Nhiều câu hỏi lớn từ việc hàng loạt tàu cá vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng

VietTimes -- Thép thân vỏ không đúng chủng loại, thiết bị hàng hải không đảm bảo chất lượng, máy chính không đúng với công bố của hãng,...nhưng đăng kiểm viên vẫn cấp chứng nhận để rồi tàu cá ngư dân Bình Định phải nằm bờ trong chua chát.
Nhiều câu hỏi lớn từ việc hàng loạt tàu cá vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng
Nhiều câu hỏi lớn từ việc hàng loạt tàu cá vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng
Đụng đâu lỗi đó!
Chiều 22/6, tổ thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh Bình Định đã công bố dự thảo kết luận thẩm định tàu vỏ thép hư hỏng trong thời gian qua. Việc công bố dự thảo kết luận thẩm định số tàu vỏ thép hư hỏng này của Sở NN và PTNT tỉnh Bình Định được đánh giá là công khai, minh bạch, nhằm để các bên liên quan có ý kiến hoàn thiện báo cáo gửi lên cấp trên, báo cáo Thủ tướng.
Tham dự buổi công bố có ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản; ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản. Cùng các thành viên tổ thẩm định, 18 chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng, đại diện đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an). Riêng Công ty TNHH một thành viên Đại Nguyên Dương không đến dự.
Theo báo cáo của Sở NN & PTNT tỉnh Bình Định, tính đến nay, toàn tỉnh đã đóng mới 47 tàu vỏ thép tại 9 cơ sở đóng tàu trên toàn quốc, trong đó 45 tàu cá vỏ thép đóng xong đi vào hoạt động đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, tháng 4/2017, nhiều ngư dân phản ánh về tình trạng vỏ thép bị gỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên hư hỏng, lưới cuốn chân vịt, trang thiết bị khai thác hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hư hỏng hoặc không hoạt động nên Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã thành lập đoàn kiểm tra đối với việc này. Qua kiểm tra ban đầu, kết quả cho thấy đúng như những gì ngư dân phản ánh. 
Thép thân vỏ không đúng chủng loại, thiết bị hàng hải không đảm bảo chất lượng, máy chính không đúng với công bố của hãng,...nhưng đăng kiểm viên vẫn cấp chứng nhận để rồi tàu cá ngư dân Bình Định phải nằm bờ trong chua chát. (ảnh Dân Trí)Thép thân vỏ không đúng chủng loại, thiết bị hàng hải không đảm bảo chất lượng, máy chính không đúng với công bố của hãng,...nhưng đăng kiểm viên vẫn cấp chứng nhận để rồi tàu cá ngư dân Bình Định phải nằm bờ trong chua chát. (ảnh Dân Trí)

Trước sự việc, Sở NN & PTNT tỉnh Bình Định đã báo cáo cấp trên và tổ chức cuộc họp đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu, chính quyền địa phương. Nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung và không đi đến thỏa thuận khắc phục các hư hỏng đã xảy ra.

Bức xúc, 18 chủ tàu có tàu bị hư hỏng đã gửi đơn kiến nghị đến Sở NN & PTNT phản ánh tình trạng tàu vỏ thép bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng và đề nghị can thiệp, bảo vệ quyền lợi ngư dân.
Để đảm bảo khách quan, ngày 2/6/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thành lập Tổ công tác thẩm định để xác định rõ chất lượng, giá trị, nguồn gốc sản phẩm và tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu và các trang thiết bị hàng hải, khai thác đối với 18 tàu cá theo kiến nghị của ngư dân.
Mặc dù đã có 7 chủ tàu xin rút đơn kiến nghị sau khi làm việc với cơ sở đóng tàu, nhưng để có kết luận chính xác về chất lượng của tàu, Tổ công tác vẫn tiến hành thẩm định đối với 17 tàu có sự chứng kiến của chủ tàu và đại diện chính quyền địa phương.
Nhiều câu hỏi lớn cần được trả lời!
Kết quả thẩm định có 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có than vỏ nguồn gốc thép từ Trung Quốc; 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc thép từ Hàn Quốc.
Tổ công tác kiểm tra máy chính tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đã phát hiện nhiều sai sót nghiêm trọngTổ công tác kiểm tra máy chính tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đã phát hiện nhiều sai sót nghiêm trọng

Tiếp tục kiểm tra hiện trường, có 12/17 tàu có kết cấu vỏ bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí có hiện tượng gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư lưới cụ và cá thành phẩm; có 5 tàu phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Về phần máy chính, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường và đối chiếu các hồ sơ, có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA (05 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 04 máy S6R-MPTA công suất 811 HP). Các chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Và thông tin này được hãng Mitsubishi có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model và công suất ghi trên thân máy.
Tiếp tục kiểm tra, Tổ công tác phát hiện có 3 máy chính tàu hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Trong 3 máy, có 1 máy chính Doosan lắp trên tàu BĐ-99245-TS (chủ tàu là ông Trần Đình Sơn) bị hư hỏng nặng (gãy trục khuỷu và hư piston). Cả 3 máy này có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM). Và thông tin này được hãng Doosan xác nhận 2 model trên là giống nhau.
Đối với 5 máy chính của 5 tàu hiệu Mitsubishi S6R-MPTK công suất 811 HP. Qua kiểm tra thực tế, các máy chính và các bộ phận liên quan là khối đồng nhất, thông số kỹ thuật ghi trên nhãn mác máy trùng khớp với thông số do hãng Mitsubishi công bố. Hiện các máy chính lắp trên các tàu đều hoạt động ổn định.
Liên quan đến máy phụ, có 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép. Trong đó có 10 máy hiệu Mitsubishi  - Nhật Bản, 9 máy hiệu Doosan- Hàn Quốc; 4 máy hiệu Cummins CTA 83-G2; 2 máy không có nhãn mác chỉ đóng số chìm; 1 máy phụ hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất (CO ghi máy lắp ráp tại Singapore), 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm.

Để khắc phục, giải quyết những vấn đề trên, Tổ Công tác đề xuất Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ, thay mới máy chính Doosan cho các tàu cá; khắc phục các hư hỏng liên quan. Đồng thời bổ sung các hồ sơ tài liệu chứng minh về sự khác biệt ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM) của 3 máy chính hiệu Doosan.
Riêng đối với phần thân vỏ, Tổ công tác yêu cầu các cơ sở đóng tàu làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép đối với các tàu gỉ sét. Đối với các phần thân vỏ không đạt yêu cầu thì phải thay thế và đánh giá lại. Đối với các tàu có thân vỏ sai khác với thiết kế, chủng loại vật liệu thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho chủ tàu nếu chủ tàu đồng ý.
Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản thừa nhận năng lực Đăng kiểm viên còn yếu nên không phát hiện máy chính không đồng bộ(?!) (Ảnh Duy Thanh-Tuổi Trẻ)Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản thừa nhận năng lực Đăng kiểm viên còn yếu nên không phát hiện máy chính không đồng bộ(?!) (Ảnh Duy Thanh-Tuổi Trẻ)

Bên cạnh đó, đối với các thiết bị hành hải, hệ thống hầm bảo quản,…Tổ công tác yêu cầu các cơ sở đóng tàu khắc phục, thay thế theo đúng chất lượng và hợp đồng đã ký kết. Đồng thời các cơ sở đóng tàu nhanh chóng cung cấp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu vận hành, sử dụng cho từng chủ tàu.

Tại cuộc họp, các chủ tàu ghi nhận kết quả kiểm tra của Tổ công tác trong việc thẩm định, đánh giá các hư hỏng về máy, vỏ tàu, trang thiết bị trên tàu. Đồng thời yêu cầu hai nhà máy đóng tàu phải có trách nhiệm thay thế những máy móc, thiết bị đúng theo hợp đồng; trả lại phần chênh lệch giá giữa thép Trung Quốc so với thép Hàn Quốc/Nhật Bản; xử lý lại vỏ tàu gỉ sét, những khu vực thép không đảm bảo phải được thay thế và sơn lại tàu theo đúng quy trình...
Phát biểu tại cuộc họp công bố kết quả thẩm định của Tổ công tác, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản thừa nhận đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá còn yếu năng lực, dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm định, không phát hiện máy cải hoán...Và đang tiếp tục kiểm điểm những sai sót của các đăng kiểm viên.

Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận đặt ra là việc cơ quan đăng kiểm thừa nhận sai sót của các đăng kiểm viên như vậy có thỏa đáng. Việc xử lý và quy trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra sự gian lận trên. 
Không chỉ vậy, việc thừa nhận năng lực đăng kiểm viên còn yếu khi không phát hiện máy hoán cải là khó thuyết phục. Bởi khi đăng kiểm, ngoài hiện vật là hàng hóa, máy móc, thiết bị, thì toàn bộ số vật liệu máy móc này đều phải có đầy đủ hồ sơ chứng từ, thể hiện từ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hóa đơn hàng hóa,… Và nếu là sản phẩm nhập khẩu thì số máy móc này phải có hồ sơ chứng từ, hóa đơn cũng như khai báo hợp lệ được chứng nhận của cơ quan hải quan mới có thể nhập khẩu thông quan vào Việt Nam và lắp đặt vào số tàu cá này.
Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng!