Nhìn lại những công nghệ hút khách của Viettel tại MWC 2017

Nếu như ở lần đầu tham gia Hội nghị Di động thế giới (Mobile World Congress –MWC) vào năm 2016, Viettel đã “đánh trống, ghi tên” thành công với một gian hàng đậm chất Việt Nam thì tại MWC 2017, Viettel đã đem đến loạt sản phẩm chủ lực của nhà mạng với khát vọng đem công nghệ Việt ra thị trường toàn cầu.
Đại diện Viettel giới thiệu các công nghệ đem tới MWC 2017. (Ảnh: Viettel)
Đại diện Viettel giới thiệu các công nghệ đem tới MWC 2017. (Ảnh: Viettel)

Tại đây, những sản phẩm này lập tức gây ấn tượng với nhiều doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các công ty đến từ các thị trường đang phát triển…

Trao đổi với phóng viên, đại diện của Viettel cho hay, các sản phẩm mà nhà mạng này đem ra bày trên “bàn cỗ” lớn nhất của làng di động thế giới là Hệ sinh thái Y tế; Ví điện tử; Cơ chế một cửa quốc gia; Hệ thống quản lý DMS; Ứng dụng MOCHA và Giải pháp bảo đảm an ninh mạng.

Điều đáng chú ý là những sản phẩm chủ lực này đã được Viettel xây dựng và áp dụng thành công ở nhiều thị trường mà đơn vị này tham gia đầu tư.

Đầu tiên là Hệ sinh thái Y tế. Ở nhiều nước đang phát triển, hàng ngày, mỗi bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân với hàng chục nghìn hồ sơ bảo hiểm y tế mỗi tháng được chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Công đoạn nhập liệu thủ công sao chép theo cách truyền thống đã làm việc quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi những sai sót. 

Hệ sinh thái Y tế của Viettel là giải pháp đồng bộ, bao gồm hệ thống quản lý y bệnh viện; hệ thống quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Điều này phục vụ cho các công đoạn từ lúc quản lý phòng bệnh đến khám chữa bệnh và thanh toán.

Trong đó, hệ thống y tế dự phòng (NIIS.ONE) của Viettel đã được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam với 83 quận, 1.274 trung tâm y tế, 107 bệnh viện; Hệ thống quản lý bệnh viện (HIS.ONE) được triển khai toàn quốc với 1.100 bệnh viện, 12.000 trung tâm y tế; Hệ thống giám định bảo hiểm y tế (SHI.ONE) đã triển khai ở 2.000 cơ sở y tế và tới 2018 sẽ triển khai trên toàn quốc đến 15.000 cơ sở y tế, 40.000 người tham gia.

Với sản phẩm Cơ chế một cửa quốc gia, giải pháp của Viettel hiện đã triển khai cho Tổng cục Hải Quan, sẵn sàng kết nối với cơ chế một cửa của ASEAN (trong nước đã kết nối với bộ Khoa học và CÔng nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường…

Cơ chế một cửa quốc gia Viettel xây dựng đáp ứng giải quyết các thủ tục liên quan đến hải quan, thuế, xuất nhập khẩu, lưu kho, kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn kỹ thuật... Hạn chế tối đa các thủ tục, hồ sơ; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống một cửa quốc gia do Viettel xây dựng đã xử lý hơn 213.000 bộ hồ sơ của 8.300 doanh nghiệp tại Việt Nam; giảm tối đa 7 - 8 ngày thông quan hàng hóa so với trước đây tương đương với việc tiết kiệm khoảng 1.750 USD đến 2.000 USD tiền lưu kho, bãi/lô hàng mỗi năm…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng thăm quan gian hàng và chụp ảnh cùng cán bộ của Viettel tại MWC 2017. (Ảnh: Viettel)

Sản phẩm tiếp theo là Hệ thống quản lý phân phối DMS. Đây là một giải pháp rất thành công khi triển khai tại nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, Vinamilk…

Với DMS, người quản lý chỉ cần sử dụng thiết bị di động để biết được nhân viên đang ở đâu, giao chỉ tiêu theo từng cá nhân, quản lý đơn hàng của khách hàng. Bên cạnh đó, thông tin bán hàng được cập nhật theo thời gian thực; có thể tạo khảo sát để nhân viên địa bàn thực hiện, giúp nhà quản lý đưa ra quyết định tổng thể cho thị trường khi biết hành vi tiêu dùng của từng địa bàn.

Hiện, ứng dụng DMS của Viettel được cung cấp trên nền điện toán đám mây, phù hợp với hệ điều hành Android và iOS, giúp các doanh nghiệp trên toàn cầu có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Trước tình trạng an ninh mạng liên tục được báo động, Viettel cũng đem đến MWC các Giải pháp An toàn thông tinnhằm đảm bảo an ninh thông tin cho khách hàng cũng như bảo vệ nhà mạng trước các nguy cơ như nghe trộm điện thoại, giả mạo thuê bao, giả mạo tổng đài, dò tìm vị trí thuê bao gian lận cước…

Điểm mạnh của giải pháp do Viettel làm chủ công nghệ chính là bởi nhà mạng này cung cấp dịch vụ viễn thông di động trên nhiều quốc gia. Bởi vậy, các chiêu trò, mánh khóe của hacker khi áp dụng cho thuê bao của mình sẽ được Viettel nghiên cứu giải pháp và cập nhật tức thì-điều mà các công ty bảo mật khác không dễ dàng có được dữ liệu, trừ khi sự việc đã bùng phát.

Ngoài ra, tại MWC 2017, người tham quan triển lãm còn được Viettel giới thiệu về Mocha-ứng dụng OTT thuần Việt đã làm tăng doanh thu SMS viễn thông thêm 30% cho nhà mạng trong thời gian qua.

Đại diện Viettel cho hay, ngoài Việt Nam, Mocha đã được triển khai kinh doanh tại 5 thị trường: Lào, Đông Timor, Haiti, Mozambique, Tanzania. Trong đó, sau 5 tháng kinh doanh, thuê bao Mocha tại Haiti đã tương đương 30% tổng số thuê bao 3G của nhà mạng Natcom, đồng thời là 1 ứng dụng hấp dẫn để thu hút thuê bao mạng đối thủ.

Thực tế, Mocha không chỉ là một ứng dụng nhắn tin OTT mà là một nền tảng để tích hợp các tiện ích viễn thông, tạo thêm giá trị gia tăng cho người dùng và mang về lợi ích cho công ty viễn Thông. Người dùng sử dụng OTT của Viettel với tính năng lợi thế chỉ nhà mạng làm được là gửi SMS từ Mocha miễn phí và khi người nhận trả lời SMS thông thường sẽ làm tăng doanh thu từ dịch vụ truyền thống này.

Bên cạnh đó, Mocha còn tạo thêm 1 kênh truyền thông đa phương cho nhà mạng tới khách hàng, giúp nhà mạng có thể kinh doanh các gói cước data, các gói cước giá trị gia tăng…

Nhiều doanh nghiệp đã lắng nghe và tỏ ra thích thú với các giải pháp của nhà mạng đến từ Việt Nam. (Nguồn: Vietttel)


Cuối cùng, với sản phẩm Ví điện tử V-Wallet, Viettel nhắm tới các thị trường đang phát triển, nơi giao dịch tiền mặt còn phổ biến, mạng lưới ngân hàng kém phát triển.
V-Wallet là một hệ thống phần mềm lưu trữ thông tin về các tài khoản tiền điện tử, tài khoản ngân hàng và cho phép thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp, rút tiền và thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, người dùng không nhất thiết phải có SmartPhone, chỉ cần một chiếc điện thoại Feature Phone là có thể trải nghiệm tất cả các tính năng của dịch vụ.

Hiện tại, V-Wallet đã triển khai tại Campuchia (hơn 200.000 tài khoản với 1 triệu giao dịch/tháng), Tanzania (200.000 tài khoản) và sắp tới là Myanmar, Đông Timor...

Theo Vietnam +