Nợ xấu mới an toàn, 200.000 tỉ nợ xấu cũ thì sao?

Trong khi Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thuyết phục các vị đại biểu Quốc hội là nợ xấu đã về mức dưới 3% theo thông lệ, thì Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ âu lo, nợ xấu ngày càng tăng.
Nợ xấu vẫn là chủ đề được quan tâm nhất tại phiên họp. Ảnh: TL
Nợ xấu vẫn là chủ đề được quan tâm nhất tại phiên họp. Ảnh: TL

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng 7-10 nhằm hoàn thiện báo cáo kinh tế - xã hội trình kỳ họp Quốc hội cuối tháng này, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cố thuyết phục các thành viên ủy ban rằng tỷ lệ nợ xấu hiện nay ở ngưỡng an toàn.

Tính đến cuối tháng 8-2016, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng báo cáo ở mức 2,66%, thấp hơn 3% như mục tiêu đặt ra hồi cuối năm 2015. “Đa số tổ chức tín dụng nợ xấu đã xuống dưới mức 3%”, bà Hồng báo cáo.

Trong 8 tháng đầu năm nay, hệ thống ngân hàng xử lý hơn 58.000 tỉ đồng do nợ xấu từ khách hàng giảm xuống, trích lập dự phòng rủi ro. VAMC mua nợ xấu 16.000 tỉ đồng.

Bà Hồng cam kết, NHNN sẽ tích cực đưa vấn đề nợ xấu vào đề án tái cơ cấu gửi các bộ, ngành.

Nợ xấu vẫn đáng lo

Giải đáp của bà Hồng đưa ra sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại, nợ xấu chỉ gom về VAMC mà NHNN chưa có giải pháp giải quyết.

Tuy nhiên, lời giải đáp đó chưa đáp ứng được băn khoăn của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Nhìn bà Hồng, ông Hiển nói: “Về xử lý nợ xấu của ngân hàng, đồng chí nói nợ xấu 2,98% đó là nợ mới thôi, còn 200.000 tỉ đồng nợ cũ thì sao”.

Ông Hiển nói, quan trọng là phải xử lý được nợ xấu, và không làm tăng nợ xấu.

“Nhưng như vậy là nợ xấu tiếp tục tăng lên. Tôi đề nghị xem lại các ngân hàng, xem cơ chế cho vay, huy động, chị Hồng à”, ông Hiển đề nghị, và nhận xét, cơ chế cho vay vẫn chưa chặt chẽ, không đảm bảo cho các dự án hiệu quả.

Tăng trưởng tín dụng 20%

Tại phiên thảo luận, một số ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay của Việt Nam cao, làm doanh nghiệp khó cạnh tranh được.

Bà Hồng cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, mức lãi suất cho vay ở Myanmar là 13%, Thái Lan 6,6%, Philippines là 5,5%, Singapore là 5,5%.

“Căn cứ trên cho thấy, lãi suất cho vay ngắn hạn ở Việt Nam là thấp, còn lãi suất trung dài hạn 9-11% là không lớn so với các nước trong khu vực”, bà Hồng nói.

Bà Hồng cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt 11,74%, cao hơn mức 11% của cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, các tổ chức tín dụng đang đề nghị NHNN nới lỏng, và với mức tăng trưởng khoảng 2%/tháng, thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng sẽ khoảng 18-20% cho năm nay.

“Nền kinh tế vẫn dựa vào vốn ngân hàng… trong khi đầu tư công rất khó đẩy nhanh, thì tín dụng vẫn là kênh cho tăng trưởng, Nếu cắt tăng trưởng tín dụng còn 15-16% thì doanh nghiệp sẽ kêu”, bà Hồng giải thích khi đáp lại lo lắng của một đại biểu rằng, tín dụng tăng cao sẽ kéo theo lạm phát.

Bà cho biết, tín dụng cho bất động sản chỉ tăng 6,72% trong 8 tháng đầu năm nay, chậm lại so với mức tăng 13,26% của cùng kỳ năm ngoái – tức “đúng diễn biến theo chỉ đạo của Thống đốc”. Về đề nghị bỏ trần lãi suất, bà cam kết, NHNN sẽ đề xuất ở thời điểm hợp lý.

Theo TBKTSG