Những ai tham gia cuộc đua nghìn tỷ xây sân bay?

VIetTimes -- Không như đối với các dự án BOT giao thông đường bộ, hiệu quả dùng vốn tư nhân xây sân bay có thể đánh giá, nhưng là dựa trên những tiêu thức khác, phục vụ mục tiêu khác, ngoài giao thông.
Chỉ có 4/21 sân bay hiện kinh doanh có lãi. Ảnh VietTimes.
Chỉ có 4/21 sân bay hiện kinh doanh có lãi. Ảnh VietTimes.

"Chim mồi"

Dự án sân bay Vân Đồn nằm tại huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh hiện đang được chủ đầu tư – tập đoàn SunGroup - gấp rút thi công. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, công suất tiếp nhận 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Đây là một dự án đặc biệt của ngành hàng không Việt Nam – một cán bộ BQL các DA đối tác công tư (PPP) thuộc Bộ GTVT cho biết.

Sự đặc biệt ấy thể hiện ở hai đặc điểm. Thứ nhất, đây là dự án sân bay đầu tiên đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân, từ đường băng tới nhà ga hành khách, trang thiết bị đi kèm. Thứ hai, khi hoàn thành, đây cũng sẽ là dự án sân bay hoàn toàn do tư nhân khai thác cơ sở hạ tầng, trừ phần quản lý điều hành bay vẫn do Nhà nước nắm.

Đây là khu du lịch giàu tiềm năng của Quảng Ninh, và là khu vực được chọn xây dựng mô hình đặc khu kinh tế mới, với rất nhiều ưu đãi về cơ chế đã được chấp thuận. Cả nước chỉ có 3 khu kinh tế và Vân Đồn là một trong số ấy.

Trong đó, Sân bay Vân Đồn là cánh cửa nối đặc khu kinh tế ấy với thế giới, mà không cần qua trung chuyển. Với việc giành được từng ấy tiềm năng, 7.500 tỷ đồng để xây dựng và khai thác một sân bay, có thể coi là con số ít.  

Nhưng cũng có ý kiến khác, rằng Sungroup là nhà đầu tư xứng đáng, là “chim mồi” để tạo điểm nhấn, thành điển hình trong chính sách thu hút đầu tư của mỗi địa phương.

Do thế mà ngoài Sân bay Vân Đồn hay hệ thống cáp treo của Quảng Ninh, Sungroup còn được tỉnh Lào Cai đề nghị làm chủ đầu tư dự án sân bay Lào Cai, được tỉnh Lạng Sơn trải thảm mời tham gia lấy lại dự án cáp treo Mẫu Sơn từ chủ đầu tư khác. Hay được Hải Phòng mời về, để trước tiên là quy hoạch lại, và sau đó là lấy lại một số dự án, để đầu tư khai thác khu du lịch Cát Bà…

Sẽ không quá khó để thấy mục tiêu đầu tư của sân bay Vân Đồn chủ yếu phục vụ cho đặc khu kinh tế, hơn là mục tiêu đầu tư kinh doanh hạ tầng của chỉ dự án sân bay này. Câu chuyện tương tự cũng có thể thấy trong đề nghị xây sân bay Lào Cai của tỉnh Lào Cai.

Ngoài sân bay Vân Đồn, dự án sân bay Phan Thiết cũng đang được chủ đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông tiến hành với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, công suất tối đa 300 hành khách mỗi giờ. Chủ đầu tư cho biết, dự án này thực hiện theo hình thức BOT, thời gian khai thác khoảng 70 - 80 năm. Và mục tiêu đầu tư sân bay là để cạnh tranh với sân bay Cam Ranh, Phú Quốc, thu hút du khách về Phan Thiết. 
Như vậy, dù những “điển hình” thua lỗ khi đầu tư sân bay, như trường hợp sân bay Cần Thơ, sân bay Điện Biên… là không hiếm, thì có sân bay vẫn là khao khát của nhiều địa phương. Theo BQL các DA đối tác công tư (PPP) thuộc Bộ GTVT, chỉ có 4/21 sân bay hiện đang khai thác là có lãi.

Thông tin này khá tương thích với nhận định của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, rằng không có quá 5 sân bay tại Việt Nam có thể có lãi khi hoạt động. Trong khi đó thì tại tỉnh Đăk Nông, vấn đề “đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng là một điểm nghẽn (trong thu hút đầu tư - PV)” - tỉnh này khẳng định trong đề nghị gửi Bộ GTVT về việc khẩn trương cho lập quy hoạch sân bay Nhân Cơ.

Lợi ích

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – Công ty cổ phần (ACV) là doanh nghiệp hiện vẫn do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 sân bay trong cả nước, bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Đây chính là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong kinh doanh hạ tầng sân bay hiện nay, với tổng tài sản đến hết quý 2/2017 vào khoảng 47.500 tỷ đồng..

Theo báo cáo tài chính của ACV, hết quý 2/2017, lũy kế doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu 6.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.573 tỷ trong khi lợi nhuận sau thuế là 2.093 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch doanh thu và 57% kế hoạch lợi nhuận của năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh có lãi này chủ yếu đến từ việc đánh giá lại các khoản đầu tư, cắt giảm được các chi phí tài chính, đặc biệt từ lỗ tỷ giá… Trong khi năm trước, quý 2/2016, ACV còn báo lỗ hơn 16 tỷ đồng.

Sự trồi sụt trong kết quả kinh doanh của ACV cho thấy thị trường hạ tầng sân bay của Việt Nam vẫn đang trong quá trình vận động tự hoàn thiện. Trong đó, việc sử dụng chủ yếu vốn nhà nước và vốn vay ODA trong đầu tư sân bay đã tác động không tốt tới hoạt động của doanh nghiệp. Khi tính ổn định và hiệu quả bị chi phối khá lớn bởi những yếu tố như lỗ tỷ giá và quỹ dự phòng… Điều đó lại tương phản với thực tế nhu cầu khách đi bằng đường hàng không của Việt Nam vẫn đều đặn tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm.

VIệc nhiều địa phương đã và tiếp tục đề nghị được đầu tư sân bay khiến Bộ GTVT phải phát đi cảnh báo về nguy cơ lãng phí vốn đầu tư. Nhưng ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp như VietJet, Sunroup, hay như Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh… đều khá kín tiếng về toan tính lợi nhuận từ việc tham gia dự án đầu tư hạ tầng sân bay.

VietJet khẳng định mục tiêu hãng đề nghị được đầu tư, khai thác vận hành nhà ga hành khách tại cả loạt sân bay là nhằm khai thác tối ưu hơn lượng hành khách và tuyến bay của hãng, bài toán lợi nhuận từ khai thác hạ tầng chưa được nêu như là trọng tâm hoạt động chính.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - người hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh - khẳng định việc đầu tư vào nhà ga hành khách sân bay này nhằm phục vụ cho...tương lai. Còn trong thời điểm hiện tại, Cam Ranh chưa phải là một sân bay có thể sinh lãi kinh doanh hạ tầng, dù lượng khách qua lại đã vượt dự báo. 

Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đúng là việc đầu tư sân bay là cơ hội để thu hút những nguồn đầu tư khác tới địa phương, nhưng với nguồn vốn tư nhân, thì điều quan trọng nhất trước tiên phải là lợi ích từ trực tiếp dự án sân bay ấy. Do thế mà doanh nghiệp trước tiên phải được phép toàn quyền khai thác dự án, thay vì chia sẻ quyền kinh doanh với doanh nghiệp khác.

Thậm chí, tập đoàn FLC - doanh nghiệp mới nhất nhảy vào thị trường hàng không - cũng cho biết chưa có ý định đầu tư nhà ga sân bay. "Mở tuyến bay tới các dự án du lịch của chúng tôi là mục tiêu trước mắt khi thành lập hãng hàng không Tre Việt. Sau đó có thể tính tới mảng sửa chữa máy bay. Trong mảng hàng không, chúng tôi không định mở tuyến bay trùng với các tuyến hiện có, mà tập trung khai thác lượng khách tới các dự án du lịch của chính tập đoàn" - một lãnh đạo của FLC khéo léo nói như vậy, khi trả lời câu hỏi FLC có nhu cầu đầu tư nhà ga sân bay hay không.

Về quan điểm quản lý, theo một cán bộ BQL DA PPP thuộc Bộ GTVT, nhà nước chỉ nên đầu tư những sân bay ở những khu vực khó khăn, chưa thực sự hấp dẫn về kinh doanh sân bay.

Còn lại, tại những sân bay có khả năng sinh lợi, hoặc không quá quan trọng về mặt quân sự, thì nên sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, để phân bổ nguồn lực đầu tư sân bay được tốt hơn. Dự án đầu tư sân bay Vân Đồn có thể xem như tiêu biểu cho phương án đầu tư theo quan điểm quản lý này.