Nga - “Vị khách không mời” trong cuộc chiến bầu cử Mỹ

Theo giáo sư Tim Frye, chủ nhiệm khoa Chính trị học tại đại học Mỹ Columbia, chưa bao giờ nước Nga lại được nhắc đến nhiều như vậy trong một cuộc vận động tranh cử tại Mỹ, và điều đó phản ánh trực tiếp quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay.
Nước Nga và ông Putin là một chủ đề ưa thích trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016
Nước Nga và ông Putin là một chủ đề ưa thích trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016

Từ những cáo buộc của Mỹ theo đó Mátxcơva đã tung tin tặc đánh cắp email của giới lãnh đạo đảng Dân Chủ nhằm gây hại cho Hillary Clinton, cho đến cáo buộc của ứng cử viên đảng Dân Chủ nhắm vào đối thủ Donald Trump, gọi ông là một «con rối» trong tay tổng thống Vladimir Putin, rất nhiều điểm bất thường đang khuấy động cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ mà mẫu số chung chính là Nga.

Hãng tin Pháp AFP ngày 25/10 đã nêu bật bầu không khí chiến tranh lạnh đang bao trùm trở lại quan hệ Mỹ - Nga, và căng thẳng trong lĩnh vực ngoại giao đã tác động đến đời sống chính trị Mỹ. AFP nhận xét: «Ai mà nghĩ rằng nước Mỹ đang ở thời thập niên 1960 chứ không phải là năm 2016 đều được lượng thứ».

Theo ghi nhận của AFP, quan hệ Nga-Mỹ đã trở nên rất căng thẳng từ sau cuộc chiến tranh ở Ukraine năm 2014, kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào Matxcơva, và mới đây là các cuộc tấn công của không quân Nga tại Syria.

Nhân tố Nga đã bắt đầu len lỏi vào cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ vào cuối năm 2015, khi ông Putin lên tiếng ca ngợi Donald Trump là một «người thông minh và tài ba». Ông Trump, vào lúc đó vẫn chưa được chính thức đề cử, đã tâng bốc trở lại và khen ông Putin là một «lãnh đạo mạnh mẽ, trái hẳn với những gì được thấy ở Mỹ».

Tiếp đó, với sự cố hơn 20.000 email của giới lãnh đạo đảng Dân chủ bị tin tặc đánh cắp, mà Washington quy trách nhiệm cho Nga, hoặc vụ các mối quan hệ bất minh với Nga của ông Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhân tố Nga không ngừng được hai ứng cử viên nhắc đến.

Gần đây nhất là nhân cuộc tranh luận ngày 19/10 vừa qua. Ông Trump đã lặp đi lặp lại rằng chỉ có ông mới có khả năng thiết lập một mối quan hệ tốt hơn với Matxcơva bởi vì ông Putin «không hề có bất kỳ một sự tôn trọng nào» đối với bà Clinton. Ứng cử viên đảng Dân chủ đã phản pháo ngay rằng: «Đó là vì ông ta – tức là ông Putin – muốn có một con rối lên làm tổng thống Mỹ».

Theo giáo sư Tim Frye, chủ nhiệm khoa Chính trị học tại đại học Mỹ Columbia, chưa bao giờ nước Nga lại được nhắc đến nhiều như vậy trong một cuộc vận động tranh cử tại Mỹ, và điều đó phản ánh trực tiếp quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay.

Chuyên gia này phân tích, sở dĩ vấn đề Nga đã nổi cộm lên như vậy, che khuất cả các vấn đề khác như sự vươn lên của Trung Quốc, tình trạng lộn xộn tại châu Âu hay đà sụp đổ của Syria, đó là vì chưa bao giờ quan điểm của hai ứng viên đối với Nga lại khác biệt nhau như vậy. Hơn nữa, ông Trump lại có một lập trường cực đoan, hoàn toàn lệch pha so với tất cả những tên tuổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Theo chuyên gia Frye, khi khai thác yếu tố Nga, bà Clinton cũng có lợi vì sẽ tranh thủ được các cử tri gốc Đông Âu, đặc biệt là tại các bang quan trọng như Pennsylvania, Ohio và Michigan, nơi có một cộng đồng đáng kể người gốc Ukraine, Ba Lan hay từ các nước Đông Âu khác mà Nga là một chủ đề rất được quan tâm.

Theo AFP, vấn đề Nga nhúng tay vào vụ đánh cắp email của đảng Dân chủ đã bị Matxcơva cực lực bác bỏ, sự khó chịu của ông Putin đối với bà Clinton là một điều có thực, với các phương tiện truyền thông Nga liên tục chĩa mũi dùi vào tất cả những tai tiếng có liên can đến cựu ngoại trưởng Mỹ, và loan tải rộng rãi mọi tuyên bố của ông Trump có lợi cho Mátxcơva.

Nhưng với khả năng bà Clinton trở thành tổng thống tương lai của Mỹ ngày càng rõ nét, giới quan sát cho rằng Matxcơva sẽ phải trở lại với một chính sách ngoại giao truyền thống hơn.