Nhọc nhằn thoái vốn DNNN khỏi ngân hàng

Thống kê cho thấy kể từ sau chủ trương của Chính phủ trong việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính-ngân hàng (NH), đến nay chỉ thoái được 613 tỷ đồng và thu về 622 tỷ đồng.
Nhọc nhằn thoái vốn DNNN khỏi ngân hàng

Con số này khá khiêm tốn so với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng của các DNNN đang đầu tư vào các tổ chức tín dụng (TCTD). Điều này cho thấy việc thoái vốn của DNNN sẽ gặp không ít nhọc nhằn.

DNNN và NH sở hữu chéo

Trước năm 2008, ngành tài chính trở thành một trong những ngành “hot” nhất trong nền kinh tế. Không bỏ lỡ cơ hội đó, không ít doanh nghiệp đã đua nhau đầu tư vào các NH, thậm chí nhiều DNNN còn thành lập riêng cho mình những NH. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, xuất hiện những bất cập trong việc đầu tư ngoài ngành, chạy theo “thời vận”.

Theo Khoản 2 Điều 55, Luật TCTD năm 2010 quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD”. Tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN càng siết chặt hơn, khi quy định một NH chỉ được nắm giữ tối đa 2 TCTD và tỷ lệ không quá 5%. Đối chiếu với các quy định này hiện không ít DNNN và NH đang vượt quá tỷ lệ. Như vậy, sau gần 4 năm Luật các TCTD có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp, TCTD vẫn chưa hoàn thành quá trình thoái vốn để giảm tỷ lệ theo quy định.

Để khắc phục tình trạng đó, Chính phủ đã ra quy định buộc các DNNN phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có ngành tài chính NH, bảo hiểm. Tuy vậy, sau một số năm thực hiện xem ra việc thoái vốn này không hề dễ dàng.

Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều DNNN đang nắm giữ cổ phần lớn tại NH như Petrolimex nắm 40% cổ phần PGBank; PVN sở hữu 20% cổ phần OceanBank, 52% cổ phần PVCombank và 9% Maritime Bank; EVN đang nắm 16% cổ phần của ABBank (hiện đã sáp nhập vào HDBank); Công ty TNHH Xổ số kiến thiết và Dịch vụ Tổng hợp Đồng Nai nắm giữ 6,61% DaiABank; Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sở hữu lần lượt 4,7% và 4,27%  tại NH Quân đội; Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận sở hữu 16,64% Saigonbank...

Trên đây chỉ là một số thống kê sơ bộ việc DNNN đang sở hữu NH. Song ước tính sơ bộ số vốn những DNNN này có trong NH cũng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Ngoài việc DNNN sở hữu CP tại các NH cũng có không ít NH có nguồn gốc Nhà nước cũng đang sở hữu tại các NH khác.

Chẳng hạn, hiện Vietcombank đang sở hữu 8,24% Eximbank, 9,59% NH Quân đội, 5,07% NH Đại Dương, 4,37% Saigonbank; MaritimeBank đang sở hữu 9,95% NH Quân đội, 10,16% MekongBank; VietinBank sở hữu 10,39% Saigonbank. Điều này cho thấy mạng lưới khá chằng chịt sở hữu chéo lẫn nhau giữa DNNN và NH, giữa các NH với nhau. Từ lâu việc DNNN đầu tư vào NH đã gây lo ngại cho nhiều chuyên gia vì thúc đẩy cho bong bóng tài chính tăng cao, nguy cơ làm gia tăng rủi ro, thất thoát vốn DNNN.

Hành lang pháp lý đã có

Báo cáo tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp vào ngày 26-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan quản lý mạnh tay hơn nữa trong việc thoái vốn của DNNN. Trước đó, NHNN đã có Văn bản 1821/NHNN-TTGSNH về việc thoái vốn của DNNN tại các TCTD. Mới đây, NHNN lại có văn bản “thúc” các DNNN thoái vốn tại các NH.

Theo đó, NHNN đề nghị tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN trực thuộc thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của DNNN theo thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại Luật Các TCTD và Thông tư 06  về  tổ chức, quản trị, điều hành, vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, bổ sung, sửa đổi giấy phép, vốn điều lệ của NH thương mại. Trường hợp thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần nêu trên, các DNNN đang là cổ đông của TCTD có trách nhiệm phối hợp với TCTD (đơn vị đầu mối) lựa chọn đối tác nhận chuyển nhượng đảm bảo các điều kiện theo quy định của NHNN.

Thực ra về hành lang pháp lý và chủ trương thoái vốn khỏi DNNN đã có. Tại Điều 6 Nghị định 51 quy định, NHNN “xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định một hoặc một số NH thương mại nhà nước (bao gồm NH thương mại nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ) mua lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với từng trường hợp”.

Bên cạnh vai trò của NHNN, Tổng công ty Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) cũng được Chính phủ chỉ định tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp tài chính trong trường hợp không thể bán theo cách thông thường.

Như vậy Chính phủ đã “mở” thêm một lối cho việc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện lại không hề dễ dàng. Bằng chứng cụ thể là cho đến nay tổng số vốn các DNNN thoái vốn khỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính mới chỉ khoảng hơn 600 tỷ đồng trong hàng chục ngàn tỷ đồng cần phải thoái.

NHNN cũng chưa hề mua lại hay chỉ định những NH thương mại nhà nước hoặc Nhà nước nắm quyền chi phối mua lại. SCIC với vai trò là một công ty quản lý, đầu tư vốn nhà nước và có trong tay quỹ tiền mặt hàng chục ngàn tỷ đồng cũng chưa mua bất kỳ một CP NH nào.

Vướng cơ chế

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, một trong những khó khăn vướng mắc lớn nhất trong việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN hiện nay là vướng cơ chế. Vị chuyên gia này phân tích, hiện ngành NH đã tương đối ổn định nhưng vẫn không phải là ngành hấp dẫn NĐT, vì nó vẫn con quá nhiều rủi ro. Những con số báo cáo và số thực tế khác xa nhau nên nhà đầu tư tránh xa cổ phiếu NH. Do vậy, để thu hút NĐT thì phải có cơ chế buộc các NH phải minh bạch về số liệu.

Các đây vài  năm chính sách tăng “room” cho NĐTNN đối với NH được kỳ vọng sẽ giải được bài toán thoái vốn. Tuy nhiên, cho đến nay “cánh cửa” này bị đóng ngày càng chặt và cũng là một điều cản trở quá trình thoái vốn. Một rào cản khác là “sợ lỗ”, giá vốn đầu tư của DNNN tại các NH thường ít nhất bằng mệnh giá. Nhưng thực tế hiện nay nhiều NH đang được giao dịch trên thị trường thấp hơn mệnh giá khá nhiều. Do vậy, nếu muốn bán DNNN phải chấp nhận lỗ. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là ai sẽ gánh “trách nhiệm” này? Do đó cách an toàn nhất là “giữ nguyên hiện trạng”.

Cũng có ý kiến cho rằng đối với phương án NHNN mua hoặc chỉ định NH thương mại có nguồn gốc nhà nước mua cũng không mấy khả thi. Cơ chế cho NHNN bỏ tiền mua hoặc tiếp nhận vốn của một NH từ các DNNN vẫn chưa rõ ràng. Còn việc chỉ định NH thương mại có nguồn gốc nhà nước mua lại cũng không dễ dàng. Trong khi đó “bà đỡ” SCIC chắc chắn không có động lực gì để bỏ tiền ra mua CP những NH mà không thể bán trên thị trường.

Theo SGĐTTC