Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:

Nỗi niềm cán bộ “Một cửa” trong “guồng quay” dịch vụ công trực tuyến

VietTimes -- Là cán bộ tư pháp xã “chuyên nghiệp” bởi nhiều năm gắn bó với lĩnh vực tư pháp, lại mới tiếp quản “chân” Phó Chủ tịch xã và vẫn phụ trách bộ phận “Một cửa” nhưng anh Vũ Văn Hạnh chẳng ngờ kể từ khi cải cách thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến anh làm việc đến 18h là chuyện quá bình thường.
Người dân đang chờ lấy kết quả - Ảnh: Minh Quang.
Người dân đang chờ lấy kết quả - Ảnh: Minh Quang.

Các bài khác trong cùng tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:

Bài 1: Hà Nội “căng mình” theo dịch vụ công trực tuyến

Tăng ca quanh năm, công việc bận đều

“Sếp ngày nào cũng về muộn và phải về sau cùng, bởi còn dân là cán bộ Một cửa còn phải tiếp”, một cán bộ Tư pháp nói đùa để mong phá tan bầu không khí yên ắng khi nhóm PV VietTimes chờ Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Vũ Văn Hạnh hoàn thành việc ký giấy tờ để tiếp tục trao đổi về thực tế triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Nhóm PV VietTimes đi thực địa tại huyện Phúc Thọ trước thời điểm ngày 15/8/2017, khi đó, cấp xã mới chỉ thực hiện 2 loại thủ tục tư pháp theo hình thức trực tuyến là khai sinh thông thường và khai tử nhưng cán bộ “Một cửa” (Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính) đều quá bận bởi tiếp công dân và nhập hồ sơ lên hệ thống trực tuyến giúp dân.

Nghe Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng trao đổi về thực tế triển khai dịch vụ hành chính công và sức ép hàng ngày đối với cán bộ “Một cửa” hẳn nhiều người sẽ phải “nể” khối lượng công việc và cường độ làm việc của họ, bởi nó khác hoàn toàn những suy nghĩ trước đây về công việc “bàn giấy”.

Do rất ít công dân tự làm DVCTT nên buộc xã Phụng Thượng phải bố trí thêm 1 cán bộ chuyên nhập thay số liệu của công dân vào hệ thống. Sau đó, người này phải trao đổi rà soát thông tin cùng công dân để đảm bảo việc nhập liệu chính xác rồi mới chuyển sang bộ phận chuyên môn.

Giải thích cho việc phải “cẩn thận” này, ông Hạnh thẳng thắn: “Với phần mềm DVCTT, nếu việc nhập liệu có sai sót thì chúng tôi phải báo cáo bằng công văn, giấy tờ rất phức tạp. Vì vậy, trước khi lấy mã số công dân, chúng tôi phải in ra để kiểm tra, nếu thông tin chính xác thì mới click đưa lên hệ thống. Rồi khi có phản hồi của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh, chúng tôi mới nhập vào bản chính”.

Theo phương pháp đăng ký khai sinh khai tử thủ công trước đây, chỉ cần 15 phút là cán bộ tư pháp đã xử lý xong một bộ hồ sơ, còn công việc "thời hành chính công trực tuyến" phụ thuộc hoàn toàn vào mạng, có khi 2 tiếng cũng không load được phần mềm để nhập liệu.
Theo đúng quy trình, người dân sẽ phải tự nhập hồ sơ trực tuyến, tuy nhiên nhiều xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện nay người dân chưa thể làm được việc đó mà vẫn phải mang hồ sơ trực tiếp đến trụ sở nhờ cán bộ “Một cửa” hỗ trợ, mà nói đúng hơn là nhờ nhập hộ, để đảm bảo hoàn thiện quy trình trên hệ thống phần mềm trực tuyến Hà Nội mới xây dựng.

Một cán bộ tư pháp xã Phụng Thượng cho biết, với thủ tục khai sinh, khai tử triển khai trực tuyến như hiện nay cần thời gian ít nhất là gấp đôi so với cách làm thủ công. Theo cách cũ, chỉ cần 15 phút là cán bộ tư pháp đã xử lý xong một bộ hồ sơ, còn công việc bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào mạng, có khi 2 tiếng cũng không load được phần mềm để nhập liệu.

Như vậy, ngoài phải làm việc của mình cán bộ một cửa lại phải “ôm” thêm việc nhập hộ dữ liệu, kiểm tra hồ sơ, scan, nhập dữ liệu,... giúp công dân, khiến khối lượng, thời gian thực hiện công việc của cán bộ một cửa đã tăng nhiều lần.

Còn tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ thì ngoài việc phải nhập dữ liệu hộ công dân vào hệ thống phần mềm eSAMs theo đúng quy trình cán bộ tư pháp vẫn phải nhập thủ công vào sổ cứng (sổ gốc) để lưu theo dõi, tránh tình trạng mất dữ liệu khi có lỗi phần mềm.

Nỗi niềm cán bộ “Một cửa” trong “guồng quay” dịch vụ công trực tuyến ảnh 1Tại các xã ngoại thành Hà Nội như Phúc Thọ, đa phần công dân dân trí chưa cao, chủ yếu làm nghề nông, nên việc thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến đa phần đều "cậy nhờ" cán bộ Một cửa. Ảnh: Minh Quang.

Các cán bộ bộ phận tư pháp đều chung nhận xét, từ khi thực hiện DVCTT cường độ làm việc ở đây rất cao, hôm nào cũng về muộn mà không được bố trí thêm nhân sự để giảm tải, cũng không có thêm phụ cấp hỗ trợ. Tuy nhiên, đây là kế hoạch lớn Thành phố, cũng là chỉ đạo ráo riết của huyện; yêu cầu hoàn thành chỉ tiêu là một trong những yếu tố đánh giá mức độ hoàn thành công việc, xét thi đua cuối năm nên không thể làm khác.

Được biết, nỗi vất vả đó cán bộ cấp xã mới chỉ gặp phải sau khi thực hiện 2 dịch vụ trực tuyến khá đơn giản là khai sinh thường và khai tử. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 15/8/2017, TP. Hà Nội yêu cầu các xã, thị trấn phải thực hiện thêm 6 DVCTT gồm: Đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký chấm dứt giám hộ, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp bản sao trích lục hộ tịch và xa hơn nữa là chuyển sang DVCTT mức độ 4 phức tạp hơn và với tình trạng như trên kéo dài, không biết cán bộ “Một cửa” xã sẽ giải quyết ra sao?

Tham vọng phổ cập “công dân điện tử”

Kế hoạch của Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 các xã, phường phải thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp, gần hơn là ngay trong năm 2017 cũng phải đạt 60% trực tuyến.

Thành phố chỉ đạo quyết liệt nên các phường, xã kể cả nội hay ngoại thành đều vô hình trung vào “guồng quay” của một cuộc thi đua nước rút để đạt thành tích. Các quận, huyện, xã, phường, thị trấn còn gắn việc thực hiện DVCTT vào Nghị quyết để thực hiện; đưa việc thực hiện DVCTT vào đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ cuối năm; có những xã chia sẻ nếu không thực hiện được thì sợ bị kiểm tra, kiểm điểm.

Mới đây, theo một đánh giá chung của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tính đến tháng 5/2017, trên cơ sở kết quả thực hiện triển khai DVCTT khai sinh, khai tử liên thông các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cơ bản đều đã thực hiện tốt việc vận hành hệ thống DVCTT dùng chung của TP, cùng với đó, người dân đã được biết tới hệ thống DVCTT của Hà Nội.

Do đó việc triển khai các DVCTT lĩnh vực tư pháp đợt 1 theo Kế hoạch 09/KH-UBND cho 12 quận và 168 phường cơ bản nhanh chóng, thuận lợi, đạt được kết quả tốt. Cụ thể, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng là 83.390 hồ sơ/92.095 hồ sơ (đạt trên 90%).

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, lĩnh vực tư pháp có rất nhiều quận, huyện đạt tỷ lệ 100% hồ sơ nộp trực tuyến như: Long Biên, Ba Đình, Quốc Oai, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; Hầu hết các quận, huyện khác đạt tỷ lệ từ 80% trở lên; thấp nhất là huyện Ba Vì -- cũng đạt tỷ lệ trên 31% hồ sơ nộp trực tuyến.

Việc xây dựng và thực hiện DVCTT trên cơ sở dữ liệu dân cư là một chủ trương đúng đắn của UBND TP. Hà Nội. Tính đến thời điểm này theo các số liệu thống kê thì kết quả thực hiện DVCTT mức độ 3 của Hà Nội khá khả quan nhưng thời gian tới các nhóm các lĩnh vực phải thực hiện DVCTT với số lượng tăng lên thì liệu các cán bộ có thể làm hộ, nhập liệu giúp người dân được không?!

Hơn nữa, gốc gác của các vướng mắc hiện nay chính là cần thay đổi nhận thức và hành động của người dân để họ chủ động trở thành “Công dân điện tử” khi chính quyền đang nỗ lực chuyển mình trở thành “Chính quyền điện tử”.

Vẫn biết thành tích là quan trọng nhưng chỉ khi người dân có ý thức thay đổi để trở thành “Công dân điện tử” thì những mục tiêu, kế hoạch mà Hà Nội đang đặt ra hiện nay mới có khả năng trở thành hiện thực.

Viễn cảnh người dân có thể tự làm thủ tục DVC tại nhà thông qua hệ thống mạng, cán bộ tư pháp chỉ cần vài lần nhấp chuột là xong đang được Hà Nội đặt ra. Tuy nhiên, với thực tế như hiện nay thì dường như điều này vẫn còn quá xa vời.

Còn nữa…

Các bài khác trong cùng tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:

Bài 1: Hà Nội “căng mình” theo dịch vụ công trực tuyến