Nguyên Thứ trưởng công khai phản đối dự án thép Cà Ná

VietTimes -- GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết ông đã phản đối dự án này ngay từ đầu.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Tại Tọa đàm "Làm ăn gì năm 2017" sáng 10/12, GS Nguyễn Mại cho biết, dự án thép Cà Ná Hoa Sen đã được trình, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương mời chuyên gia đánh giá. Trong đó, ông cũng là người được mời. Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại là một trong số những chuyên gia đã phản đối dự án này ngay từ khi thông tin những đầu tiên được công bố.

Theo GS Nguyễn Mại, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua. Do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép.

Ông cũng cho rằng, cần tập trung vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Theo ông Mại, Việt Nam không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ, 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn, vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, Trung Quốc đang dư thừa công suất thép cực kỳ lớn (dự kiến 1.600 triệu tấn/năm) nên buộc họ tăng tốc độ bán hàng để tránh lãng phí đầu tư. Bởi vậy, nếu Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) muốn xây dựng dự án này để cạnh tranh buôn bán thép với Trung Quốc thì câu hỏi đặt ra là liệu có cạnh tranh được không?

Tại buổi Đại hội cổ đông bất thường của HSG diễn ra vào tháng 9/2016 vừa qua, các cổ đông đã cho ý kiến về dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận của doanh nghiệp này. Đã có 100% cổ đông đang sở hữu hơn 134 triệu cổ phần (làm tròn) tham dự đại hội của HSG đều thông qua các nội dung này.

Theo tờ trình HĐQT HSG gửi đến cổ đông, Ban Giám đốc công ty đề  xuất nhà đầu tư thông qua chủ trương triển khai đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn/năm. Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cho rằng: “những gì dư luận thể hiện trong thời gian, có không ít trong đó chỉ muốn ném đá, thọc gậy bánh xe, đố kỵ với HSG”.

Được biết, đầu tháng 12/2016, Bộ Công Thương đã có dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, chính thức nhắc tới dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Dự thảo nêu rõ: Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Nhưng tổng thể, dự án này dự kiến được đầu tư thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031.

Theo bản tin Hiệp hội Thép tháng 12/2016, tình hình nhập khẩu: Lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu tháng 10/2016 đạt hơn 1,9 triệu tấn, với kim ngạch nhập khẩu hơn 830 triệu USD. Tính chung tổng lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 1/1/2016 đến 31/10/2016 hơn 15,8 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,62 tỷ USD.

Tình hình xuất khẩu: Tháng 10/2016: Việt Nam xuất khẩu hơn 332 ngàn tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 205 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm 2016,  tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,99 tỷ USD.