Ngày mai, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự chế Type 001A ?

VietTimes -- Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc có hạ thủy vào ngày mai hay không còn phụ thuộc vào thủy triều. Tàu tự chế thứ ba sẽ lắp động cơ hạt nhân. Trong ngắn hạn, Trung Quốc cần 3 tàu dùng để "bảo vệ chủ quyền".
Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina

Hạ thủy phụ thuộc vào thủy triều
Trước ngày thành lập Hải quân Trung Quốc, tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 19/4 đã đăng tải nhiều hình ảnh mới nhất về tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A của Trung Quốc.
Nhìn vào hình ảnh, công tác sơn tàu sân bay đã cơ bản hoàn thành, cho thấy nó sắp hạ thủy. Mặc dù vậy, đảo tàu còn chưa sơn xong.
Trước đó, có tin cho rằng tàu này sẽ hạ thủy vào ngày 23/4/2017. Đây là ngày thành lập của Hải quân Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo thường lệ vào tháng 3/2017, về thông tin tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc sắp hạ thủy, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm cũng khẳng định: “Tôi tin rằng sẽ không để mọi người đợi lâu”.
Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 19/4, hiện nay, các yếu tố như môi trường thủy văn (thủy triều) không thuận lợi cho việc hạ thủy tàu sân bay.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, tàu cỡ lớn hạ thủy cần xem xét đến các yếu tố như môi trường thủy văn, đặc biệt là ảnh hưởng của thủy triều. Để bảo đảm an toàn cho hạ thủy, độ sâu của nước phải đủ, càng sâu càng an toàn.
Chẳng hạn, một chiếc tàu mớn nước 10 m, về lý thuyết thì độ sâu phải 11 m trở lên, nhưng do bị tác động bởi nhiều yếu tố khác như sóng biển, độ sâu cần 17 – 18 m mới được.

Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina

Phương châm 16 chữ
Nhìn vào tiến độ hiện nay, nhanh nhất đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu biên đội 2 tàu sân bay gồm CV-16 và CV-17. Điều này được trang tin Sina Trung Quốc ngày 19/4 cho là sẽ có ý nghĩa “phi phàm” trong việc giải quyết các “mục tiêu chiến lược” từ lâu của Trung Quốc.
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã trang bị tàu sân bay Liêu Ninh, được cải tạo từ tàu Varyag của Liên Xô, có thể chở 24 máy bay chiến đấu J-15. Tàu Liêu Ninh chạy thử lần đầu tiên vào năm 2011. Tháng 9/2012, tàu Liêu Ninh chính thức biên chế cho Hải quân Trung Quốc. Cuối tháng 12/2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc đang tự tiến hành thiết kế và chế tạo tàu sân bay thứ hai - Type 001A.
Sina cho rằng, mặc dù tàu sân bay tự chế Type 001A có tham khảo tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng những thiết kế tổng thể mang “đặc sắc Trung Quốc” đã cho thấy nó đã có rất nhiều khác biệt, nhất là ứng dụng nhiều khoa học công nghệ mới hơn. Type 001A sẽ có thể chở 28 - 26 máy bay chiến đấu J-15.
Theo Sina, vào tháng 8/2004, khi khởi động công tác nghiên cứu chế tạo tàu sân bay, Trung Quốc đã đưa ra phương châm 16 chữ: “Quy hoạch thống nhất, thực hiện từng bước, lấy mình làm chính, phát triển đồng bộ”. Từ đó, tham vọng thống trị biển của Trung Quốc từng bước được thúc đẩy vững chắc.

Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina

“Hổ giấy”
Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch chế tạo tàu sân bay với đầy tham vọng. Nhưng, theo báo cáo của cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, tàu sân bay Trung Quốc không thể thực hiện “nhiệm vụ biển xa” như tàu sân bay Mỹ, cũng không thể có khả năng điều động lực lượng chiến lược trên toàn cầu như cụm tấn công tàu sân bay Mỹ. Điều này có nghĩa là, tàu sân bay Trung Quốc chỉ là “hổ giấy”.
Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác bác bỏ, cho rằng tàu sân bay Trung Quốc sẽ “phát huy vai trò to lớn trong bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc. Nếu có kẻ nào muốn thách thức nó thì cứ thử xem”.
Doãn Trác nhắc lại tình hình huấn luyện biển xa của tàu sân bay Trung Quốc trong các năm 2016, 2017 để chứng minh rằng tàu sân bay Trung Quốc không phải là “hổ giấy”, mà là “có khả năng răn đe thực tế”. Theo ông ta thì chỉ một cuộc tuần tra của tàu Liêu Ninh cũng đã khiến cho các nước láng giềng cảm thấy rất bất an.
Doãn Trác tự tin cho rằng: Tàu ngầm, máy bay chiến đấu, tàu chiến các nước luân phiên tiến hành theo dõi chặt chẽ. Điều này đã chứng minh khả năng răn đe thực tế của tàu sân bay này “đã hình thành”.

Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina
Hình ảnh nơi chế tạo tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc. Ảnh: Sina

Tàu sân bay tự chế thứ ba sẽ như thế nào
Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 20/4 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Từ Quang Dụ cho rằng tàu sân bay tự chế thứ ba của Trung Quốc sẽ trang bị động cơ hạt nhân.
Từ Quang Dụ khẳng định: “Tàu sân bay tự chế đầu tiên rất có thể tương tự tàu sân bay Liêu Ninh hiện có, trang bị động cơ thông thường và áp dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu. Vì vậy, tàu sân bay tự chế thứ hai rất có thể áp dụng cất cánh bằng máy phóng… Nhưng, tàu sân bay tự chế thứ ba sẽ được lợi từ đột phá công nghệ quan trọng, thậm chí sử dụng động cơ hạt nhân”.
Từ Quang Dụ dự đoán, tàu sân bay tự chế thứ ba của Trung Quốc còn có thể trang bị máy phóng điện từ. “Tiến triển trong nghiên cứu phát triển tàu sân bay của Trung Quốc chậm, nhưng vững chắc. Từ chế tạo trang bị đến huấn luyện binh sĩ, toàn bộ đều được tiến hành từng bước”.
Nhìn vào chiến lược của Trung Quốc, công tác nghiên cứu chế tạo tàu sân bay sẽ thực hiện theo 3 bước: Bước thứ nhất là chế ra tàu sân bay sao chép từ tàu Varyag. Bước thứ hai là chế ra tàu sân bay trang bị máy phóng. Bước thứ ba là chế ra tàu sân bay lắp động cơ hạt nhân.
Trung Quốc cần bao nhiều tàu sân bay mới đủ?
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 21/4 dẫn lời chuyên gia Mỹ cho rằng, hiện nay, vai trò của tàu sân bay “không phải là khả năng tấn công, mà là khả năng răn đe”.
Sina đánh giá: Chi phí chế tạo một chiếc tàu sân bay lên tới 20 – 30 tỷ nhân dân tệ, đồng thời còn cần khoảng 20 tỷ nhân dân tệ cho đạn dược và máy bay trên tàu sân bay. Ngoài ra, chi phí bảo trì trong khoảng 50 năm cần ít nhất khoảng 200 tỷ nhân dân tệ…

Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Sina

Vì vậy, không thể chỉ nhìn vào số lượng để xem xét chiến lược biển của Trung Quốc, mà cần phải nghiên cứu nhu cầu thực tế hiện nay của Trung Quốc.
Theo kiến trúc sư trưởng của tàu sân bay Liêu Ninh, trong ngắn hạn, Hải quân Trung Quốc cần ít nhất 3 tàu sân bay là một con số rất xác đáng, về trung và dài hạn thì càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, Mỹ cũng không thể một lần tập trung tới 7 hạm đội lớn ở khu vực xung quanh Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc chế tạo bao nhiêu tàu sân bay không có liên quan trực tiếp đến 7 hạm đội lớn của quân đội Mỹ có bao nhiêu tàu sân bay.
Hơn nữa, Trung Quốc tác chiến ở “lãnh thổ của mình”, có sự hỗ trợ của lực lượng tên lửa mạnh, căn bản không phải lo ngại 7 hạm đội lớn của Hải quân Mỹ - Sina tự tin khẳng định.