“Nợ công nếu tính cả nợ doanh nghiệp Nhà nước là bất bình đẳng”

Trước ý kiến đưa ra về việc phải tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, tính nợ công như vậy là bất bình đẳng.
“Nợ công nếu tính cả nợ doanh nghiệp Nhà nước là bất bình đẳng”

Tại sao không tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công?

Thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề về vấn đề nợ công, đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm 2014 khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội đạt khá, đã huy động được 627,8 nghìn tỷ đồng, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. 

Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; năm 2014 là 13,8%; năm 2015 dự kiến khoảng 16,1%.

Trả lời câu hỏi liên quan việc tính nợ công cần xem xét tính nợ doanh nghiệp Nhà nước, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho rằng, Luật Quản lý nợ công đang được theo thông lệ tốt của Quốc tế được các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB ghi nhận. 

Ông Long cho biết, các nước trên thế giới áp dụng Luật quản lý nợ công hầu hết không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công và chỉ có một số nước không nhiều là những nước nhỏ và phạm vi doanh nghiệp Nhà nước nhỏ mới tính nợ vào nợ công. 

Ngoài ra cũng theo ông Long, trong bối cảnh hiện nay tất cả các lĩnh vực của Nhà nước đều có vai trò của doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển cơ chế thị trường thống Luật doanh nghiệp Nhà nước thành Luật doanh nghiệp chung đảm bảo sự minh bạch, công khai và bình đẳng.

 Nợ công Việt Nam giai đoạn 2010-2013 (Số liệu Viện Kinh tế Việt Nam)

“Nên với doanh nghiệp Nhà nước có sự chịu trách nhiệm trước pháp luật với việc sử dụng vốn. Do đó tính vào nợ của Chính phủ là bất bình đẳng”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng thông tin, khi nghiên cứu và đưa ra Quốc hội thông qua Luật Quản lý Nợ công 2009, vấn đề có tính hay không nợ doanh Nghiệp Nhà nước đã được bàn thảo nhiều và quyết định trên đã được đưa ra dựa theo cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Trước số liệu được đưa ra bởi Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội mới đây cho rằng tỷ lệ trả nợ và viện trợ của Chính phủ năm nay đã lên đến 31% thu ngân sách tức là vượt ngưỡng cho phép (ngưỡng là 25%), ông Nguyễn Minh Tân, phó vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước cho biết “sẽ kiểm tra lại”. 

“Những năm vừa qua tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước luôn đảm bảo không quá 25%. Thông tin 31% xin phép được kiểm tra lại sau”, ông Tân nói.

Nợ công tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cũng đánh giá những bất cập trong vấn đề quản lý nợ công như vấn đề tăng nhanh của nợ công, công tác quản lý nợ công còn nhiều phân tán.

Cụ thể, nợ công đang tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn vào tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. 

Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương gây khó khăn trong công tác giám sát chỉ tiêu an toàn nợ công. Việc huy động sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công. 

Việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tình hình thực hiện, chất lượng, hiệu quả dự án sử dụng vốn vay công chưa được thường xuyên. Kiểm tra, giám sát của các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh thành trực thuộc Trung ương đối với các chủ dự án chưa thực sự sâu sát. 

Tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết các hợp đồng xây lắp, mua sắm trang thiết bị và dịch vụ tư vấn, công tác đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng làm giảm hiệu quả đầu tư...

Quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao, gần với ngưỡng Quốc hội cho phép trong khi nguồn lực còn hạn chế, nợ công có quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi.

Theo: BizLive