lý Chủ tịch HĐQT, CHủ tịch công đoàn phía Bắc - Ngân hàng Sacombank. Như vậy, có nghĩa rằng ông Vũ từng có một thời gian làm Trợ lý của cựu Chủ tịch Đặng Văn Thành.
Lý lịch trích ngang ứng viên HĐQT
Ông Dương Công Minh:
- Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/5/1961, trình độ cử nhân kinh tế.
- Từ 1994-1997, ông Dương Công Minh là Giám đốc - Xí nghiệp xây dựng, Công ty Thanh Bình, Bộ Quốc Phòng
- Từ năm 1997 đến nay, ông Minh là Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam
- Từ năm 2008-2017, ông Minh là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt
Hiện tại, ông Minh vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, Chủ tịch HĐQT CTCP Dụng cụ thể thao Bảo Long, Chủ tịch HĐQT CPCP Phát triển Xín Mần, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Liên Việt
Ông Dương Công Minh được HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2011-2015 đề cử bầu làm thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021
8h40: Ông Hà Văn Đông - Phó Tổng Giám đốc lên trình bày và lấy ý kiến biểu quyết thông qua các nội dung
- Nội dung và chương trình làm việc của Đại hội;
- Quy chế làm việc và thể lệ biểu quyết, bầu cử của Đại Hội;
- Thành phần Ban kiểm phiếu của Đại hội.

8h35: Đại hội giới thiệu chủ tọa đoàn

Ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tọa Đại hội lên phát biểu khai mạc
Ông Dũng nói lời tri ân tới các cổ đông và nhà đầu tư. Đặc biệt ông Dũng cũng gửi lời xin lỗi thành thực tới quý cổ đông vì những bất tiện khi không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 và hoãn tổ chức Đại hội 2017.

Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank  ảnh 9

8h30: Ông Nguyễn Vạn Lý - Trưởng Ban kiểm soát lên Báo cáo kết quả kiểm tra tư cách đại biểu

Theo đó, tổng số tham dự đến 8h10 có 575 cổ đông và người đại diện theo ủy quyền tham dự đại hội; Tổng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội là 1.509.110.416 CP, tỷ lệ chiếm 83,66%

8h20: Đại diện Ban tổ chức lên tuyên bố lý do tổ chức đại hội

ĐH có sự hiện diện của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh; ông Nguyễn Văn Hưng Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN; ông Nguyễn Văn Dũng Cục trưởng Cục thanh tra giám sát NHNN Tp. HCM; Nguyễn Văn Dũng Cục trưởng Cục thanh tra giám sát NHNN Tp. HCM; ông Nguyễn Hữu Hợp - Cục phó A84, cùng cổ đông và nhiều vị khách quý khác.
8h15: Ban tổ chức làm thủ tục kiểm tra tư cách cổ đông
Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank  ảnh 11
Ông Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch HĐQT Sacombank  ảnh 12ĐHĐCĐ thường niên Sacombank năm tài chính 2015, 2016
****
Đại hội lịch sử Sacombank: Kịch tính nhân sự...

Theo kế hoạch ban đầu, Đại hội này dự kiến tổ chức vào ngày 28/04 nhưng đã hoãn lại và dời đến hôm nay (30/6).

Cần thiết phải nói đây là một đại hội lịch sử của Sacombank. Tầm vóc, tính chất và sức ảnh hưởng của nó đã vượt nghĩa của một đại hội cổ đông thường niên như vẫn biết. Đại hội này sẽ kiện toàn nhân sự, đặt bản lề cho chặng đường phát triển 2017 – 2021 của ngân hàng.

Tính quyết định của đại hội lần này có thể so sánh với đại hội lịch sử năm 2012 – nơi Trầm gia và nhóm Southern Bank đã “thoán triều” của Đặng gia tại Sacombank.

Nhưng nếu đại hội năm 2012 đã khởi đầu cho một chương giông tố và khởi nguyên cho vết trượt dài của Sacombank – thương hiệu lẫy lừng trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần thì lần này, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, người ta lại chờ đợi một sự thay đổi bước ngoặt theo chiều hướng tích cực. Kỳ vọng rằng, Sacombank sẽ hồi sinh và trở về đúng với vị thế của nó!

Theo chương trình làm việc, Ban tổ chức sẽ bắt đầu đón khách và phát tài liệu cho cổ đông từ 7h30 – 8h30, tại địa điểm tổ chức: Trung tâm Hội nghị White Place (số 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM).

Các Nghi thức và Thủ tục đại hội dự kiến sẽ được tiến hành trong khung thời gian từ 8h30 – 8h45. Sau đó, đại hội chính thức bước vào nghị sự.

Trọng tâm của Đại hội lần này sẽ liên quan đến việc kiện toàn nhân sự thượng tầng cho nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Ngay từ việc dự kiến nhân sự để xin chấp thuận chủ trương từ cơ quan Nhà nước đã đầy kịch tính. Những nhân sự ứng cử sẽ được biểu quyết tại phiên đại hội hôm nay thực ra không phải là những cái tên được dự kiến ban đầu.

Mọi sự chú ý sẽ được dồn vào ông Dương Công Minh – người sáng nghiệp “đế chế” Him Lam và cũng là cựu Chủ tịch của LienVietPostBank.

Danh sách nhân dự dự kiến làm thành viên HĐQT và BKS của Sacombank được NHNN thông quaDanh sách nhân dự dự kiến làm thành viên HĐQT và BKS của Sacombank được NHNN thông qua

Ông Minh xếp đầu trong danh sách 6 ứng viên tham gia HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2021, bên cạnh các ông/bà: Kiều Hữu Dũng, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Xuân Vũ, Phạm Văn Phong và Lê Thị Hoa. Trong đó, bà Hoa ứng cử Thành viên HĐQT độc lập.

Còn danh sách ứng viên Ban Kiểm soát gồm 4 cái tên: Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Thị Thanh Mai, Lê Văn Tòng, Hà Tôn Trung Hạnh.

Nên biết, kế hoạch nhân sự trên vừa mới chỉ nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) theo công văn số 5085/NHNN-TTGSNH ngày 28/06/2017 – tức là trước thềm đại hội chỉ 2 ngày.

Cũng lưu ý rằng, khác với phần lớn các NHTMCP khác, tại Sacombank, NHNN giữ hai vai.  Không chỉ đơn thuần là một cơ quan quản lý nhà nước đối với các thành viên hệ thống, NHNN còn giữ quyền cổ đông đại diện cho một phần đáng kể cổ phần tại Sacombank – nhờ sự ủy quyền không hủy ngang của nhóm Trầm Bê và các cổ đông có liên quan. Chưa rõ NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông trên như thế nào và bỏ phiếu biểu quyết cho ai và tờ trình nào (?!).

Theo chương trình nghị sự, các cổ đông Sacombank sẽ tiến hành bỏ phiếu biểu quyết thông qua các báo cáo và tờ trình trong khung thời gian từ 11h30 – 11h40. Trước đó, từ 11h00 đến 11h30, các đại biểu tham dự sẽ có 30’ thảo luận.

Dự kiến, đại hội sẽ tổng kết và bế mạc trong khung thời gian từ 13h10 – 13h30.

Phóng viên VietTimes có mặt tại hiện trường và tường thuật trực tiếp về đại hội.

Ninh Giang