Nga-Trung: Đồng minh tình thế, đối thủ tiềm tàng

Trong lịch sử quan hệ song phương Trung -Nga có đủ thăng trầm, có cả những thời kỳ “anh em hữu nghị”, cả những giai đoạn đối đầu vũ trang. Thời kỳ hiện nay cả hai nước coi là “đối tác chiến lược và hợp tác” ở đỉnh cao phát triển của nó. Nhưng đó là về mặt chính thức...
Quan hệ Nga-Trung bề ngoài có vẻ khá nồng ấm nhưng thực chất bên trong là sự cạnh tranh, đề phòng
Quan hệ Nga-Trung bề ngoài có vẻ khá nồng ấm nhưng thực chất bên trong là sự cạnh tranh, đề phòng

Người Trung Quốc thường không có những quyết định vội vàng. Nhưng nếu như họ đã quyết cái gì thì họ sẽ không muốn hài lòng với những thứ nhỏ bé. Nhưng có nên trông mong vào việc Trung Quốc sẽ thiết lập tình bạn khí đốt và quan hệ đối tác bình đẳng với Nga, kể cả khi đó chỉ là về mặt kinh tế hay không?

Tính đa cực chính trị và kinh tế đang gia tăng của thế giới buộc các nước thận trọng hơn khi chọn bạn bè lợi ích cho mình. Ở góc độ này, câu ngạn ngữ Trung Quốc “Đường dài mới biết ngựa hay” minh họa rất rõ câu chuyện 20 năm ký kết với Nga các hợp đồng khí đốt quy mô lớn và nhiều hợp đồng, thỏa thuận trong các lĩnh vực khác mà hai nước bây giờ mới thực hiện xong.

Kim ngạch thương mại hiện nay với Nga 89,21 tỷ USD còn số tiền không lấy gì làm to đối với Trung Quốc. Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước khác đã tăng lên đến 4,16 ngàn tỷ USD. Về chỉ số này, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thương mại lớn nhất, vượt qua cả Mỹ. Đối tác thương mại chính của Trung Quốc trong năm 2013 là EU. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang EU là 330 tỷ USD, nhập khẩu là 229,1. Đứng thứ hai là Mỹ với kim ngạch thương mại 521 tỷ USD. Giữ vị trí thứ ba là các nước ASEAN - 443,6 tỷ USD. Đứng thứ 4 là Nhật bản - 312,55 tỷ USD.

Nga chỉ nằm trong số top 10 nước đối tác thương mại của Trung Quốc, xét về chỉ số này thì đứng sau (trừ các nước và khối nêu trên) Hàn Quốc, Australia, Đài Loan và Brazil. Hiện nay, Nga xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu (kim loại, hydrocarbon, gỗ, điện) và vũ khí; còn nhập khẩu hàng thành phẩm (hàng điện tử, quần áo, giày dép...). Theo đánh giá của Goldman Sachs, kim ngạch thương mại song phương có thể tăng gấp đôi vào năm 2018, còn Nga sẽ trở thành đối tác thương mại chính của Trung Quốc trong nhóm nước BRICS.

Không chỉ có khí đốt

Trung Quốc quan tâm nhất đến ba lĩnh vực của Nga là nguyên liệu, công nghệ và... lãnh thổ. Chính là vì các lĩnh vực này, hai nước dự định không chỉ gia tăng kim ngạch thương mại, mà còn tăng cường hợp tác. Với mục đích này, cách đây không lâu đã thành lập cả hội đồng thương mai Nga-Trung Quốc mà vai trò đứng đầu được giao cho nhà tài phiệt nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, cổ đông chính của Volga Group, ông Gennady Tymchenko. Ta hãy bắt đầu từ hai lĩnh vực đầu tiên.

Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận nâng kim ngạch thương mại từ 89 tỷ USD hiện nay lên đến 100 vào năm 2015 và đến 200 vào năm 2020. Tuy vậy, khó có thể làm được việc đó bằng dầu và khí đốt. Theo đánh giá của chính phủ Nga, trong kim ngạch thương mại dự kiến cho năm sau 100 tỷ USD, tỷ trọng của nhiên liệu chiếm thậm chí dưới một nửa là gần 40 tỷ USD.

Trước hết, kể cả nếu không tính đến hợp đồng khí đốt lịch sử, quy mô hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hứa hẹn chỉ có tăng. Theo Thứ trưởng Năng lượng Nga Kirill Molodtsov, tại các cuộc đàm phán tháng 5/2014, đã ký kết 12 thỏa thuận hợp tác năng lượng. Trong khu vực dầu lửa, hai nước tập trung chú ý vào các dự án liên quan đến đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương (VSTO). Năm 2013, Nga đã bán cho Trung Quốc 15,75 triệu tấn dầu. Vào năm 2018, chỉ số này dự định tăng lên đến 30 triệu tấn.

Ngoài ra, còn có các kế hoạch hợp tác thăm dò và khai thác các mỏ, cũng như Rosneft và CNPC xây dựng một tổ hợp hóa dầu. Trước đó một chút, đã bắt đầu thực hiện dự án đầu tiên cung cấp khí đốt hóa lỏng từ Nga sang Trung Quốc của công ty Yamal-SPG, mà các cổ đông chính là Novatek, Total và một công ty con của CNPC (Trung Quốc). Vào năm 2025, Trung Quốc dự định tăng 3,7 lần khối lượng nhập khẩu khí hóa lỏng, từ 18 triệu tấn hiện nay lên đến 67 triệu tấn.

Ngoài dầu lửa và khí đốt, Nga sẽ tăng từ mức hiện nay xuất khẩu than và điện sang Trung Quốc. Chỉ trong năm 2013, Trung Quốc đã được cung cấp 26 triệu tấn than và 3,9 tỷ kWh điện năng. Ngoài ra, công ty Trung Quốc Dongfang Electric Corporation đang chuẩn bị đầu tư 78 tỷ rúp vào tổ hợp năng lượng của vùng Viễn Đông Nga. Tiền sẽ được chỉ để tái cơ cấu các cơ sở phát điện và tổ hợp lưới điện hiện có, hiện đại hóa nhà máy điện TETs-2 ở Vladivostok, cũng như phát triển năng lượng mặt trời ở Yakutya.

Liên quan đến bản thân hợp đồng khí đốt giữa Gazprom và Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC về việc cung cấp khí đốt qua đường ống “Sức mạnh Siberia” trong vòng 30 năm, giá 1.000 m3 khí đốt không được tiết lộ. Tuy nhiên, xét đến khối lượng khí đốt cung cấp (38 tỷ m3/năm) và tổng giá trị hợp đồng (400 tỷ USD), giá đó dễ dàng tính ra là 350 USD.

Theo Phó Giám đốc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và xã hội Trung Quốc thuộc Viễn Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Andrei Ostrovsky, mức giá này, nếu tính đến các ưu tiên về thuế khai thác tài nguyên khoáng sản của Nga và việc hủy thuế nhập khẩu của Trung Quốc, cái giá này hoàn toàn chấp nhận được đối với Nga. NHưng trước hết, hợp đồng này có lợi cho Nga từ góc độ triển vọng phát triển hạ tầng vùng Viễn Đông.

Việc thực hiện hợp đồng khí đốt Trung-Nga sẽ đòi hỏi tiến hành một dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt lớn nhất thế giới. Điều đó lại cho phép tạo ra những việc làm mới và làm tăng đáng kể sản xuất kim loại và ống thép. Hơn nữa, Trung Quốc ngay hiện giờ đang là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới. Năm 2013, nước này đã nhập khẩu 820 triệu tấn nguyên liệu này, lớn hơn 20% so với năm 2012. Theo dự báo, khối lượng xuất khẩu quặng sắt từ Nga sang Trung Quốc sẽ tăng và sẽ chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu.

Trung Quốc cũng có lợi với các hợp đồng năng lượng. Nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới này cũng cần các nguồn tài nguyên và sự gia tăng của chúng sẽ cao hơn GDP. Hiện giờ, vấn đề khí đốt có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc. Đặc biệt là khi tính đến ý đồ của họ giảm tỷ trọng của than trong tổng lượng tài nguyên tiêu thụ và thay thế nó bằng nhiên liệu sạch hơn về sinh thái. Đồng thời là tiến hành phát triển các nguồn năng lượng thay thế.

Hai là, trong những tháng tới sẽ bắt đầu xây dựng cây cầu đường sắt đầu tiên từ Nga sang Trung Quốc bắc qua sông Amur. Nó sẽ được bàn giao vào năm 2016. Cây cầu sẽ rút ngắn 700 km quãng đường vận chuyển các hàng hóa Nga sang Trung Quốc. Điều đó sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế song phương. Năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí nêu ra ý tưởng xây dựng với sự tham gia của Nga “vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”. Nền tảng của nó sẽ là tuyến đường sắt xuyên Âu-Á.

Xuất khẩu vũ khí Nga sang Trung Quốc có nhiều phức tạp hơn. Trung Quốc không chỉ quan tâm đến việc mua sắm, mà trước hết là quan tâm đến công nghệ. Đây thường là điểm khó khăn nhất trong đàm phán song phương. Theo ông Andrei Ostrovsky, trong thập kỷ 1990, quan hệ Nga-Trung đã được xây dựng dựa trên buôn bán vũ khí. Bây giờ, Trung Quốc không quan tâm đến vũ khí đơn thuần mà phải là vũ khí hiện đại nhất. Còn đối với các nhà cung cấp vũ khí Nga, Trung Quốc là khách hàng hấp dẫn vì khối lượng mua sắm. Tuy nhiên, vị trí số 1 của nước này trong lĩnh vực gián điệp công nghiệp buộc các đối tác phải cực kỳ cảnh giác.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc dự định mua sắm một lô lớn tiêm kích Su-35, hệ thống tên lửa phòng không S-400, cũng như các tên lửa hành trình chống hạm. Trị giá của riêng hợp đồng bán Su-35 cho Trung Quốc ước đã là 1,5 tỷ USD. Trước đó, có tin khó khăn chính trong đàm phán bán Su-35 là lo ngại Trung Quốc sao chép máy bay này. Trung Quốc đã muốn mua một lô khá nhỏ máy bay nhằm mục đích sau đó sao chép chúng.

Đã có bài học cay đắng với việc Trung Quốc sao chép các tiêm kích Su-27 và Su-33 để chế tạo J-11 và J-15, Nga không sẵn sàng có sự nhượng bộ đó. Cuộc đàm phán bán S-400 cũng đang diễn ra tương tự: Moscow lo ngại Trung Quốc sao chép trái phép hệ thống này, ngoài ra, Nga đang ưu tiên sản xuất S-400 cho quân đội của mình.

Không nghi ngờ gì nữa, các kỹ sư Trung Quốc lần này cũng sẽ sao chép Su-35 và S-400. Nhưng nếu như ngoài tiêm kích và hệ thống tên lửa phòng không, Trung Quốc sẽ còn nhận được cả tài liệu kỹ thuật thì việc sản xuất hàng nhái sẽ mất ít thời gian hơn nhiều. Các nhà đàm phán Trung Quốc cũng rất hiểu điều đó. Liệu hai bên có thể đi đến nhất trí về vấn đề này không thì không rõ. Theo ông Andrei Ostrovsky, ở đây mọi thứ sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá Trung Quốc là đồng minh của Nga đến mức nào và bản thân nước Nga muốn hướng vào ai, sang châu Á hay châu Âu.

Nhưng nếu như tình hình với việc hợp tác công nghệ song phương trong lĩnh vực chế tạo máy bay quân sự còn chưa rõ ràng thì trong lĩnh vực chế tạo máy bay dân sự, hợp tác đang phát triển nhanh hơn. Trung Quốc và Nga đã thỏa thuận hợp tác sản xuất sản phẩm công nghệ cao và kỹ thuật hàng không là các máy bay và trực thăng vận tải. Có tin, sắp tới Nga và Trung Quốc sẽ bắt tay vào phát triển một máy bay thận rộng đường dài. Trung Quốc cũng sẽ đầu tư vào sản xuất ô tô. Hai bên đã ký hợp đồng sản xuất xe ô tô địa hình tại các nhà máy ở ở tỉnh Tula. Sẽ có 150.000 ô tô được xuất xưởng.

Thuê đất làm nông nghiệp

Cuối cùng là mối quan tâm thứ ba. Đứng đầu trong các dự án phi nguyên liệu là các đầu tư vào nông nghiệp. Đúng ra là cho nông dân Trung Quốc thuê đất của Nga. Hiện tại, ở Nga có gần 400.000 hecta đất thích hợp cho canh tác đang được sử dụng sai mục đích. Người Trung Quốc đã không thể bỏ qua điều đó. “Ở Nga có lãnh thổ rộng lớn, còn ở Trung Quốc là dân tộc cần cù lao động nhất thế giới.

Nếu như chúng ta có thể kết hợp các yếu tố này thì chúng ta sẽ có được sự phát triển lớn. Nga có lãnh thổ rộng lớn và ít dân, còn ở Trung Quốc thì trái lại”, phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều. Theo các thỏa thuận đạt được hai tuần trước, người ta dự định thu hút đầu tư và lao động từ Trung Quốc để phát triển các diện tích đất nông nghiệp chưa được sử dụng, và sau đó thì gia tăng xuất khẩu sản phẩm này sang Trung Quốc.
 

Nông dân Trung Quốc đang thu hoạch bắp cải tại một nông trang tập thể đã bị phá sản ở tỉnh Sverdlovsk (Reuters)
Nông dân Trung Quốc đang thu hoạch bắp cải tại một nông trang tập thể đã bị phá sản ở tỉnh Sverdlovsk (Reuters)

Trước hết, Trung Quốc quan tâm đến đất đai ở Viễn Đông của Nga. Phó chủ tịch Trung Quốc cho rằng, Nga và Trung Quốc có thể lập ra một vùng kinh tế thống nhất ở khu vực này. “Chúng tôi biết rằng, Nga đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển Viễn Đông và ở mặt này đang coi Trung Quốc là một đối tác ưu tiên. Chính phủ Trung Quốc về phần mình thì khuyến khích giới doanh nhân của họ tích cực tham gia phát triển vùng đất này của Nga”, Lý Nguyên Triều nói.

Ông Andrei Ostrovsky cho rằng, các câu chuyện về việc cho thuê đất người ta nói đã lâu. Theo ông, không hiểu vì sao trong vấn đề này, cần dựa vào chính người Trung Quốc, chứ không phải là vào người dân Nga. Các nông sản chính của Trung Quốc là lúa gạo và đậu, trong khi đó ở Nga chỉ có 3 vùng khí hậu phù hợp với các loại cây trồng này. Hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này dĩ nhiên là có thể, nhưng đối với Nga, nơi sản xuất nông nghiệp tập trung vào lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch thì lúa gạo và đậu không phải là các cây trồng chính.

Lợi ít, hại nhiều

Trong lịch sử quan hệ song phương Trung -Nga có đủ thăng trầm, có cả những thời kỳ “anh em hữu nghị”, cả những giai đoạn đối đầu vũ trang. Thời kỳ hiện nay cả hai nước coi là “đối tác chiến lược và hợp tác” ở đỉnh cao phát triển của nó. Nhưng đó là về mặt chính thức. Nhưng liệu đối tác đó sẽ có thể là bình đẳng trên thực tế không?

Điều mà gần như ai cũng biết là việc các hợp đồng được ký kết không chỉ có tính chất kinh tế mà cả chính trị. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với Nga vốn đang muốn cho phương Tây thấy rằng, bất chấp những dự báo của các quan chức châu Âu, Nga sẽ không bị cô lập (cả về kinh tế và chính trị). Nhưng có nên trông cậy là những người Trung Quốc hay cười và không vội vã trong các quyết định không có những mưu đồ riêng đối với việc hợp tác mà họ nói đến không?

Trong giới chuyên gia có ý kiến, theo đó, quan hệ đối tác kinh tế Nga-Trung bất chấp những triển vọng tươi sáng mà người ta nói đến sẽ khó mà thực sự có lợi cho phía Nga. Chẳng hạn, theo doanh nhân, “cha đẻ của thung lũng silicon”, nhà văn Steven Blank, những thất bại chính trị và kinh tế của Nga trong việc phát triển Viễn Đông làm cho nước Nga mất đi cơ hội trở thành một đại cường ở châu Á và đóng vai trò chủ chốt ở đây. Nếu như các xu hướng này sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay thì theo ông, Nga sẽ trở thành em út của Trung Quốc và nguồn cung nguyên liệu.

Tại Ủy ban Châu Âu về quan hệ quốc tế người ta cũng cho là như vậy. Theo các chuyên gia của tổ chức này, Trung Quốc đang ở tư thế “một siêu cường đang phát triển đang ngày càng coi Nga là đối tác nhỏ”. Các kết luận đó các chuyên gia đưa ra mấy năm trước, khi Nga còn chưa nghĩ đến việc chuyển hướng kinh tế sang phía đông, nhưng phương án phát triển quan hệ đó giữa hai nước phát triển lớn nhất trong khu vực là không thể loại trừ. Một Trung Quốc đang bành trướng sức mạnh sẽ khó muốn hài lòng với vai trò một đối tác bình đẳng. Vấn đề chỉ là ở chỗ Nga sẽ trả cái giá thế nào cho việc đó.

Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên mà Tập Cận Bình đến thăm ở cương vị chủ tịch Trung Quốc, khi đó người ta đã nói rằng, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng phát triển hợp tác song phương. Nhưng cũng năm đó, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc dẫn nguồn “Báo cáo về sự phát triển châu Á-Thái Bình Dương” do Viện chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và thế giới thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc đã cho rằng, mặc dù Trung Quốc và Nga sẽ làm sâu sắc thêm sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau để đối phó với áp lực của Mỹ, khả năng khôi phục quan hệ đồng minh là rất nhỏ.

Nếu như người Trung Quốc còn có một ngạn ngữ là một tay không thể vỗ thì nay hai tay Nga và Trung Quốc chìa ra cho nhau, nhưng liệu đây là cái bắt tay bạn bè hay sự thử thách sự vững vàng đầy cạnh tranh, điều đó thời gian sẽ trả lời.

Theo VND