Nước ngoài không đi trên... dây!

“Năm 2007 Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế khi ấy rất lớn. Đầu tư vào Việt Nam là mốt. Chúng tôi là tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc đầu tư và trở thành đối tác chiến lược của một ngân hàng Việt Nam có ý nghĩa không những đối với cổ đông, mà cả khách hàng” - một doanh nhân nước ngoài làm việc trong ngành ngân hàng, đề nghị không nêu tên, chia sẻ - “Không phải bây giờ, mà từ vài năm trước, khoản đầu tư của chúng tôi vào ngân hàng Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Chúng tôi cũng đã trích lập dự phòng rủi ro cho nó từ lâu. Hiện nay nếu có đối tác mua, chúng tôi sẵn sàng chuyển nhượng”.
ANZ đã bán mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan Bank. Ảnh: KINH LUÂN
ANZ đã bán mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan Bank. Ảnh: KINH LUÂN

Mua vì Việt Nam là... mốt

Ngày 30-6-2017 cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) kết thúc vào lúc 15 giờ 30. Sau đại hội, đại diện cổ đông ngoại là ngân hàng UOB (United Overseas Bank - Singapore) đã đến gặp hội đồng quản trị mới của Sacombank. Cho đến thời điểm Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNBank) vào tháng 10-2015, UOB vẫn đang sở hữu 20% cổ phần PNBank, tương đương 800 tỉ đồng mệnh giá hay 80 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu của PNBank bằng 0,75 cổ phiếu Sacombank, UOB trở thành cổ đông của Sacombank nắm giữ 60 triệu cổ phiếu, tương đương 3,33% vốn điều lệ STB hiện tại.

Kết cục đầu tư của UOB vào PNBank có lẽ không phải là mục tiêu lâu dài mà ngân hàng đến từ đảo quốc Sư tử hướng tới. Ngày 26-1-2007, khoảng năm tháng trước khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, UOB ký hợp đồng mua 10% cổ phần PNBank, trở thành đối tác chiến lược. Rất nhanh sau đó, họ nâng tỷ lệ sở hữu ở PNBank lên 20%. Năm đó là năm hoàng kim của Phương Nam bởi thặng dư từ việc bán cổ phần cho nước ngoài rất lớn, lớn đến mức ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 1.290 tỉ đồng lên tầm 2.500 tỉ đồng từ việc chia cổ phiếu thưởng. Khỏi nói cả cổ đông nội và ngoại vui mừng đến mức nào.

Nhưng khi ấy PNBank không phải tổ chức tín dụng đầu tiên bước chân vào trào lưu bán cổ phần cho nước ngoài. Một ngày đẹp trời tháng 11-2006 tại khách sạn Caravelle ở TPHCM, tập đoàn Pháp BNP Paribas ký hợp đồng nguyên tắc liên minh chiến lược với Ngân hàng TMCP Phương Đông sau năm tháng thương thảo, theo đó BNP Paribas sẽ mua 10% cổ phần của Phương Đông và kế tiếp nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.

Thị trường tài chính Việt Nam còn chứng kiến một loạt thương vụ đình đám như Sacombank bán cổ phần cho ANZ, IFC, Dragon Capital; Á Châu (ACB) có cổ đông chiến lược Standard Chartered Bank; VPBank có OCBC; Techcombank có HSBC; Eximbank có đối tác chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation; SeABank bán cổ phần cho ngân hàng Pháp Société Générale và Đông Á suýt có cổ đông ngoại CitiBank. Cho đến khi Vietcombank, VietinBank bán cổ phần cho hai tập đoàn tài chính Nhật Bản, trào lưu cổ đông ngoại dường như đã phai nhạt ít nhiều.

Số tiền mà các đối tác nước ngoài bỏ ra để sở hữu từ 10-20% cổ phần của một tổ chức tín dụng nội địa ban đầu khá cao, ngang với thị giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường thời đó (có ngân hàng đã bán cổ phần cho nước ngoài giá 8 chấm, tức 80.000 đồng/cổ phiếu - NV). Nói như doanh nhân nước ngoài ở đầu bài viết này, Việt Nam là mốt, cổ phiếu ngân hàng là mốt, nước ngoài tham gia vào ngân hàng Việt không chỉ để chứng tỏ họ năng động, có mặt ở một quốc gia mà nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng cao và hội nhập quốc tế sâu rộng, mà còn vì lợi ích cổ phiếu của chính tập đoàn của họ ở tại chính quốc.
Trong khi tiêu chí rủi ro của ngân hàng nước ngoài “cứng rắn”, thì của ngân hàng Việt Nam tương đối mềm, mềm đến mức “ta đi trên dây mà không rơi. Còn chuẩn mực rủi ro của nước ngoài không cho phép họ đi trên dây” - lãnh đạo một ngân hàng hàng đầu
Việt Nam nói.
“Thị trường tài chính Việt Nam những năm 2005-2007 còn rất sơ khai. Khi vào WTO, giới đầu tư thực sự nghĩ rằng trong 4-5 năm sau đấy thị trường tài chính Việt Nam sẽ từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, cơ hội hiện hữu” - một nhân viên nhiều năm làm việc cho chi nhánh, rồi ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam nhận xét. Tuy nhiên cuộc khủng hoàng tài chính bên ngoài và suy thoái kinh tế bên trong Việt Nam những năm tiếp theo đã thay đổi tất cả.

Công ty Tài chính Quốc tế IFC được giới đầu tư ở Việt Nam đánh giá là một trong những tổ chức đầu tư thành công nhờ mua và bán đúng thời điểm. Cuối tháng 12-2008, IFC lên kế hoạch bán ra 16 triệu cổ phiếu, khoảng 50% cổ phần Sacombank mà họ nắm giữ. Họ cũng sớm thoái phần vốn còn lại ở Sacombank, đồng thời sớm thoái vốn ở ACB tại vùng giá cao. Trong khi các tổ chức nước ngoài khác tiếp tục “chung thủy” với các khoản đầu tư và trích lập dự phòng rủi ro, IFC lại giải ngân vào VietinBank ở mức giá thấp nhất có thể nhờ điều kiện thị trường.

Mọi khoản đầu tư đều là đầu tư tài chính?

Thành viên hội đồng quản trị của một ngân hàng lớn, hai lần tham gia đàm phán bán cổ phần tổ chức tín dụng thành công và hơn 30 năm gắn bó với ngành ngân hàng, khẳng định hầu hết đối tác ngoại mua cổ phần ngân hàng, kể cả đối tác chiến lược, chủ yếu là đầu tư tài chính.

Theo người trong cuộc này, “họ (nước ngoài) có chi nhánh, hoặc ngân hàng con ở Việt Nam. Với 10-20% cổ phần nắm giữ họ không thể nắm quyền chi phối một ngân hàng nội. Họ vào ngân hàng nội để quan sát thực tế, xem ngân hàng Việt Nam kinh doanh thực sự thế nào để rút kinh nghiệm và áp dụng vào điều hành ngân hàng con của họ”. Từ góc độ như vậy, khi đã nắm bắt được cách thức, chuẩn mực hoạt động của ngân hàng nội, hơn nữa các khoản đầu tư không đạt được kỳ vọng mong muốn, họ rút ra.

Tổng giám đốc một ngân hàng có cổ đông ngoại phân tích rằng các tập đoàn tài chính nước ngoài có bộ phận đầu tư và bộ phận kinh doanh riêng. Họ có thể tham khảo ý kiến lẫn nhau nhưng về cơ bản họ hoạt động độc lập. Khi khoản đầu tư mang tính tài chính mà lãi lỗ và đã được trích lập dự phòng, thì cắt lỗ. Vấn đề là cố gắng để mức lỗ càng thấp càng tốt.

“Họ giải ngân ở vùng giá cao. Đến nay và có thể 1-2 năm nữa, cổ phiếu ngân hàng cũng không thể quay lại vùng giá như các năm 2006-2007. Nếu tính trả cổ tức hoặc chia thưởng cổ phiếu, giá thành đầu tư trên mỗi cổ phần của họ hạ xuống. Giá thành đầu tư hiện nay có thể ngang với giá thị trường, nhưng chi phí cơ hội của 10 năm qua nắm giữ cổ phiếu ở đâu? Lỗ là lỗ ở đấy. Bạn bỏ 10 triệu đồng vào ngân hàng gửi tiết kiệm 12 tháng năm 2007, tôi chắc đến nay số tiền của bạn đã lên tầm 25 triệu đồng mà bạn không phải làm gì cả. Còn họ được gì?” - ông lập luận.                  

Nước ngoài không đi trên... dây!

Gần đây một số tổ chức nước ngoài không chỉ chuyển nhượng các khoản đầu tư vào các ngân hàng ở vai trò cổ đông, mà còn chuyển nhượng cả mảng kinh doanh hay cả chi nhánh. Tháng 4 vừa qua, ANZ thông báo họ đã bán mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan Bank. Rồi đầu tháng 7-2017, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) mua lại chi nhánh TPHCM của ngân hàng Commonwealth Bank của Úc.

Có nhiều sự khác nhau trong hoạt động của ngân hàng nước ngoài và ngân hàng nội địa, trong đó lớn nhất là khẩu vị, chuẩn mực rủi ro. Các ngân hàng nước ngoài có tiêu chí tài chính, phi tài chính và họ quy định điểm cho từng tiêu chí. Hệ thống của họ đánh giá khách hàng dựa trên các tiêu chí đó. Nhiều doanh nghiệp nội khi bị áp dụng các tiêu chí này là rớt. Mà đã rớt là thôi, không có “trình” lên bộ phận này, bộ phận kia xem xét nữa để xem liệu có thể cho vay.        

Thêm vào đó, định mức tín nhiệm của thị trường tài chính Việt Nam nói chung, xếp hạng tín nhiệm của mỗi ngân hàng Việt nói riêng còn thấp. Đến giờ, thị trường tài chính Việt Nam vẫn ở mức cận biên, rủi ro cao, các ngân hàng ngoại tính thêm điều này vào chuẩn mực rủi ro của họ, thì số khách hàng Việt có thể được vay vốn càng thấp.

Trong khi tiêu chí rủi ro của nước ngoài “cứng rắn”, thì của ngân hàng Việt Nam tương đối mềm, mềm đến mức “ta đi trên dây mà không rơi. Còn chuẩn mực rủi ro của nước ngoài không cho phép họ đi trên dây” - lãnh đạo một ngân hàng hàng đầu Việt Nam nói. Theo bà “kinh doanh tiền tệ ở Việt Nam không dễ với ngân hàng nước ngoài. Có ngân hàng vào đã 10-15 năm, họ chịu trận, tiếp tục lỗ hoặc hòa vốn, hoặc lãi rất ít để chờ đợi thời cơ. Ngân hàng ngoại nào chịu trận không nổi nữa, thì “bán mình” ra đi”.

Trên thực tế, hiện có hơn 50 văn phòng đại diện, chi nhánh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam nhưng thị phần của họ chỉ mười mấy phần trăm, quy mô huy động, cho vay nhỏ dù vốn điều lệ lớn. Số lượng tổ chức tín dụng nội địa hiện nay là 34 và đang áp đảo thị phần cả huy động, cho vay, dịch vụ bán lẻ.
Nhìn ra, các ngân hàng nước ngoài và các cổ đông ngoại trong ngân hàng Việt đều đến từ các nước phát triển, các thị trường tài chính phát triển, thuộc nhóm G7, G20 trong khi thị trường tài chính chúng ta vẫn ở mức cận biên, khoảng cách giữa hai bên quá xa. Các ngân hàng, đối tác cổ đông nước ngoài một khi vẫn giữ, tuân thủ các chuẩn mực rủi ro trong đầu tư, kinh doanh của họ, thì họ khó kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Đấy phải chăng là một trong những lý do cơ bản giải thích việc một số ngân hàng nước ngoài rời Việt Nam?

Theo Hải Lý / TBKTSG
Link: http://www.thesaigontimes.vn/162446/Nuoc-ngoai-khong-di-tren-day.html