Nhiều ngành công nghiệp Việt Nam có khả năng tiết kiệm đến 40% năng lượng

VietTimes -- Ngân hàng Thế giới đánh giá các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25-40%. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng 1/4 so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc cần làm ngay là hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, để mỗi người luôn có ý thức, luôn thực hành tiết kiệm năng lượng trong mọi thời điểm.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc cần làm ngay là hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, để mỗi người luôn có ý thức, luôn thực hành tiết kiệm năng lượng trong mọi thời điểm.

Đó là thông tin được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả diễn ra vào hôm qua (16/12).

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm 5,65% trên tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm sử dụng trên 11 triệu tấn dầu quy đổi.

Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015: Ngành thép giảm 8,09%; ngành xi măng giảm 6,33%; ngành dệt sợi giảm 7,32%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn những hạn chế như: Vẫn còn những quy định chưa đồng bộ, chưa theo kịp được tốc độ phát triển từ thực tiễn của xã hội. Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức đã có trong Luật nhưng trên thực tế, nhóm đối tượng này vẫn khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cũng như miễn giảm thuế khi triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, nhiều địa phương đã thực hiện tốt Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, một số tổ chức, cá nhân chưa thật sự nghiêm túc thực hiện và triển khai thi hành Luật. Tại một số nơi, nhận thức của doanh nghiệp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng vẫn còn hạn chế.

Hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong một số lĩnh vực như GTVT, xây dựng, nông nghiệp còn còn có những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn rất hạn chế. Việc thực thi Luật vẫn nặng về tuyên truyền, vận động, khuyến khích bởi vì các chế tài hiện có được cho là chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe các đối tượng vi phạm.

“Có thể nói, các kết quả đạt được của giai đoạn vừa qua, tuy là rất đáng ghi nhận, nhưng thực sự chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng của chúng ta. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25-40%. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng ¼ so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó”, Phó Thủ tướng nói.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Thủ tướng cho rằng hiện còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý Nhà nước tại địa phương. Việc phối hợp giữa sở Công Thương và các sở ban ngành tại địa phương còn chưa tốt, còn lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra; các cơ sở sử dụng năng lượng chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật.

"Trong thời gian ngắn sắp tới, Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 để bảo đảm nguồn năng lượng cung ứng cho nền kinh tế. Mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn về việc dừng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì việc tìm ra các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai đang là vấn đề quan trọng và cấp bách", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.