Nghề liên quan đến bất động sản có mức lương cao nhất

VietTimes -- Trong năm 2016, ở cấp bậc quản lý, giám sát nhóm nghề bất động sản dẫn đầu trong bảng xếp hạng khi có mức thưởng trung bình năm là 65 triệu đồng; đối với cấp bậc chuyên viên, kỹ sư là 16 triệu đồng và cấp bậc nhân viên, kỹ thuật viên là 7,350 triệu đồng.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Đây là kết quả của báo cáo khảo sát lương 2016 của gần 300 doanh nghiệp và 106.925 người lao động thuộc 16 ngành trong phạm vi cả nước do Công ty Tư vấn Macconsult công bố ngày 14-12, tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Macconsult, đứng sau nghề bất động sản là nghề dược phẩm với mức thưởng trung bình năm là 55 triệu đồng ở cấp bậc quản lý, giám sát và 12,750 triệu đồng ở cấp bậc chuyên viên, kỹ sư.

Ở nghề tài chính, tiếp thị và hàng không có mức thưởng 22,5-25 triệu đồng đối với cấp bậc quản lý, giám sát. Đáng chú ý, ở cấp bậc này nhóm nghề công nghệ thông tin không có tên trong tốp năm nhóm nghề có mức thưởng trung bình năm cao nhưng ở cấp bậc chuyên viên, kỹ sư nhóm nghề này vẫn xếp thứ tư trong bảng xếp hạng với mức thưởng trung bình 10 triệu đồng, tương đương khoảng một tháng lương.

Bà Mai cũng cho biết tiền lương của các ngành trong năm 2016 không có sự thay đổi lớn so với năm 2015 nhưng có điểm đặc biệt là ngành khách sạn, nhà hàng đã lọt vào tốp có mức lương trung bình cao.

Cụ thể, đối với cấp bậc chuyên viên, kỹ sư nhóm nghề được ghi nhận có mức lương tháng trung bình cao nhất là kiến trúc, xây dựng (12 triệu đồng); tiếp theo là nghề tư vấn, hỗ trợ kinh doanh và khách sạn, nhà hàng (với mức lương lần lượt là 10,5 triệu đồng và 10,2 triệu đồng). Nghề công nghệ thông tin đứng thứ tư (thay vì thứ ba so với năm 2015 với mức 9,25 triệu đồng) và đứng thứ năm là nghề truyền thông có mức lương trung bình là 8,5 triệu đồng.

Theo bà Mai, các ngành hot như dược phẩm, y tế, xây dựng hay bất động sản tuy có lương và thưởng cao nhưng lại có tỉ lệ nghỉ việc cũng rất lớn (11%-33%, tùy ngành). Kết quả này cho thấy sự cạnh tranh, áp lực của nhóm nghề này quá lớn nên người lao động cũng dễ nhường chỗ cho các nhân tố mới… Vì vậy, việc nhiều người lao động phải nghỉ việc là điều dễ hiểu.