Nới thông tư 20: Việt Nam dễ thành bãi rác công nghệ

"Không thể hạ thấp tiêu chuẩn công nghệ máy móc cũ nhập khẩu vì như vậy mối lo về rác công nghệ TQ sẽ không thể giải quyết".
Nới thông tư 20: Việt Nam dễ thành bãi rác công nghệ

Mới đây, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN đã có những sửa đổi, cụ thể theo dự thảo thông tư, tổ chức, cá nhân nhập khẩu máy móc công nghệ cũ có thể chọn tiêu chí chất lượng còn 70% trở lên, hoặc không quá 10 năm sử dụng. Các điều kiện này thoáng hơn so với Thông tư cũ quy định chất lượng phải còn từ 80% trở lên và không quá 5 năm sử dụng.

Trước thay đổi này, trao đổi với PV, ngày 17/6, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Ủy viên Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết: "Thực ra thì đúng là hiện tại do áp lực của các nhà đầu tư ở VN vẫn sử dụng các thiết bị rẻ tiền, trong điều kiện VN vốn đầu tư ít, cho nên Bộ KH&CN mới hạ thấp tiêu chí về mức độ hiện đại, an toàn của thiết bị từ 80% xuống 70%, thời gian sử dụng từ 5 năm lên 10 năm.

Nhưng theo tôi đó chỉ là giải pháp tình thế để mà đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư ở VN, tìm vốn coi như trước mắt, còn về mặt lâu dài theo tôi cũng không phải phù hợp. Chính vì thế, nên bài toán ngăn chặn rác công nghệ ngày càng khó khăn hơn khi người gác cổng là quy địnhđược nới rộng thêm".

Ông cho biết thêm: "Nếu nới rộng điều kiện tiếp nhận máy móc thì khó lòng đuổi kịp hiện đại hóa các nước, đã là nước luôn đi sau lại còn mở rộng, nới rộng cho công nghệ cũ vào là không có tầm nhìn xa. Nếu chỉ vì áp lực trước mắt của nhà đầu tư trong nước, mà muốn tư duy ăn xổi thì không chấp nhận được".

Mặt khác, đưa ra ví dụ điển hình, theo ông Đăng, kinh nghiệm đau xót nhất của VN là khi nhập công nghệ xi măng lò đứng, hình thành hệ thống mỗi địa phương 1 lò, nhưng vừa đưa vào sử dụng được vài ba năm thì quá lạc hậu, sản xuất tiêu thụ năng lượng quá lớn, nên phải đắp chiếu, đấy là bài học cần phải có kinh nghiệm xương máu.

"Tôi không ủng hộ chuyện hạ thấp tiêu chuẩn công nghệ máy móc cũ nhập khẩu như vậy. Vì như vậy mối lo về rác công nghệ TQ sẽ không thể giải quyết được và khi đó sẽ không khuyến khích được công nghệ mới, hiện đại hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, chỉ có thể là tụt hậu thêm", ông Đăng khẳng định.

Phải có tiêu chuẩn cho từng loại nguồn gốc máy móc

Trong khi đó, cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho biết: "Thực ra, thứ nhất, Thông tư cũ khi thực hiện nhiều DN phản đối vì quy định cứng nhắc nó sẽ hạn chế nhập thiết bị công nghệ nguồn châu Âu và Mỹ, vì thiết bị ở trình độ cao họ dùng 10 năm rồi vẫn rất tốt, có thể dùng đến 10 - 20 năm vẫn được, đó là lý do họ phản đối khi quy định số năm cứng nhắc.

Các nguồn thiết bị tốt đó không được đánh đồng với công nghệ, thiết bị TQ, Đài Loan (Trung Quốc), vì đối với dòng sản phẩm của các nước này có thể sau 10 năm là vứt đi nhưng không thể so sánh với châu Âu, Mỹ.

Thứ hai, quy định 80% chất lượng còn quá cao, khó kiểm soát, chính vì vậy, vừa rồi Bộ KH&CN mới thay đổi nới rộng ra, nhưng trong kinh tế bất cứ biện pháp, giải pháp, chính sách nào cũng có tác động hai mặt. Một mặt, nới điều kiện ra có thể tạo điều kiện cho những DN làm ăn tử tế nhập được thiết bị công nghệ nguồn, từ một nước công nghiệp hóa phát triển lâu năm, thì vẫn áp dụng, đó là mặt tốt của chính sách này.

Mặt khác, hạ tiêu chuẩn sẽ bị một số DN lợi dụng, nhập công nghệ không thực sự là tốt, bị thải ra từ các nước mới phát triển công nghệ sau này. Vì vậy, Bộ KH&CN chỉ đưa ra một quy định chung chung như thế là hơi phiến diện".

Bên cạnh đó, theo ông Nam, nhà quản lý đáng lẽ phải đưa ra nguồn, xuất xứ rõ ràng, nguồn ở đâu thì quy định bao nhiêu %, chia ra các nguồn cụ thể, không nên đánh đồng chung một tiêu chí.

"Thực chất, đây là cách đơn giản hóa trong quản lý, dễ cho người lãnh đạo, nhưng rõ ràng trong quản lý sẽ phát sinh tiêu cực do sự đơn giản đó. Đây chính là thiếu sót, từ việc quản lý dễ dàng dẫn đến phát sinh tiêu cực", ông Nam nhìn nhận.

Bởi, theo ông, khi giải bài toán này mà chỉ nhìn một mặt không nhìn toàn diện để giải quyết vấn đề, thì chắc chắn không hiệu quả. Đúng là máy móc của TQ, Đài Loan, thì dùng 5 -10 năm sẽ phải vứt đi vì lỗi thời, thành phế thải, còn máy móc của châu Âu, 20 năm vẫn còn tốt như mới, sao có thể đánh đồng theo một tiêu chuẩn chung.

"Nguồn thiết bị không phải là tỷ lệ %, thiết bị sau này vì nó thay đổi rất nhanh, điều đáng quan tâm phải là tính lâu bền, mới nhưng không đầu tư nhiều, giá rẻ nhưng khấu hao rất nhanh, chỉ  5 - 10 năm là hết, khi loại ra đương nhiên vẫn còn 70% nhưng dùng 1 - 2 năm, lập dự án xong, lắp máy lên thì đã lỗi thời, một mặt hỏng về thực thể, một mặt thì lạc hậu về tính chất", ông Nam khẳng định.

"Việt Nam chịu thiệt cho Trung Quốc hưởng lợi"

Cũng đưa ra quan điểm trước vấn đề này, TS Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới, nhận định: "Sở dĩ mức thay đổi như vậy thì không có tác dụng gì nhiều, nghĩa là đã sử dụng 10 năm rồi vẫn cho nhập về, như vậy nhãn tiền có thể thấy, công nghệ trong tương lai sẽ càng ngày càng tồi tệ đi là chắc chắn.

Trong khi, nếu như muốn ngăn chặn chuyện biến mình thành đống rác thì phải nâng cao các tiêu chuẩn nhập khẩu lên trước, còn nếu nới rộng ra thì nguy cơ càng lớn".

Đặc biệt, theo ông Sơn, TQ đang thải loại các loại công nghệ cũ, thì đáng lẽ chúng ta phải nâng cao các tiêu chuẩn lên cao, để tránh việc trở thành bãi rác công nghệ của TQ, thì chúng ta lại làm điều ngược trở lại.

Và khi chúng ta nới lỏng tiêu chuẩn thì những loại thiết bị rẻ sẽ sang VN, còn loại tốt thì sẽ sang thị trường khác.

Nới nhẹ tiêu chuẩn hàng chất lượng kém thì đúng lúc họ cần thải thì thải thoải mái nghĩa là nhập toàn máy lạc hậu. Bây giờ vấn đề môi trường, năng suất thấp, tốn nhiều năng lượng, điện dùng nhiều lên, năng suất lao động máy móc, vấn đề chất thải môi trường nhiều, tuổi đời ngắn vứt đi thì lại là rác công nghệ.

Chỉ đáng ngại hơn, khi chúng ta nới lỏng tiêu chuẩn lại đúng lúc TQ đang cần thải hàng loạt công nghệ cũ. Khi trở thành bãi rác công nghệ thì chắc chắn vấn đề môi trường, năng suất thấp, tốn nhiều năng lượng, điện dùng nhiều lên, năng suất lao động máy móc thấp sẽ là mối quan tâm tiếp theo của chúng ta.

"Chính vì thế, nên tôi luôn đặt câu hỏi, tại sao lại trùng hợp ở chỗ đúng lúc TQ thải thì chúng ta lại đi nới rộng, phải trả lời câu hỏi này như thế nào?", ông Sơn băn khoăn.

Theo: BizLive