Những rủi ro thực sự của trí thông minh nhân tạo là gì?

Nhiều người lo lắng rằng những bước tiến trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ dẫn tới "điểm kỳ dị" (singularity point) - thời điểm mà năng lực trí tuệ của máy móc tăng trưởng theo cấp số nhân, dẫn đến một cuộc cách mạng không thể tưởng tượng được trong mọi mặt cuộc sống của con người.
Trí thông minh nhân tạo (AI) không chỉ làm thay đổi cuộc sống của con người, mà còn có thể dẫn tới nhiều thay đổi lớn trên cục diện địa chính trị.
Trí thông minh nhân tạo (AI) không chỉ làm thay đổi cuộc sống của con người, mà còn có thể dẫn tới nhiều thay đổi lớn trên cục diện địa chính trị.

Bài viết thể hiện quan điểm của Kai-Fu Lee, chủ tịch kiêm CEO của công ty đầu tư mạo hiểm Sinovation Ventures

Bạn lo lắng thế nào về sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo (AI)?

Thông thường, những câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giống như cốt truyện của một bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhiều người lo lắng rằng những bước tiến trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ dẫn tới "điểm kỳ dị" (singularity point) - thời điểm mà năng lực trí tuệ của máy móc tăng trưởng theo cấp số nhân, dẫn đến một cuộc cách mạng không thể tưởng tượng được trong mọi mặt cuộc sống của con người. Một kịch bản khác là AI sẽ quay sang kiểm soát loài người, biến chúng ta thành những cyborg (nửa người, nửa máy).

Đây là những kịch bản thú vị để xem xét, nhưng chúng sẽ không xảy ra ngay, và có thể phải cần tới hàng trăm năm. Hiện tại, chưa có con đường phát triển nào cho thấy các công cụ AI tiên tiến hiện nay (như chương trình máy tính của Google gần đây đã đánh bại được những kỳ thủ cờ vây giỏi nhất thế giới) có thể tiến hóa thành AI tổng quát (artifical general intelligence - AGI). AGI là những chương trình máy tính tự nhận thức có thể tư duy, học hỏi kiến thức trong nhiều lĩnh vực, cảm nhận, diễn đạt và hiểu cảm xúc...

Điều này không có nghĩa là chúng ta không có gì phải lo lắng. Ngược lại, các sản phẩm AI hiện có đang được cải tiến nhanh hơn hầu hết chúng ta nghĩ, và hứa hẹn biến đổi hoàn toàn thế giới của chúng ta, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ mang lại những điều tích cực. Những AI này chỉ mới là những công cụ chứ chưa đủ thông minh để cạnh tranh với loài người, nhưng chúngsẽ định hình lại thế nào là công việc và cách thức tạo ra tài sản, từ đó dẫn đến sự bất bình đẳng kinh tế chưa từng thấy và thậm chí thay đổi cân bằng quyền lực toàn cầu.

Nhung rui ro thuc su cua tri thong minh nhan tao la gi?
Doanh số robot công nghiệp ngày càng gia tăng. Màu đỏ tươi là các robot truyền thống làm việc 1 mình, màu đỏ đậm là các robot thế hệ mới có thể làm việc bên cạnh con người. Ảnh: Recode

Đây là lúc cần thiết để chúng ta chú ý đến những thách thức đang đến rất gần này.

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo là gì? Giải thích khái quát thì đây là một công nghệ đòi hỏi số lượng lớn thông tin từ một lĩnh vực cụ thể (ví dụ như lịch sử thanh toán nợ), và sử dụng nó để đưa ra quyết định trong một trường hợp cụ thể (cho vay cá nhân) để phục vụ mục tiêu cụ thể (tối đa hóa lợi nhuận từ việc cho vay). Hãy hình dung đây là một bảng tính Excel cao cấp, được đào tạo về cách phân tích và sử dụng dữ liệu lớn. Những công cụ này có thể qua mặt con người ở những tác vụ nhất định.

Loại AI này  đang lan rộng đến hàng ngàn lĩnh vực, và vì thế nó sẽ lấy đi nhiều việc làm của con người. Các nhân viên ngân hàng, chăm sóc khách hàng, telemarketer, các nhà giao dịch chứng khoán và trái phiếu, ngay cả những trợ lý cho luật sư hay các kỹ thuật viên X-quang sẽ dần dần được thay thế bằng những phần mềm như vậy. Theo thời gian, công nghệ này sẽ kiểm soát các thiết bị phần cứng tự động và bán tự động như ô tô tự lái và robot, thay thế các công nhân nhà máy, công nhân xây dựng, lái xe, nhân viên giao hàng và nhiều loại công việc khác nữa.

Không giống như các cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng máy tính trước đây, cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo sẽ không xóa bỏ một số công việc (thợ thủ công, thư ký bàn giấy, người đánh máy) và tạo ra các công việc khác để thay thế (công nhân lắp ráp, thư ký giỏi công nghệ). Thay vào đó, nó sẽ triệt tiêu rất nhiều loại việc làm trên quy mô lớn. Hầu hết trong số này là các công việc có thu nhập thấp, nhưng cũng có không ít những công việc lương cao.

Nhung rui ro thuc su cua tri thong minh nhan tao la gi?
Hầu hết các giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay là được thực hiện một cách tự động bởi các thuật toán. Ảnh: Wikimedia

Quá trình chuyển đổi này sẽ mang lại lợi nhuận to lớn cho các công ty chuyên về phát triển AI, cũng như cho các công ty ứng dụng nó. Hãy tưởng tượng một công ty như Uber sẽ thu được bao nhiêu tiền nếu các chiếc xe có thể tự chạy mà không cần tài xế. Hãy tưởng tượng lợi nhuận của Apple nếu họ có thể sản xuất toàn bộ sản phẩm của mình mà không cần các công nhân. Hãy tưởng tượng nếu một ngân hàng hay dịch vụ tín dụng có thể giải quyết 30 triệu hồ sơ vay tiền mỗi năm mà hầu như không cần con người xem xét.

Do đó, chúng ta đang đối mặt với hai xu hướng kết hợp với nhau cùng lúc: khối tài sản rất lớn tập trung vào số ít người, trong khi rất nhiều người khác không có việc làm. Vậy thì chúng ta phải làm gì?

Một phần của câu trả lời sẽ liên quan đến việc giáo dục hoặc đào tạo lại cho con người những kĩ năng mà AI chưa làm tốt. Trí tuệ nhân tạo không phù hợp với các công việc liên quan đến sáng tạo, lập kế hoạch và tư duy kết hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau - ví dụ như công việc của một luật sư tại phiên tòa. Nhưng những kỹ năng này thường dành cho những công việc có thu nhập cao, và không phải ai cũng có thể được đào tạo để có những kỹ năng này. Một khả năng nhiều hứa hẹn hơn là đào tạo họ cho các công việc có thu nhập thấp hơn liên quan đến các kỹ năng ứng xử và giao tiếp mà AI không có: người làm công tác xã hội, bartender, nhân viên tiền sảnh khách sạn (concierge) - vốn là những nghề đòi hỏi nhiều tương tác với con người. Nhưng ở đây, cũng có một vấn đề: xã hội thực sự cần bao nhiêu bartender?

Nhung rui ro thuc su cua tri thong minh nhan tao la gi?
Nhân công ở các nước đang phát triển chịu nhiều rủi ro mất việc từ xu hướng tự động hóa. Ảnh: pddnet.com

Giải pháp cho vấn đề thất nghiệp đại trà có thể sẽ cần những "công việc dịch vụ đòi hỏi đam mê" (service jobs of love). Đây là những công việc mà AI không thể làm được, nhưng xã hội lại cần, và làm cho con người cảm thấy có giá trị. Một số ví dụ là làm trợ lý tháp tùng một người lớn tuổi đi khám bác sĩ, làm trợ giảng tại một trại trẻ mồ côi, hay giúp đỡ những người nghiện rượu cai nghiện. Nói cách khác, các công việc tình nguyện của ngày hôm nay có thể trở thành những công việc thực sự của tương lai.

Một số công việc tình nguyện khác có thể rồi sẽ được trả lương cao hơn và mang tính chuyên nghiệp hơn, chẳng hạn như các chuyên viên y tế đóng vai trò thay mặt AI khi trao đổi thông tin xét nghiệm với người bệnh. Kiểu gì đi nữa, con người có thể sẽ không cần phải làm việc nhiều giờ như ngày này.

Ai sẽ trả lương cho những công việc này? Đây là lúc nhìn sang khối tài sản khổng lồ được tạo ra từ tự động hóa. Một lượng lớn trong số này phải được phân phối lại cho những người mất việc làm. Điều này có thể được tạo ra thông qua các chính sách kích cầu kiểu Keynes: tăng chi tiêu của chính phủ, thông qua việc thuế đánh vào các công ty giàu có.

Đối với vấn đề phúc lợi xã hội, chúng ta có thể thực hiện chế độ thu nhập cơ bản phổ quát có điều kiện (conditional universal basic income): cung cấp phúc lợi cho những người có nhu cầu về tài chính, với điều kiện là họ thể hiện được rằng mình đang cố gắng trau dồi các kỹ năng để kiếm việc, hoặc cam kết dành ra một số giờ nhất định dành cho các công việc tình nguyện như đã kể trên.

Để có tiền làm được điều này, mức thuế suất sẽ phải cao hơn trước đây. Chính phủ sẽ không chỉ đóng vai trò trợ cấp cuộc sống và công việc của mọi người, mà còn phải nhận luôn trách nhiệm lấp vào những khoản thuế thu nhập cá nhân mà trước đây còn thu được từ những người có việc làm.

Điều này dẫn đến thách thức cuối cùng và lớn nhất mà AI đem lại. Giải pháp kích cầu kể trên có thể khả thi ở Mỹ và Trung Quốc, hai nước có đủ các doanh nghiệp lớn về AI để nộp đủ thuế cho các chương trình phúc lợi xã hội. Nhưng còn những nước khác thì sao?

Nhung rui ro thuc su cua tri thong minh nhan tao la gi?
5 tập đoàn công nghệ Apple, Google, Facebook, Microsoft và Amazon (còn gọi là nhóm FAMGA) đã trở thành 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất nước Mỹ, hoàn toàn soán ngôi các công ty công nghiệp và tài chính của 11 năm trước. Ảnh: medium.com

Những nước này sẽ đối mặt với hai vấn đề không thể vượt qua. Thứ nhất, phần lớn số tiền được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo sẽ chảy vào túi Mỹ và Trung Quốc. AI là một ngành công nghiệp mà các công ty mới rất khó chen chân vào: Bạn càng có nhiều dữ liệu, sản phẩm của bạn càng tốt; Sản phẩm của bạn càng tốt, bạn lại càng thu thập thêm nhiều dữ liệu; bạn càng thu thập được nhiều dữ liệu, bạn lại càng thu hút nhiều nhân tài; bạn càng thu hút nhiều nhân tài năng, sản phẩm của bạn càng tốt. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn, và 2 nước Mỹ và Trung Quốc đã tích lũy được đủ tài năng, thị phần và dữ liệu để đưa cả chuỗi quy trình kể trên trở thành hiện thực.

Ví dụ, công ty công nghệ nhận dạng giọng nói iFlytek của Trung Quốc và một số công ty công nghệ nhận diện gương mặt của nước này như Megvii và SenseTime đã trở thành các công ty đầu ngành, tính theo vốn hóa thị trường. Mỹ đang dẫn đầu trong việc phát triển các loại xe tự lái, dẫn đầu bởi các công ty như Google, Tesla và Uber. Đối với thị trường internet tiêu dùng, bảy công ty đến từ Mỹ và Trung Quốc - Google, Facebook, Microsoft, Amazon, Baidu, Alibaba và Tencent đều đang sử dụng AI và không ngừng mở rộng hoạt động sang các nước khác. Có vẻ như các doanh nghiệp Mỹ sẽ chiếm lĩnh các thị trường phát triển và một số thị trường đang phát triển, trong khi các công ty Trung Quốc sẽ giành chiến thắng ở hầu hết các thị trường đang phát triển.

Thách thức khác đối với nhiều quốc gia là dân số của họ đang tăng lên, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trước đây, việc có dân số lớn là một tài sản kinh tế quan trọng (như ở Trung Quốc và Ấn Độ), nhưng trong kỉ nguyên  A.I.,  điều này sẽ là một gánh nặng kinh tế bởi vì một kỉ nguyên như vậy cần những nhân công có chất lượng chứ không phải số lượng.

Nhung rui ro thuc su cua tri thong minh nhan tao la gi?
Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế liên quan tới AI. Ảnh: Nikkei Asian Review

Vì vậy, nếu phần lớn các quốc gia trên thế giới không thể đánh thuế các công ty AI siêu lợi nhuận để cung cấp phúc lợi cho người dân của họ, thì còn có những lựa chọn nào khác? Trừ khi họ muốn đẩy người dân vào cảnh nghèo đói, chính phủ các nước này sẽ buộc phải thương lượng với những cường quốc AI như Trung Quốc hoặc Mỹ, và trở thành một dạng chư hầu kinh tế, nhận trợ cấp phúc lợi để đổi lấy việc cho phép các công ty A.I. của “nước mẹ” thu lợi từ những người sử dụng tại nước chư hầu. Những thoả thuận kinh tế như vậy sẽ định hình lại các liên minh địa chính trị ngày nay.

Bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ phải bắt đầu suy nghĩ về làm thế nào để giảm thiểu sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, không chỉ bên trong mỗi quốc gia mà còn là giữa các quốc gia với nhau. Nếu suy nghĩ theo một cách lạc quan hơn, thì AI đang mang lại cho chúng ta cơ hội để tư duy lại về vấn đề bất bình đẳng kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Những thách thức này là quá lớn và quá sâu rộng khiến không một quốc gia nào có thể phớt lờ.

Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư

http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/nhung-rui-ro-thuc-su-cua-tri-thong-minh-nhan-tao-la-gi-3319385/