Các tỉnh dồn dập tuyên truyền về số hóa truyền hình

Chỉ 2 tháng nữa là đến thời điểm tắt sóng mềm truyền hình analog ở 4 thành phố và sẽ ảnh hưởng tới 19 tỉnh, thành lân cận. Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với Sở TT&TT một số tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh triển khai tuyên truyền tới chính quyền, người dân về số hóa truyền hình.
Các tỉnh dồn dập tuyên truyền về số hóa truyền hình

Chỉ còn 2 tháng nữa là đến thời điểm tắt sóng mềm truyền hình analog ở 4 thành phố và sẽ ảnh hưởng tới 19 tỉnh, thành lân cận với 4 thành phố này. Tại thời điểm này, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với Sở TT&TT một số tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh triển khai tuyên truyền tới các cấp chính quyền, người dân về số hóa truyền hình.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, để triển khai tốt Đề án số hóa truyền hình, đảm bảo tiến độ thì địa phương cần phải đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp lãnh đạo và người dân của địa phương thấu hiểu lợi ích, xu hướng và  lộ trình của Đề án. Đồng thời các tỉnh phải xác định lộ trình tắt sóng cụ thể đối với từng khu vực trong tỉnh, tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo trong quá trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Tại Hải Dương, vào cuối tháng 3, Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực V đã phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình mặt đất. Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện đã phổ biến tới các đại biểu những nội dung chính của Đề án số hóa truyền hình, các lợi ích, lộ trình triển khai Đề án và kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua. Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo Đài PT-TH các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những lợi ích và lộ trình triển khai số hóa truyền hình.

Vào cuối tháng 3, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình mặt đất và phổ biến những quy định mới về quản lý tần số vô tuyến điện cho các lãnh đạo, công chức UBND tỉnh, các sở, ban ngành và đại diện các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo lộ trình số hóa truyền hình mặt đất, khi Hà Nội tắt sóng truyền hình analog toàn bộ địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ chịu ảnh hưởng. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Ninh rất cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân, lãnh đạo các cấp hiểu được những lợi ích và lộ trình chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số.

Sở TT&TT mới đây cũng kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh sớm thông qua Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất của tỉnh. Sở TT&TT Bắc Ninh đã yêu cầu các Đài PT-TH các cấp, từ tỉnh đến cơ sở, tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những lợi ích, lộ trình triển khai số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong cuối tháng 3, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.Thái Nguyên là một trong 26 tỉnh, thành nằm trong giai đoạn II của lộ trình số hóa truyền hình mặt đất, dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2016.

Tại hội nghị này, Sở TT&TT Thái Nguyên cho biết, tại Thái Nguyên vẫn còn một số vùng lõm không thu được tín hiệu truyền hình analog. Cụ thể: 50% địa bàn các huyện Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương; 20% huyện Định Hóa và một phần huyện Đồng Hỷ.

Một số khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên đã thu được tín hiệu truyền hình số nhưng chất lượng tín hiệu còn kém, số lượng kênh ít. Sở TT&TT Thái Nguyên đề nghị Bộ TT&TT hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị sớm triển khai lắp đặt hệ thống phát sóng truyền hình số tại Thái Nguyên cũng như hướng dẫn phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho tỉnh.

Theo kế hoạch mới nhất của lộ trình số hóa truyền hình, từ ngày 15/6/2016 sẽ tắt sóng mềm truyền hình analog ở 4 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Tiếp đó, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình cũng đang xem xét thời điểm chính thức tắt sóng truyền hình analog tại 4 thành phố vào ngày 15/8/2016.

Việc tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố sẽ ảnh hưởng tới 19 tỉnh, thành lân cận, bao gồm các tỉnh lớn của vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, có số lượng dân cư đông chiếm tới 50% dân số của cả nước. Do đó, triển khai số hóa truyền hình lần này có ý nghĩa rất quan trọng, khi hoàn thành giai đoạn I Đề án số hóa truyền hình coi như đã hoàn thành 50%, giảm áp lực cho các giai đoạn sau của Đề án số hóa truyền hình đi rất nhiều.

Theo ICT News