Nhật lập căn cứ tên lửa chặn đường ra biển của Trung Quốc

VietTimes -- Khu vực đóng quân của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản sẽ được bắt đầu xây dựng ở đảo Miyako vào tháng 8/2017, đồng thời Nhật đang tăng cường khả năng chống tên lửa đạn đạo ở hướng tây nam.
Hải quân Trung Quốc ngày càng nỗ lực "chọc thủng" chuỗi đảo thứ nhất, vươn ra Tây Thái Bình Dương.
Hải quân Trung Quốc ngày càng nỗ lực "chọc thủng" chuỗi đảo thứ nhất, vươn ra Tây Thái Bình Dương.

Xây căn cứ mới để chốt chặn

Tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) ngày 4/6 cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ bắt đầu xây dựng khu vực đóng quân ở đảo Miyako, tỉnh Okinawa vào tháng 8/2017 để triển khai lực lượng cảnh giới và tên lửa của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất. Trước đó, trong tháng 6/2017, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ mua khu đất cần thiết để xây.

Sau việc triển khai lực lượng giám sát bờ biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất tại đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa vào tháng 3/2016, hiện nay lại xây dựng căn cứ lực lượng chiến đấu thực tế tại đảo Miyako. Do đó, công tác tăng cường phòng thủ khu vực tây nam của Nhật Bản nhằm ứng phó các mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn mới.

Trước đó, khu vực phía tây đảo Okinawa là "khoảng trống" phòng vệ, chưa triển khai Lực lượng Phòng vệ Mặt đất. Nhưng hiện đã triển khai lực lượng giám sát bờ biển ở đảo Yonaguni, hơn nữa sẽ triển khai tên lửa đất đối không, tên lửa đất đối hạm và lực lượng cảnh giới có thể nhanh chóng ứng phó chiến sự tại đảo Miyako và đảo Ishigaki.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tổ chức họp dân ở thành phố Ishigaki để trình bày về kế hoạch, tiến hành trao đổi ý kiến lần cuối cùng để đạt được đồng thuận của thành phố này.

Tên lửa đất đối hạm Type 12 Nhật Bản. Ảnh: People
Tên lửa đất đối hạm Type 12 Nhật Bản. Ảnh: People

Đối với vấn đề triển khai lực lượng ở đảo Miyako, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã dành 10,8 tỷ yên (khoảng 98 triệu USD) tiền ngân sách năm tài khóa 2016 để mua đất... Nhưng do một bộ phận người dân địa phương còn phản đối, thỏa thuận với phía địa phương chưa đạt tiến triển, chưa thể có đất xây dựng. Hơn một nửa kinh phí đã được chuyển vào ngân sách năm tài khóa 2017.

Vấn đề triển khai lực lượng đã trở thành tiêu điểm trong cuộc bầu cử thị trưởng tổ chức vào tháng 1/2017. Tháng 6/2016, Thị trưởng thành phố bày tỏ đồng ý triển khai lực lượng, đồng thời ông cũng đã tái cử. Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đã có khả năng thúc đẩy kế hoạch liên quan.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cố gắng sớm kết thúc công tác khảo sát khu vực đóng quân. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán đất, sẽ bắt đầu dọn mặt bằng vào tháng 8/2017. Nếu công tác xây dựng hạ tầng khu vực đóng quân được thúc đẩy có hiệu quả thì có thể hoàn thành trong thời gian 3 năm, đến năm 2020 sẽ có thể triển khai lực lượng.

Eo biển Miyako nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, chỗ rộng nhất khoảng 300 km. Muốn ngăn chặn tàu chiến Hải quân Trung Quốc ra vào, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản phải triển khai tên lửa đất đối hạm Type 12 (tầm bắn khoảng 200 km) trên đảo Okinawa và đảo Miyako. Nếu không, Nhật Bản sẽ không thể kiểm soát được toàn bộ eo biển. Vì vậy, triển khai lực lượng khống chế khu vực đã trở thành vấn đề cấp bách.

Nhật Bản triển khai hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 12 ở đảo Miyako. Ảnh: People
Nhật Bản triển khai hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 12 ở đảo Miyako. Ảnh: People

Triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở hướng tây nam

Trước đó, theo tiết lộ của một báo cáo do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ công bố ngày 28/5, Nhật Bản đã tăng cường triển khai quân sự ở phương hướng biển Hoa Đông.

Ngoài triển khai nhân viên và tên lửa chống hạm của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Nhật Bản còn đang tích cực thúc đẩy nâng cấp khả năng chống tên lửa đạn đạo ở các đảo hướng tây nam.

Nhật Bản vừa triển khai một radar phòng thủ tên lửa ở đảo Okinawa. Bước tiếp theo, Nhật Bản có kế hoạch tiến hành nâng cấp radar phòng không cố định hiện có ở đảo Miyako và đảo Okinoerabu để có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn có kế hoạch xây mới một radar cảnh báo sớm cơ động ở đảo Amami Oshima.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng trước đây Nhật Bản chủ yếu triển khai lực lượng chống hạm ở các đảo tây nam nhằm tiến hành phong tỏa đối với hoạt động ra vào của tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc. Hiện nay, Nhật Bản còn chưa triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, do hệ thống này thường có radar sóng ngắn X.

Tuy nhiên, cùng với việc tiếp tục tăng cường khu vực đóng quân và xây dựng quân sự, Nhật Bản rất có thể sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở hướng tây nam. Điều này sẽ gây ra mất cân bằng chiến lược nhất định đối với Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm biện pháp đáp trả.

Tên lửa phòng không kiểu đánh chặn SM-3 Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản mua của Mỹ. Ảnh: People
Tên lửa phòng không kiểu đánh chặn SM-3 Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản mua của Mỹ. Ảnh: People