Nhân sự cho các chức danh nhà nước được chuẩn bị thế nào?

Các nguồn tin cho biết phương án được đưa ra thảo luận lần này liên quan tới hầu hết các chức danh nhà nước, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH, tới các cấp phó, các bộ trưởng trong Chính phủ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ban chấp hành Trung ương khóa XII nghe Bộ Chính trị trình bày về việc giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước để trình Quốc hội (QH) bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp lần thứ 11, QH khóa XIII và thảo luận về các nội dung này.

Các nguồn tin cho biết phương án được đưa ra thảo luận lần này liên quan tới hầu hết các chức danh nhà nước, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH, tới các cấp phó, các bộ trưởng trong Chính phủ. Các nhân sự cụ thể này được Bộ Chính trị xây dựng bám sát phương hướng công tác nhân sự mà Đại hội XII đã thông qua. Theo đó, mỗi vị ủy viên BCH Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều gắn với một chức danh cụ thể trong Đảng hoặc trong Nhà nước.

Chẳng hạn, ở các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH, khi đại hội bầu ra ủy viên Trung ương, rồi Trung ương bầu ra Bộ Chính trị thì đều dự kiến các ông Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử vào các vị trí này.

Tuy nhiên, giới thiệu chính thức lại thuộc thẩm quyền của BCH Trung ương. Điều đó sẽ được quyết định ngay tại hội nghị này để kịp trình QH bầu ngay. Bởi đây đều là các chức danh cao nhất của Nhà nước, trong khi các vị đương nhiệm đều không tái cử Trung ương.

Với các phó thủ tướng, các bộ trưởng không tái cử, phần nhiều sẽ được xem xét để Bộ Chính trị giới thiệu ra QH để miễn nhiệm và phê chuẩn các ủy viên Trung ương khác thay thế. Bởi Chính phủ điều hành công việc hằng ngày, cần có sự lãnh đạo trực tiếp, kịp thời của Đảng.

Đây là điểm khác với định hướng công tác nhân sự cho QH. Bởi QH thì mỗi năm họp có hai lần. Công việc của QH chủ yếu là giám sát, làm luật, không điều hành trực tiếp như Chính phủ. Mặt khác, nhân sự cho QH lại đòi hỏi dứt khoát phải là đại biểu QH. Vì thế, với những ủy viên Trung ương mà dự kiến sẽ giới thiệu ra QH để bầu vào chủ nhiệm các ủy ban thì nhiều khả năng sẽ phải đưa ra ứng cử làm đại biểu vào kỳ bầu cử tới. Tới khi trúng cử mới làm thủ tục tiếp để giới thiệu ra QH, tại kỳ họp đầu tiên của khóa mới, bầu vào cương vị chủ chốt.

Tuy nhiên, sẽ có những vị trí mà do đã có điều động, phân công của Bộ Chính trị mà cần kiện toàn ngay. Chẳng hạn như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được phân công về bí thư Thành ủy Hà Nội và TP.HCM… Các chức danh này đều quan trọng và một người không thể kiêm nhiệm quá lâu cả hai chức vụ. Như thế sẽ phải có các ủy viên Trung ương khác để giới thiệu, ra QH bầu, phê chuẩn ngay và nhận bàn giao công việc…

Thẩm quyền hiến định của QH là sau khi bầu cử xong, tại kỳ họp đầu tiên, QH sẽ bầu ra bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới. Vậy nên công tác nhân sự mà Trung ương thảo luận để giới thiệu ra QH quyết định tại kỳ họp thứ 11 tới - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này, chỉ nhằm kiện toàn những vị trí cần thiết nhất và đã có sự sẵn sàng về nhân sự dự kiến. Phần còn lại sẽ tiếp tục được Bộ Chính trị chuẩn bị, chờ sau bầu cử báo cáo Trung ương cho ý kiến, quyết định.

Theo PLTP