Những điều ít biết về 4 tỷ phú USD của Việt Nam trong danh sách Forbes

VietTimes - Trong danh sách các tỷ phú USD năm 2018 của Tạp chí Forbes vừa công bố, Việt Nam có 4 cái tên, bao gồm: ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (xếp 499 – tài sản 4,3 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJer Air (xếp thứ 766 – tài sản 3,1 tỷ USD), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco (xếp thứ 1399 – tài sản 1,8 tỷ USD) và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (xếp thứ 1756 – tài sản 1,3 tỷ USD). Tuy nhiên, trong danh sách này không hề có tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC - người đang sở hữu 318,5 triệu CP ROS và 144,6 triệu CP FLC, ước tính thị giá tương đương khoảng hơn 2 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Bá Dương
Ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Bá Dương

Ông Phạm Nhật Vượng (xếp thứ 499 – tài sản 4,3 tỷ USD)

Được đánh giá là người khiêm nhường và khá kiệm lời, ông Phạm Nhật Vượng rất ít khi xuất hiện trước truyền thông. Những thông tin ít ỏi về ông đa phần đến từ những bản công bố thông tin của Vingroup. Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, nguyên quán Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình có 3 anh em. Năm 1987, ông tốt nghiệp đại học Mỏ địa chất, sau đó được chọn sang Liên bang Nga du học. Năm 1992, ông tốt nghiệp đại học và cùng vợ khởi nghiệp tại Kharkov (Ukraine). Ông thành danh với sản phẩm mỳ gói, gia vị và đồ ăn nhanh… Tập đoàn Technocom do ông sáng lập và gầy dựng đã không ngừng được mở rộng và khuếch trương quy mô, có thời điểm cung cấp việc làm cho 3.000 lao động với mức lương ổn định.

Nhờ những năm tháng tích lũy tại Ukraina, năm 2000, ông Phạm Nhật Vượng có một quyết định được coi là “điên” khi quyết tâm đầu tư và xây dựng Khu du lịch Vinperl tại Hòn Tre (Nha Trang). Ít người tin tưởng, coi quyết định của ông là “ném tiền xuống biển”, nhưng đến khi Vinperl Nha Trang khánh thành, tất cả đều phải ngả mũ trước tầm nhìn vị đại gia gốc Hà Tĩnh.

Chỉ một thời gian ngắn sau, vị doanh nhân gốc Hà Tĩnh có một quyết định vô cùng táo bạo khi bán toàn bộ “sản nghiệp” tại Ukraina để tập trung đầu tư tại Việt Nam. Không ngại thử thách và khó khăn, ông cùng các đồng sự đã triển khai thành công hàng loạt các dự án tầm cỡ ở các lĩnh vực như: BĐS, đào tạo, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng…gắn liền với chữ “Vin” như Vinhomes, Vinmec, Vinschool…và gần đây là dự án Vinfast.

Ở vị trí được coi là “làm dâu trăm họ” chịu rất nhiều “lời ra tiếng vào”, nhưng khi nhắc tới ông Phạm Nhật Vượng và “Vin” tất cả đều phải công nhận sự đẳng cấp và chuyên nghiệp. Chia sẻ với báo chí nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của tôi không có gì thay đổi, về bản chất vẫn là làm đẹp cho đời. Nhà đẹp, các công trình đẹp là vật thể, còn các giá trị về tinh thần, sức khỏe là phi vật thể. Làm được một thương hiệu VN nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta chứ không phải riêng VinGroup”.

Ông Vượng là người đầu tiên của Việt Nam được Tạp chí Forbes đưa vào danh sách những tỷ phú của thế giới năm 2013. Năm 2018 là năm thứ 6 liên tiếp ông có mặt trong dách sách này. Theo ước tính của Forbes, ông đang sở hữu tổng tài sản khoảng 4,3 tỷ USD, xếp thứ 499 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (xếp thứ 766 – tài sản 3,1 tỷ USD)

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau ông Phạm Nhật Vượng.

Giống ông Vượng – người khá kín tiếng với truyền thông, bà Thảo cũng khá ít xuất hiện trên các tờ báo trong nước, đa phần những thông tin về bà lấy lại từ những trang báo nước ngoài – nơi bà Thảo thường “tình cờ” xuất hiện trước những thương vụ quan trọng của VietJet hay HDBank.

Bà Thảo nổi tiếng với nguyên tắc “đã làm là phải lớn” chứ không có hứng thú “làm chuyện cò con”.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng đã khởi  nghiệp với các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, điện tử, may mặc, cao su…Tận dụng thời điểm giao thời của nước Nga khi ấy, doanh nghiệp của bà Thảo, ông Hùng không ngừng lớn mạnh và mở rộng qua từng biến cố Đông Âu.

Năm 2004, vợ chồng nữ tỷ phú gốc Hà Nội hồi hương và đầu tư tại Việt Nam bằng việc thành lập CTCP Sovico và phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp cho riêng mình.

Hệ sinh thái của bà Thảo sau này vận hành  theo mô hình kinh điển được giới tài phiệt thế giới ưa thích, dựa trên 3 trụ chính, gồm: Tài chính Ngân hàng – Bất động sản – Điện, năng lượng và hàng không.

Ở trụ tài chính, bà Thảo thành lập HDBank – mắt xích phụ trách việc huy động và điều tiết vốn hỗ trợ cho trụ bất động sản, công nghiệp. Ở chiều ngược lại, khi trụ bất động sản, điện năng lượng, hàng không  phát triển, đây sẽ là kênh hút vốn khổng lồ và ổn định với biên lợi nhuận cao, đóng góp đáng kể cho nguồn huy động của các tổ chức tài chính trong hệ sinh thái.

Những cái tên như HDBank, VietJet, PFL, Sovico Holding, PVFC Capital, PVFC Invest, Furama Resort, CTCP Ariyana, , CTCP Đầu tư và Xây Dựng Tràng An, CTCP Đầu tư Sóng Việt, CTCP Du lịch Hồ Gươm, PVFC Land , Công ty Sài Gòn Sovico Phú Quốc… là minh chứng rõ nét nhất, thể hiện tầm nhìn, sự nhạy bén của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Các doanh nghiệp này đã và đang hình thành một cộng đồng nội khối, tận dụng thế mạnh của từng công ty, từng lĩnh vực để đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn hệ thống.

Thành công của VietJet Air – hãng hàng không được thành lập năm 2011 là một ví dụ. Chỉ sau 7 năm thành lập, hãng hàng không “bikini” non trẻ đã soán ngôi “đàn anh” VietNam Airline để trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam nếu xét về giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, thị phần hãng này đã đuổi kịp và vượt VietNam Airline từ giữa năm trước.

Nói đến thành công của VietJet Air không thể không nhắc đến bàn tay “chèo lái” của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo. Bằng sự tự tin, kiên định, khả năng hoạch định chiến lược, khả quản trị, nữ doanh nhân gốc Hà Nội đã biến điều không thể thành có thể. “Nhiều người ngăn chúng tôi đừng làm hàng không, nhưng lúc đó càng khó khăn chúng tôi càng quyết tâm làm. Một phần tôi tin vào chính sách đổi mới, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, phần muốn chứng minh rằng, người Việt có thể làm hàng không tốt, có thể cạnh tranh được với thế giới”, CEO Vietjet chia sẻ với báo chí. Hẳn nhiều nhân viên HDBank vẫn còn nhớ, trong nhiều cuộc tổng kết năm của ngân hàng, vị Phó Chủ tịch dành phần lớn thời gian để “thao thao bất tuyệt” về “giấc mơ bay”. Điều đó đủ thấy tình yêu mãnh liệt, ý chí kiên định của người dẫn đầu đã mang lại thành công cho VietJet Air ngày hôm nay.

Cách đây đúng 2 năm, Bloomberg xuất bản bài viết tiêu đề “How Bikini Airline Helped to Create Vietnam's First Woman Billionaire” (tạm dịch: Hãng hàng không “bikini” giúp tạo nên nữ tỷ phú đầu tiên của Viêt Nam thế nào). Bài viết nhấn mạnh, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo muốn đưa VietJet Air thành “Emirates of Asia”, dựa trên hình mẫu của hãng hàng không lớn nhất thế giới có trụ sở tại Dubai.

Với những gì đã thể hiện, có thể thấy nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đang “lái” VietJet Air bay nhanh về đích.

Ông Trần Bá Dương (xếp thứ 1399 – tài sản 1,8 tỷ USD)

“Tôi xuất thân là một kỹ sư cơ khí, làm nên Trường Hải từ hai bàn tay trắng. Tôi là con người của kỹ thuật, nên có rất nhiều việc phải làm. Chỉ biết làm để có kết quả tốt nhất” – đó là chia sẻ rất thật của ông Trần Bá Dương khi được hỏi về bản thân, sau khi Thaco ký kết hợp đồng hợp tác mang tính bước ngoặt, đó là xây dựng Nhà máy động cơ THACO - Hyundai tại Khu Kinh tế mở Chu Lai - Quảng Nam (năm 2011).

Kể về mình, ông cho biết lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi anh em ông ăn học. Tốt nghiệp đại học Bách khoa TP. HCM, ông xin làm công nhân sửa chữa ô tô.

Năm 1997, ông dồn toàn lực của gia đình, xin nghỉ và thành lập Công ty Ô tô Trường Hải.

Sau mấy năm tích lũy, đến năm 2000, ông lập xưởng mới, lắp ráp xe tải nhẹ hiệu KIA. Loại xe này nhanh chóng được thị trường đón nhận, hàng làm ra không đủ để đáp ứng thị trường.

Dưới sự lèo lái của ông, Trường Hải đã có sự tăng trưởng vượt bậc, là công ty duy nhất tại VN sản xuất lắp ráp từ xe tải, xe khách, xe bus, xe du lịch và xe chuyên dùng.

Với triết lý "kinh doanh phải là người mang lại giá trị cho khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ, có đóng góp cho cộng đồng, xã hội và nền kinh tế", bên cạnh các hoạt động liên quan đến ô tô,  ông Dương và Thaco đang mở rộng thị trường sang các lĩnh vực Logistics, hạ tầng KCN, địa ốc … để thực hiện hóa mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành tầm cỡ Khu vực.

Số liệu được Forbes chốt vào ngày 9/2/2018 cho thấy, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, ông Trần Bá Dương có khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD, xếp thứ 1399 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2018.

Ông Trần Đình Long (xếp thứ 1756 – tài sản 1,3 tỷ USD)

Ông Long sinh năm 1961 tại Hải Dương, ông tốt nghiệp chuyên ngành Toán Kinh tế tại ĐH KTQD Hà Nội.

Năm 1992, ông cùng cộng sự lập công ty đầu tiên có tên là Công ty TNHH Thiêt bị phụ tùng Hòa Phát (Hòa Phát – với nghĩa hợp hợp và phát triển).

Sau đó, ông sáng lập và giữ vị trí chủ chốt tại nhiều công ty thuộc “họ” Hòa Phát.

Khá kín tiếng với truyền thông, nên ông Long chỉ được mọi người biết đến sau sự kiện mua máy bay 6 chỗ trị giá khoảng 5 triệu USD vào năm 2010. Tiếp đó một năm, ông mua tiếp một chiếc trực thăng 12 chỗ nhưng đến thời điểm hiện tại, ông đã bán hết vì không có nhu cầu sử dụng. Ngoài việc sở hữu máy bay riêng, ông Trần Đình Long còn nổi tiếng với vai trò “ông bầu” bóng đá khi sở hữu đội bóng Hòa Phát Hà Nội. Tuy nhiên, cũng giống như việc sở hữu máy bay, đến giai đoạn “hết hứng thú” và không thấy cần thiết, ông chuyển nhượng toàn bộ đội bóng cho HN ACB, chính thức “tạm dừng giấc mơ sân cỏ” để tập trung vào việc kinh doanh.

Chỉ sau gần 20 năm, ông Long và cộng sự đã đưa Hòa Phát vươn mình thành một trong những Tập đoàn lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất thép, khai khoáng, nội thất, BĐS, sản xuất máy móc thiết bị, nông nghiệp công nghệ cao… tại nhiều tỉnh thành. Năm 2018, doanh thu của Hòa Phát đã cán mốc 46.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong năm này, Hòa Phát xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại. Với việc triển khai siêu dự án Dung Quất, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát tự tin với mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng (gấp 3 lần doanh thu 2016) của Tập đoàn này vào năm 2020.

Hiện ông Long đang nắm giữ hơn 381 triệu CP HPG, tương đương với giá thị trường khoảng 24.000 tỷ đồng. Ông cùng bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương và ông Phạm Nhật Vượng là 4 người Việt Nam vinh dự góp trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2018 của Tạp chí Forbes vừa công bố.