Nghịch lý: Giải cứu nông sản Việt, nông sản Trung Quốc vẫn chiếm chợ

Trong khi nông sản Việt ế ẩm, rớt giá, người nông dân Việt khóc ròng thì tại nhiều chợ ở Hà Nội, hàng Trung Quốc lại bày bán ê hề, áp đảo hàng trong nước.
Hành, gừng, tỏi Trung Quốc áp đảo tại chợ đầu mối
Hành, gừng, tỏi Trung Quốc áp đảo tại chợ đầu mối

Khi bước vào vụ thu hoạch chính, giá hành Sóc Trăng rớt mạnh, chưa tới 5.000 đồng/kg, thậm chí loại củ nhỏ chỉ 4.000 đồng, khiến người trồng lỗ nặng. Hay đang vào thời kỳ thu hoạch cao điểm, nhưng gần như toàn bộ sản lượng hành tây Đà Lạt cũng không tiêu thụ được. Giá hành tây loại một ở Đà Lạt hiện từ 2.000 đến 2.300 đồng một kg, loại hai chỉ 1.000-2.000 đồng, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trước đó, vào giữa tháng 4, dưa hấu Quảng Ngãi cũng rớt giá thảm hại khi chỉ còn 500 đồng/kg.

Trong khi nhiều nông sản Việt đang lao đao, phải trông chờ vào những cuộc giải cứu thì những nông sản cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường và còn được bán với giá cao.

Tại chợ đầu mối Hoàng Mai, hành tây, hành củ, tỏi, gừng, rau củ Trung Quốc vẫn bày bán tràn lan, áp đảo hàng trong nước. Thậm chí nhiều mặt hàng còn có giá cao hơn hàng Việt Nam. Đơn cử, hành tây Trung Quốc có giá 8.000-10.000 đồng một kg, còn hành tây Việt Nam chỉ 6.000 đồng/kg. Tỏi Trung Quốc giá 27.000 đồng/kg, tỏi ta giá 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Gừng ta và gừng Trung Quốc có giá ngang nhau, 30.000 đồng/kg. Hành củ ta và hành củ Trung Quốc đều có giá 15.000 đồng/kg.

Đáng nói, dù giá hành Sóc Trăng ở mức rất rẻ nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy bán tại chợ đầu mối này. Theo các tiểu thương, thời gian vừa qua giá hành tím, hành tây rớt mạnh nhưng chi phí vận chuyển lớn, giá thường bấp bênh, chỉ rẻ khi được mùa còn bình thường thì vẫn cao hàng Trung Quốc nên họ không muốn nhập về. Ngoài ra do mẫu mã đẹp, dễ chế biến, bảo quản nên các tiểu thương vẫn thích nhập hàng Trung Quốc hơn.

Nghịch lý: Giải cứu nông sản Việt, nông sản Trung Quốc vẫn chiếm chợ ảnh 1
Gừng ta (trên) và gừng Trung Quốc (dưới)

Chị Yến, một tiểu thương chuyên bỏ sỉ các mặt hàng hành, tỏi tại chợ đầu mối Hoàng Mai cho biết, mặc dù bán cả hai loại hàng nông sản khô của Trung Quốc, Việt Nam nhưng hàng Trung Quốc có ưu điểm mẫu mã đẹp, dễ bảo quản, giá cả ổn định nên vẫn được các nhà hàng mua với số lượng lớn. Mỗi ngày chị tiêu thụ hàng trăm kg về các chợ. 

Còn hàng Việt chủ yếu các gia đình mua nhỏ, lẻ, số lượng ít, ngày nhiều cũng chỉ bán được vài chục kg. Thông thường chị thường bóc sẵn tỏi, hành để các nhà hàng đến lấy. So với hàng ta thì hành tỏi Trung Quốc tép to dễ bóc vỏ hơn. Hay như gừng Trung Quốc không thơm bằng gừng ta nhưng củ to, chắc, dễ cạo vỏ, bảo quản lâu nên vẫn được các nhà hàng ưa chuộng, mặc dù giá thành ngang với hàng Việt.

“Chỉ có hành tây Đà Lạt đang vào vụ, giá rẻ nên đợt này chúng tôi nhập số lượng nhiều. Nhưng khoảng vài tháng nữa thì chỉ có hành tây Trung Quốc thôi”, chị Yến cho biết.

Do hành, tỏi Trung Quốc củ to, dễ bóc vỏ nên được các nhà hàng mua với số lượng lớn.
Do hành, tỏi Trung Quốc củ to, dễ bóc vỏ nên được các nhà hàng mua với số lượng lớn.

Không chỉ có chợ đầu mối lớn mà tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, mặt hàng Trung Quốc cũng được bày bán tràn lan.

Tại chợ Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Hà, một tiểu thương tại chợ cho biết, một số mặt hàng rau củ quả như khoai tây, cà rốt…khó phân biệt được đâu là hàng ta đâu là hàng tàu. Còn các loại hàng gia vị thì dễ hơn. Hành, tỏi Trung Quốc nhìn vào là phân biệt được ngay. Hiện tại giá các mặt hàng nông sản như hành, tỏi, cà rốt, gừng…của ta và của Trung Quốc có giá không chênh nhau đáng kể, dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg.

Cầm trên tay hành tây Đà Lạt và hành tây Trung Quốc để minh chứng, chị Hà phân trần: “Đấy, em cứ nhìn xem, hành tàu đẹp thế này chứ hành tây của mình khách mua toàn chê xấu, củ nhỏ. Gía đắt hơn vài nghìn hơn. Vì thế hành tàu vẫn bán chạy hơn là thế. Mà thực ra giờ cũng chả thấy ai hỏi hàng tàu hay hàng ta nữa, cứ thấy rẻ, đẹp là mua thôi”, chị Hà nói.

Theo: InfoNet