Nhật - Mỹ liên thủ thăm dò khả năng không chiến của Trung Quốc trong vụ áp sát máy Su-30?

VietTimes -- Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản tiến hành khiêu khích trên không, nhưng bị Nhật Bản phản bác và phản công, gây nghi ngờ về tính xác thực thông tin do hai bên công bố và cho thấy tình hình an ninh Đông Bắc Á có vấn đề.
Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Trung Quốc (ảnh minh họa).
Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Trung Quốc (ảnh minh họa).

Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 15/12 cho hay vào ngày 10/12 máy bay Không quân Trung Quốc bay qua vùng trời eo biển Miyako đến Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa thường lệ, đã bị hai máy bay chiến đấu F-15 Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành cản trở ở cự ly gần và phóng đạn gây nhiễu.

Được biết, ngoài 2 máy bay F-15 tiến hành đối đầu với máy bay quân sự Trung Quốc ở hiện trường, còn có 8 máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản và 2 máy bay tác chiến điện tử của Quân đội Mỹ cùng bay theo ở khu vực lân cận.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng lần này máy bay chiến đấu Nhật Bản rất có khả năng có ý định thách thức máy bay chiến đấu Trung Quốc, đồng thời phối hợp với Mỹ cùng thăm dò khả năng không chiến của Trung Quốc.

Sáng ngày 10/12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân cho biết: Máy bay Không quân Trung Quốc bay qua vùng trời eo biển Miyako đến Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa thường lệ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản điều động 1 tốp 2 máy bay chiến đấu F-15 tiến hành gây nhiễu và phóng đạn gây nhiễu ở cự ly gần, đe dọa an toàn của máy bay và nhân viên Trung Quốc.

Phi công Trung Quốc nhanh chóng áp dụng biện pháp ứng phó cần thiết và tiếp tục triển khai huấn luyện liên quan".

Cụm máy bay chiến đấu F-15J Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Cụm máy bay chiến đấu F-15J Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Ngày 11/12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiến hành phản ứng đối với việc này, phủ nhận việc phóng đạn gây nhiễu đối với máy bay chiến đấu Trung Quốc, cho biết "không có sự thực gây cản trở cho hoạt động bay của máy bay quân sự Trung Quốc".

Ngày 12/12, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhắc lại tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và phản công cho rằng Trung Quốc "đơn phương công bố thông tin rõ ràng không phù hợp với sự thực là cực kỳ đáng tiếc. Điều này gây thiệt hại cho quan hệ Nhật - Trung, đã đưa ra phản đối nghiêm túc".

Đối với thái độ phủ nhận của Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 12/12 lại lên tiếng nói rằng "Trung Quốc thúc giục Nhật Bản xuất phát từ đại cục bảo vệ ổn định khu vực và quan hệ Trung - Nhật, thiết thực thực hiện các biện pháp có hiệu quả, ngăn chặn xảy ra các vấn đề an toàn trên biển, trên không".

Dương Vũ Quân cho rằng "eo biển Miyako là tuyến đường quốc tế được công nhận, huấn luyện biển xa lần này của Không quân Trung Quốc là hoạt động thường lệ theo kế hoạch thường niên, không nhằm vào bất cứ quốc gia và mục tiêu cụ thể nào, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế.

Hành vi của máy bay quân sự Nhật Bản là nguy hiểm, không chuyên nghiệp, đã phá hoại tự do hàng hải và hàng không theo quy định của luật pháp quốc tế".

Máy bay chiến đấu F-15J Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu F-15J Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Theo báo Trung Quốc, đây không phải là lần đầu tiên máy bay quân sự Nhật Bản phóng đạn gây nhiễu đối với máy bay quân sự Trung Quốc. Ngày 17/6, hai máy bay chiến đấu Su-30 của Quân đội Trung Quốc tiến hành bay tuần tra thường lệ ở "Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) biển Hoa Đông". Hai máy bay chiến đấu F-15J Nhật Bản đã áp sát thách thức với tốc độ cao, thậm chí mở radar điều khiển hỏa lực nhằm vào máy bay Trung Quốc.

Khi đó, máy bay quân sự Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp như cơ động chiến thuật, máy bay Nhật Bản phóng đạn gây nhiễu hồng ngoại và chạy. Nhưng, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng sự kiện lần này e rằng có khác với lần trước.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc dẫn báo chí Đài Loan cho rằng mặc dù Nhật Bản bề ngoài tuyên bố chỉ có 2 máy bay chiến đấu Nhật Bản ở hiện trường, nhưng trên thực tế Nhật Bản điều động 10 máy bay chiến đấu F-15, Quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản cũng điều động máy bay trinh sát EP-3 và RC-135 tiến hành thu thập tình báo.

Doãn Trác cho rằng sự kiện lần này có thể là máy bay Nhật Bản "có ý định khiêu khích" máy bay quân sự Trung Quốc, qua đó "dụ dỗ" radar máy bay Trung Quốc mở ra và ngắm chuẩn tên lửa. Sau đó máy bay chiến đấu Nhật Bản và Mỹ phối hợp với nhau để thu lấy tần số của radar điều khiển hỏa lực và tính năng tên lửa của máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu Su-30MKK Không quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu Su-30MKK Không quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đằng Kiến Quần cũng cho rằng "đây là Mỹ và Nhật Bản có ý đồ cùng dò tìm khả năng không chiến của Trung Quốc, cung cấp thông tin liên quan cho biên đội bay đối phó Trung Quốc trong tương lai. Cho nên hành vi của máy bay chiến đấu Nhật Bản không chỉ không chuyên nghiệp, không an toàn, mà còn rất có tính "khiêu khích"".

Những tuyên bố trái ngược của cả hai bên Trung Quốc và Nhật Bản chưa rõ đầu đuôi như thế nào, nhưng cho thấy nguy cơ mất an toàn ở vùng biển liên quan của hai nước, nhất là khu vực có tranh chấp lãnh thổ là rất cao.