Những người “ngồi một chỗ nhưng định việc ngàn dặm giang sơn”: họ là ai?

VietTimes--Nhân dịp Hội nghị TƯ 7 sắp diễn ra ViệtTimes đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản về các vấn đề cần đổi mới tư duy trong định hình chiến lược cán bộ, cán bộ cấp chiến lược, chính trị gia… mà như ông gọi là “những người ngồi một chỗ nhưng định những việc ngàn dặm giang sơn”. 
Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản tại một diễn đàn hội nghị
Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản tại một diễn đàn hội nghị

Cán bộ chiến lược: khoảng 600 người

Thưa ông, một trong những vấn đề quan trọng mà Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (sẽ diễn ra trong những ngày tới) sẽ thảo luận là chiến lược cán bộ. Vậy, theo ông, thì những loại cán bộ nào thuộc diện cấp chiến lược, và đội ngũ ấy ở ta có khoảng bao nhiêu người?

-Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược gồm những người lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng... theo mỗi nhiệm kỳ.

Với quan niệm đó, đội ngũ này, hiện nay, có khoảng 600 người. Đây là đội ngũ nắm giữ trọng trách trong toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, trên tất cả các phương diện của đời sống kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của quốc gia.

Những người “ngồi một chỗ nhưng định việc ngàn dặm giang sơn”: họ là ai? ảnh 1
Nhà báo Nhị Lê

Đó mới đơn thuần là những danh vị, nhưng những cán bộ chiến lược như ông vừa nêu ở trên thì cụ thể họ là những người như thế nào, thưa ông?

-Đó là những người (1) có tầm nhìn chiến lược quốc gia; (2) có khả năng định chế tư tưởng, kế sách và quyết định vấn đề chiến lược quốc gia; (3) có hành động mang tầm quốc gia; (4) nhà chính trị, nhà văn hóa trọn vẹn mang tầm vóc quốc gia, và (5) trở thành biểu tượng quốc gia.

Vậy những người này có những tố chất gì?

-Những chính trị gia là những người phải có đủ 3 tố chất: phẩm chất chính trị, trí tuệ và phong cách công tác.

Về phẩm chất chính trị và đạo đức: Trước hết là, sự trung thành, mẫn cán và sáng tạo. Thứ hai là, sự trong sáng và không vụ lợi. Thứ ba là, dám chịu trách nhiệm và biết hy sinh. Thứ tư là, trung thực, thành tín và không xu thời. Thứ năm là, tự biết xấu hổ với chính mình, vì nói như người xưa: Không biết xấu hổ thì không thành người được. Thứ sáu là, tự biết giấu mình, tức không ba hoa, khoe khoang, hợm hĩnh. Thứ bảy, có tinh thần kỷ luật và giữ nghiêm kỷ luật.

Về năng lực trí tuệ: Trước hết, cần có sự nhạy cảm, có tầm nhìn chính trị chiến lược, khả năng tiên lượng hợp quy luật và hợp lòng dân. Thứ hai, cần có tầm nhìn xa trông rộng đồng thời có khả năng định chế thiết thực và tính khả thi cao. Thứ ba, có óc thực tế và tính quyền biến, mềm dẻo. Thứ tư, phải vừa bao quát vừa sâu sát, cụ thể hay nói cách khác vừa có óc chiến lược vừa có khả năng ứng phó sách lược an toàn và hiệu quả. Thứ năm, kiến thức phải vừa rộng lại phải vừa sâu ngang tầm với lĩnh vực mình đảm trách. Thứ sáu, vừa đột phá vừa thận trọng vừa quyết đoán trên nền một sức bật chuyên môn hùng hậu, một nền tảng văn hóa chính trị phong phú và dày dạn. Thứ bảy, năng lực ra quyết định.

Về phương pháp và phong cách công tác: Thứ nhất, về phương pháp: Phải có phương pháp vừa khái quát vừa cụ thể. Phải có gan nghĩ việc, có gan quyết đoán, có gan làm việc và có gan chịu trách nhiệm trước tập thể, trước cấp trên và trước toàn xã hội. Thứ hai, về phong cách: Mềm dẻo về hành xử nhưng cứng cỏi trong biện luận, thuyết phục. Nghe tất cả, nhìn tất cả nhưng quyết sách phải độc lập, trên cơ sở thâu thái ý kiến tập thể và nhân dân. Phải chủ động trước mọi sức ép để thực hiện một cách linh hoạt và sáng tạo. Bao quát nhưng không hời hợt.

5 “hóa” và 7 “tuyển” trong tuyển chọn và xây dựng cán bộ

Nhưng phải làm thế nào để có được những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược  như ông vừa nói?

-Trước hết cần thực hiện phương châm 5 chữ “hóa”trong tuyển chọn. Một là, tiêu chuẩn hóa. Cần phải tiêu chuẩn hóa rất cụ thể và tỉ mỉ trên cơ sở khoa học đối với mỗi loại cán bộ. Hai là, dân chủ hóa. Thực hiện công khai hóa từ tiêu chuẩn, yêu cầu đến quy chế chọn tuyển, bao quát tất cả các hình thức tuyển chọn. Phải bảo đảm quyền bình đẳng của người dự tuyển và quyền dân chủ của các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn. Ba là, trách nhiệm hóa. Tất cả các bên từ người dự tuyển, người tiến cử,  người bầu, người ra quyết định cuối cùng tuyển chọn đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước kỷ luật và pháp luật một cách bình đẳng. Bốn là, cấp độ hóa. Tùy theo yêu cầu của từng loại cán bộ, từng vị trí, mỗi loại công việc và cán bộ để quyết định tuyển chọn linh hoạt: một vòng hay nhiều vòng. Cần định rõ yêu cầu và thời gian mỗi cấp độ tuyển chọn. Cũng có thể vượt cấp trong quá trình tuyển chọn, trong những trường hợp cụ thể. Năm là, kiểm nghiệm hóa. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quyết định. Trong quá trình tuyển chọn và sau khi tuyển chọn theo cấp độ rất cần kiểm nghiệm lại người được tuyển chọn một cách linh hoạt, khéo léo.

Những người “ngồi một chỗ nhưng định việc ngàn dặm giang sơn”: họ là ai? ảnh 2
Các Ủy viên Trung ương Đảng tại một Hội nghị TƯ (Ảnh minh họa)

Còn trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý cấp chiến lược thì sao, thưa ông?

-Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý cấp chiến lược thì, theo chúng tôi, là cần thực hiện 7 “tuyển”.  Một là, thi tuyển; hai là, bầu tuyển; ba là, tiến tuyển: Đây là việc tuyển chọn thông qua sự tiến cử từ dưới lên. Hiện nay, chúng ta rất cần dùng biện pháp này, để mở thêm những “cánh cửa” cầu người đức tài cho đội ngũ cán bộ của chúng ta. Bốn là, ứng tuyển: Cần được phổ biến rộng rãi và có chế tài cổ vũ những người có đức tài tự ra ứng tuyển. Năm là, bổ tuyển hay là sự bổ nhiệm của các cấp có thẩm quyền về cán bộ đối với cấp dưới. Sáu là, tranh tuyển. Không có tranh tuyển khó chọn được người tài đích thực. Và cuối cùng, bảy là, cử tuyển: Thực chất cũng là một cách bổ nhiệm, nhưng là sự chỉ định trực tiếp người đảm trách một công việc, một cương vị nào đó của cấp có thẩm  quyền.

 Sự phân định bảy hình thức tuyển chọn như đã nói trên chỉ là tương đối. Cho nên, tùy trường hợp cụ thể việc tuyển chọn nhân tài có thể dùng một hay kết hợp nhiều hình thức. Nói khái lược, dù dưới hình thức nào, đó chính là công việc chọn tuyển.

Những người “ngồi một chỗ nhưng định việc ngàn dặm giang sơn”

Hoạt động chính trị cần phải được coi là một nghề, và nhà hoạt động chính trị thì được gọi là chính trị gia. Vậy ở Việt Nam chúng ta, theo ông, họ là ai?

-Họ là những nhà chiến lược và có ảnh hưởng chiến lược tới vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia một cách lâu dài. Ở họ không chỉ hội tụ, thể hiện và tỏa sáng quyền lực của Nhân dân mà còn thể hiện quyền năng, quyền lực của nền chính trị quốc gia và quyền uy chính trị cá nhân, với tư cách là nhà chính trị mang tầm chiến lược. Họ là rường cột, là tinh hoa của tinh hoa đội ngũ cấp chiến lược.

Nói một cách hình ảnh, họ là những người dù ngồi một chỗ nhưng định việc ngàn dặm giang sơn. Vì vậy, có thể nói, trong trăm nghìn cán bộ cấp chiến lược, có rất ít các nhà chiến lược. Họ là tinh hoa của tinh hoa! Đó là sự thống nhất của hai đội ngũ này.

Lâu nay chúng ta hay nói “đổi mới tư duy” về công tác cán bộ. Vậy có cần “đổi mới tư duy” về chính trị gia không, thưa ông?

-Trước hết, trong đổi mới tư duy, tiếp tục đổi mới tư duy về chính trị gia, nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa.

Hai là, xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị… phù hợp với  nền chính trị của chúng ta. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn viễn kiến chiến lược, sự dũng cảm, danh dự  và liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu.  

 Ba là, thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị… ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…

Bốn là, đào tạo họ một cách toàn diện, trước hết là tư cách, rộng hơn là đạo đức của một người làm chính trị… trong nền chính trị hiện đại.

Năm là, đối đãi với những người làm chính trị, nhất là những chiến lược gia thật ngang tầm và xứng đáng.

Nếu coi chính trị gia là những “nhân tài” của đất nước, như ông định nghĩa, thì việc kiến tạo môi trường để nhân tài xuất hiện là điều rất quan trọng. Vậy công cuộc kiến tạo này phải được nhìn nhận ra sao?

-Chúng ta biết lịch sử xã hội do chính con người sáng tạo ra, nhưng rồi lịch sử lại góp phần đào luyện, hun đúc con người. Vì vậy, nhân tài là sản phẩm đồng thời là chủ thể của lịch sử, trước hết do lịch sử quyết định. Thực tế cho thấy, ở vào những lúc giao thời của lịch sử, nhân tài thường xuất hiện. Do vậy, lịch sử là điều kiện, là môi trường tạo ra nhân tài. Ấy là thời.

Mặt khác, tất cả nhân tài mà chúng ta ghi nhận không ai không có quá trình khó luyện, tự đào tạo và được đào tạo, trước khi họ thành đạt. Những gì là tư chất “thiên phú”, “thiên bẩm” của con người mà ta hay gọi là năng khiếu hoặc năng lực chuyên biệt, là rất quý, song chỉ là điều kiện ban đầu; phải thông qua rèn luyện, thậm chí rất công phu, lâu dài, con người mới trở nên thực đức, thực tài. Như vậy, cùng với lịch sử, cơ chế phát hiện, đào tạo, sử dụng và thanh lọc như là “bà đỡ” cùng với sự khổ luyện của con người sẽ giúp con người trở thành nhân tài. Ấy là thế.

 Đồng thời, chỉ có ai thực sự trải qua trường lịch sử kiểm chứng khắc nghiệt, họ thành công và tồn tại bền vững mới thực sự là người hiền tài. Ấy là lịch sử kiểm nghiệm.

Nói tóm lại, điều kiện để xuất hiện và thành nhân tài, gồm ba mặt hữu cơ: thời, thế và sự kiểm nghiệm thực tế.

Nếu quan niệm điều kiện xuất hiện nhân tài gồm ba yếu tố trên, thì rõ ràng, thời điểm hiện nay, chính là vận hội to lớn nhất, là môi trường và điều kiện thuận lợi nhất. Vấn đề là là làm gì và làm thế nào thấy họ và để họ tụ hội.

-Xin cám ơn ông!

“Cần xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn viễn kiến chiến lược, sự dũng cảm, danh dự  và liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu”- Nhị Lê