Nghẽn vốn 67: Tiền tắc, dân thiếu tàu ra khơi

“Hầu hết các chủ dự án đóng tàu vỏ thép đều có nhu cầu điều chỉnh thiết kế mẫu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) phê duyệt.
Những “Tàu 67” đã có, nhưng chưa nhiều, mặc dù ngư dân muốn được vay vốn và ngân hàng cũng luôn sẵn sàng.
Những “Tàu 67” đã có, nhưng chưa nhiều, mặc dù ngư dân muốn được vay vốn và ngân hàng cũng luôn sẵn sàng.

Việc này làm kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế đối với chủ tàu. Trên cơ sở thiết kế, dự toán được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ngân hàng sẽ tiến hành ký hợp đồng tín dụng. Bởi vậy từ khi có danh sách phê duyệt, đến lúc ký hợp đồng cho vay phải có một quá trình chứ không phải có danh sách là vay được vốn ngay…”.

Đó là khẳng định của ông Ngô Tấn - Phó Ban chỉ đạo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách theo NĐ 67 do NHNN và Ban chỉ đạo 67 tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức.

 Nỗ lực, trách nhiệm

 Tổng số lượng tàu cá đóng mới, nâng cấp được Bộ NN&PTNN phân bổ cho 28 tỉnh, thành phố là 2.284 chiếc, trong đó có 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần cho những ngư dân đã được phê duyệt vay. Kế hoạch là thế nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định 67.

 Tại các địa phương, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực tiếp cận với ngư dân. Phó giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam, Trần Quang Hổ cho biết, NHNN đã chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn chủ động tiếp cận các chủ tàu.

 “Tính đến ngày 14/4/2015, tại Quảng Nam, các NHTM đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 3 tàu cá tại địa phương với tổng giá trị cam kết đầu tư là 28,06 tỷ đồng”, ông Hổ cho biết. Còn tại tỉnh Bình Định, ngoài sự phối hợp tích cực với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách tín dụng theo NĐ 67, NHNN Chi nhánh Bình Định còn thông báo số điện thoại thường trực của NHNN Chi nhánh tỉnh để tiếp nhận và xử lý kịp thời những vướng mắc của người dân và các NHTM liên quan.

Bên cạnh đó, Chi nhánh còn tổ chức khảo sát, tiếp cận để nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng nhằm khai thác thông tin về số khách hàng có nhu cầu vay vốn lưu động và đóng tàu. “Các NHTM trên địa bàn đã tiếp nhận 14 hồ sơ vay vốn, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 4 chủ tàu, tổng số tiền 61 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân cho 1 chủ tàu với số tiền 1,45 tỷ đồng (cho vay ứng trước). Các trường hợp còn lại hiện đang thi công đóng tàu sau khi có biên bản nghiệm thu (từng phần) sẽ tiến hành giải ngân”, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định Phan Phú Hải cho biết.

“Tàu 67” có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước, nhưng giữa ngân hàng và ngư dân vẫn là quan hệ vay, trả, phải đảm bảo hiệu quả
“Tàu 67” có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước, nhưng giữa ngân hàng và ngư dân vẫn là quan hệ vay, trả, phải đảm bảo hiệu quả

 Tiền đợi tàu. Vì sao?

Ngư dân Đỗ Văn Thành xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) - người đã có gần 20 năm làm nghề đi biển chia sẻ: Dựa trên thiết kế mẫu tàu 600 CV của Bộ NN&PTNT, tôi và 3 ngư dân nữa ở cùng quê đang làm thủ tục vay vốn tại BIDV chi nhánh Quảng Nam đóng tàu sắt 829 CV. Vì cùng đóng tàu sắt tại Công ty Việt Hàn ở Hải Phòng, được công ty hỗ trợ nên ngư dân tiết giảm được chi phí. “Giá trị tàu sắt của tôi 13,5 tỷ đồng. Ngân hàng thông báo có thể cuối tháng 4/2015 sẽ ký hợp đồng tín dụng. Tôi đang mong đợi từng ngày để sớm được sử dụng chiếc tàu sắt 67 vươn khơi đánh bắt xa bờ”, anh Thành vui mừng chia sẻ.

Những “Tàu 67” đã có, nhưng chưa nhiều, mặc dù ngư dân muốn được vay vốn và ngân hàng cũng luôn sẵn sàng. Vậy đâu là “điểm nghẽn” vốn tín dụng NĐ 67? Để tìm câu trả lời này, phóng viên đã “tháp tùng” đoàn cán bộ ngân hàng đến tỉnh Quảng Nam. Thực tế cho thấy, “nút thắt” chính nằm ở khâu thiết kế mẫu tàu và quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương, vốn đối ứng của ngư dân.

Ông Ngô Tấn, Phó Ban chỉ đạo NĐ 67 tỉnh Quảng Nam cho biết: “21 mẫu tàu của Bộ NN&PTNT cũng đại diện cho các vùng biển trên cả nước, tuy nhiên do từng chủ tàu với kinh nghiệm, ngư trường, ngư dân muốn đóng tàu phù hợp với ngư trường đã quen để điều khiển con tàu được tốt nhất, nên vô hình trung làm kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế đối với chủ tàu. Do vậy, việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và các NHTM còn nhiều khó khăn vì chưa thống nhất được cách tính toán đánh giá phương án vay vốn khi chưa có thiết kế tàu, dự toán chi phí, hợp đồng đóng tàu”.

Về vốn đối ứng, theo quy định mức vốn tự có được quy định tối thiểu là 5% đến 30%, tùy từng loại tàu. Tương ứng với thực tế thì chủ tàu phải đảm bảo mức vốn đối ứng từ 450 triệu đồng đến trên 2 tỷ đồng/tàu vay vốn 67. Để có được mức vốn tự có trên, chủ tàu chỉ có thể dựa vào tài sản nhà đất hoặc tàu cá đang sử dụng. Tuy nhiên, giá trị nhà đất tại các vùng nông thôn ven biển rất thấp. Người dân vùng ven biển xây dựng nhà theo hồ sơ đã được cấp phép nhưng do thói quen và tâm lý ngại làm thủ tục hồ sơ nên phần lớn khách hàng chưa làm thủ tục chứng minh quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Do vậy thủ tục pháp lý để vay vốn không đảm bảo. Bên cạnh đó, tàu cũ đang sử dụng cũng thường có giá trị rất thấp.

“Để có tiền đối ứng làm thủ tục vay vốn đóng tàu, một số ngư dân phải bán tàu cũ. Trong 5- 6 tháng đợi có tàu mới thì nhiều ngư dân sẽ không có việc làm”, ngư dân Huỳnh Duy Tùng xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định tâm sự.

Tàu sắt, composite vốn đối ứng thấp hơn so với tàu gỗ nên nhiều ngư dân đã chuyển sang làm thủ tục vay vốn tàu sắt, tàu composite. Tuy nhiên, tàu composite là vật liệu mới, chưa có “hình hài” một con tàu đánh cá nào cụ thể ở Quảng Nam để cho bà con ngư dân tham khảo. Ông Ngô Tấn đề xuất: các ngư dân đóng tàu composite phải hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ càng qua thực tế xem vật liệu này có phù hợp với hình thức đánh bắt của ngư dân hay không chứ không phải chỉ dựa trên “lý thuyết”. Bên cạnh đó, mẫu tàu composite Bộ NN & PTNT vẫn chưa công bố thiết kế mẫu.

Vướng ở đâu?

Qua thời gian triển khai, thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề khi ngư dân tiếp cận nguồn vốn NĐ 67. Đơn cử, theo quy định tàu vay vốn 67 để nâng cấp phải sử dụng máy mới 100%, nhưng lại không bắt buộc đối với đóng mới tàu. Bên cạnh đó là chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với đóng tàu cá vỏ thép.

Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty đóng tàu MTV Cam Ranh cho biết: Theo NĐ 67 ngư dân được hoàn thuế VAT trong trường hợp đóng tàu 400 CV trở lên. Nhưng theo Nghị định 12/2015/NĐ – CP và Thông tư số 26/2015/TT – BTC thì tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế. Do vậy đơn vị đóng tàu xuất hóa đơn cho ngư dân không có thuế VAT và thuế VAT liên quan đến tàu cá thì tính vào chi phí sản xuất. Điều này sẽ nâng giá thành đóng tàu cho ngư dân.

 Một trong những khó khăn nữa trong việc tính giá thành đóng tàu, đối với tàu vỏ thép, đó là mặc dù Bộ NN&PTNT đã đưa ra giá khái toán đóng tàu nhưng thực tế giá thành tàu thường vượt dự toán của Bộ, gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thẩm định. “Ví dụ về khối lượng thép tại dự toán mẫu tàu được Bộ NN & PTNT phê duyệt đối với mẫu tàu VM – 02 - BNN tàu lưới vây miền Trung là 70 tấn thép, thực tế triển khai lên tới hơn 98 tấn thép”, đại diện của Công ty đóng tàu MTV Cam Ranh cho biết.

Bên cạnh đó theo phản ánh thực tế tại địa phương, dự toán chi phí đóng tàu sắt có độ chênh nhau về giá rất lớn. Qua trao đổi với một số ngư dân ở Quang Nam, Bình Định được biết, kinh phí dự toán đóng tàu sắt ban đầu chỉ từ 8-10 tỷ đồng/tàu (chưa gồm ngư lưới cụ), nhưng thực tế dự toán kinh phí đóng tàu và ngư lưới cụ mà các cơ sở đóng tàu đưa ra gần 20 tỷ đồng là quá cao. Tính ra, bình quân mỗi năm ngư dân phải trả nợ vay từ 1,8 - 2 tỷ đồng, rất khó đảm bảo trả nợ ngân hàng.

 “Tàu 67” có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước, nhưng giữa ngân hàng và ngư dân vẫn là quan hệ vay, trả, phải đảm bảo hiệu quả. Khi triển khai, ngân hàng phải đặt ra mục tiêu, không những thu hồi được nguồn vốn cho vay ra mà còn phải gia tăng lợi ích kinh tế cho các địa phương. Vì nếu hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ phát triển sẽ tạo động lực để địa phương tổ chức lại mô hình sản xuất, các dịch vụ đi kèm về hạ tầng cơ sở…mang lại nhiều lợi ích cho người dân sống với biển, vì biển.

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Võ Minh Tuấn cho biết, hiện đã có 22/28 UBND tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách cho 805 tàu, chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể để vay vốn ngân hàng. Tính đến 14/4 các NHTM đã ký hợp đồng để đóng mới, nâng cấp 26 tàu với tổng số tiền là hơn 232 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm. Tài sản bảo đảm chính là con tàu đóng mới, nâng cấp được hình thành từ vốn vay, NHTM không yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản thế chấp khác. Mức cho vay đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của khách hàng từ 60 – 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu, dư nợ đạt hơn 60 tỷ đồng.

Theo Vietnamnet