Nguyễn Hòa Bình: Khởi nghiệp ngay từ khi là sinh viên không có gì quá áp lực

VietTimes -- Ngay từ năm 2001, khi đang là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chàng sinh viên Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1981 đã lập Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (Peace Soft). Theo anh, cũng không có gì là quá áp lực về học tập khi đó vì rất nhiều kiến thức đã phải tự học từ trước.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Doanh nhân trẻ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Không hề quá áp lực khi còn là sinh viên

Mới là sinh viên năm thứ 2, Nguyễn Hòa Bình đã dũng cảm thành lập doanh nghiệp. Với Công ty Peace Soft khi đó, bản thân giám đốc cũng chính là nhân viên duy nhất. Theo anh, vừa làm doanh nghiệp vừa đi học cũng không có gì là quá áp lực vì để theo đuổi kinh doanh trong lĩnh vực CNTT bởi rất nhiều kiến thức đã phải tự học trước so với chương trình đào tạo của nhà trường. Do đó, anh vẫn đảm bảo kết quả học tập mà không hề ảnh hưởng gì đến hoạt động doanh nghiệp của mình và vẫn đảm bảo số giờ lên lớp theo quy định. Trong khi đó, với các sinh viên khác vừa đi học vừa làm thuê thì khó mà đảm bảo được việc học hành và việc phải nghỉ học một số giờ học nhất định cũng là chuyện dễ hiểu. Rất nhiều sinh viên vì bận rộn làm thêm nên cũng chỉ giành thời gian học thực sự lúc ôn thi học kỳ. Đó chính là điểm yếu của họ so với những người dám mở doanh nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Trong những năm đó Peace Soft cũng lớn dần và cũng có thêm thành viên nhưng tất cả đều hoàn toàn không có lương mà chỉ có thưởng sau những hợp đồng đã được khách hàng thanh toán. Để có được những hợp đồng này, Peace Soft phải chủ động đến với khách hàng và chính ông chủ vừa là người đi giao dịch vừa là người viết phần mềm. Và điều đáng mừng là các sản phẩm của Peace Soft không chỉ vừa lòng khánh hàng mà còn giành được một số giải thưởng như VIFOTECH, Trí tuệ Việt Nam, Imagine Cup...

Với hơn 2 năm rưỡi hoạt động, Peace Soft hoàn toàn không có trụ sở và mọi giao dịch là phải đến tân nơi với khách hàng hoặc hẹn nhau ra quán cà phê. Anh Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tế là không ít sinh viên đã bước ra thương trường khi còn đang đi học. Tuy nhiên, về cơ bản thì họ hoạt động mang tính không chuyên nghiệp và phải sử dụng pháp nhân của doanh nghiệp đỡ đầu. Riêng với Bình, việc khởi nghiệp phải được khẳng định. Vì thế, công ty Peace Soft được thành lập và tất cả các thành viên đều quyết tâm dấn thân, khẳng định mình. Tuy nhiên, đến lúc phải làm tốt nghiệp thì Peace Soft cũng đành tạp đóng cửa với thời gian ngắn nhất có thể để rồi sau đó phải hoạt động một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Bước vào thị trường thương mại điện tử

Tốt nghiệp đại học xong, Nguyễn Hòa Bình có đủ thời gian và tâm trí hơn cho doanh nghiệp của mình. Peace Soft khi đó đã được cổ phần hóa, thuê văn phòng nghiêm chỉnh, hẳn hoi. Và đến năm 2004, Peace Soft đầu tư xây dựng trang web www.chodientu.com mà sau này là www.chodientu.vn. Điều mà Peace Soft tự hào nhất là vào năm 2005, họ trở thành 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được nhận vốn từ Quỹ đầu mạo hiểm của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Venture Vietnam). Từ một sàn giao dịch TMĐT duy nhất, PeaceSoft đã phát triển thành một hệ sinh thái đa dịch vụ bao gồm Cổng thanh toán - Ví điện tử NgânLượng.vn, Cổng mua sắm xuyên biên giới eBay.vn, Cổng chuyển phát hàng hóa ShipChung.vn và hợp tác với nền tảng hạ tầng kho vận BoxMe.vn…

Nguyễn Hòa Bình: Khởi nghiệp ngay từ khi là sinh viên không có gì quá áp lực ảnh 1Không gian làm việc của NextTech (ảnh do NextTech cung cấp)

“Với chiến lược mà chúng tôi gọi là “Chiến tranh nhân dân trong kinh doanh”, nếu tập đoàn Alibaba là cá sấu sông Dương Tử như lời Jack Ma nói thì PeaceSoft Group sẽ là một đàn cá hổ sẵn sàng đương đầu và cạnh tranh sòng phẳng tại thị trường Việt Nam”, Nguyễn Hòa Bình tự tin khi được hỏi về nguy cơ cạnh tranh với đại gia đến từ Trung Quốc sắp tới.

Năm 2014, Peace Soft Group được chuyển đổi thành NextTech – một tập hợp doanh nghiệp đa quốc gia với tham vọng chiếm lĩnh thị trường thương mại số (D-Commerce) không chỉ ở Việt Nam mà là toàn Đông Nam Á. Hiện nay, NextTech đang bảo trợ cho khoảng 20 nhóm khởi nghiệp về CNTT trên không gian chung của mình. Các nhóm khởi nghiệp này có pháp nhân độc lập hẳn hoi và được hỗ trợ về công nghệ, tiền vốn và thương mại hóa sản phẩm. Hệ sinh thái NextTech hiện có 600 nhân viên tại 7 quốc gia trong 3 lĩnh vực chính: Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính và Dịch vụ hậu cần; với sản lượng giao dịch năm 2017 ước đạt 500 triệu USD và doanh thu 90 triệu USD. NextTech đang hoạt động tại 8 văn phòng trên toàn cầu tại Hà Nội, TPHCM (Việt Nam), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), San Jose (bang California, Mỹ) và Quảng Châu (Trung Quốc).

Năm 2015, NextTech đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành doanh nghiệp có trị giá tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Nhưng đến đầu 2017 thì NextTech đã thay đổi mục tiêu đó và đặt ra mục tiêu khác nhân văn hơn đó là: “NextTech Group đặt mục tiêu trong tương lai sẽ trở thành bệ phóng giúp cho 100 doanh nhân công nghệ đạt được thành công tại Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế”.

Điều tâm huyết mà Nguyễn Hòa Bình muốn gửi gắm đến các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh là hãy dấn thân. Tuổi trẻ phải dấn thân, đừng ngại khó, đừng ngại khổ, đừng sợ thất bại. Thất bại sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn và thành công đạt được sau những lần thất bại sẽ lớn hơn và vững chắc hơn.