Nhiều công nhân trong ngành điện tử không nắm rõ luật nên mất quyền lợi

VietTimes -- Có nhiều công nhân nữ, trẻ tuổi và mang thai nhưng không biết các quyền lợi, chế độ mà mình được hưởng để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ.
Số lượng công nhân tham gia ngành điện tử tăng rất nhanh.
Số lượng công nhân tham gia ngành điện tử tăng rất nhanh.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Như Phương, Trưởng đại diện phía Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, tại Hội thảo thúc đẩy việc làm trong ngành điện tử tại Việt Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9.

Đồng thời bà Phương cho biết thêm, hầu hết công nhân trong các công ty điện tử có quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam đều phải làm việc trong môi trường nóng bức, không có điều hòa không khí và thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, chủ yếu là chì.

Mặt khác, lao động điện tử ở Việt Nam là chất lượng lao động thấp, thiếu kỹ năng tư duy và giải quyết các vấn đề.

Theo bà Trần Thu Lê, Giám đốc nhân sự Công ty Intel Việt Nam, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề, đặc biệt lao động nữ tham gia học các nghề kỹ thuật, điện tử rất ít. Vì vậy, khi tuyển dụng, công ty thường phải đào tạo, đào tạo lại ít nhất 3 tháng thì công nhân mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đã được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc, công nhân lại nhảy việc sang các công ty khác có mức lương cao hơn.

Trước thực trạng trên, các đại biểu cho rằng các ngành chức năng Việt Nam cần có chính sách riêng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện để doanh nghiệp có đơn hàng thường xuyên, ổn định. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận thì mới thúc đẩy việc tạo ra việc làm mới và cải thiện môi trường làm việc của người lao động.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản phẩm ngành điện tử là nguồn xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau sản phẩm ngành may mặc. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, số lượng công nhân tham gia ngành điện tử tăng rất nhanh, từ 46.000 công nhân (năm 2005) lên 327.000 công nhân (2013).