Nga “tung đòn” đột phá trận thế Syria

VietTimes -- Ngay sau cuộc điện đàm Putin-Trump, không quân Nga đã liên tục dội bom ác liệt tại Syria. Chiến đấu cơ từ tàu sân bay Admiral Kuznetsov và tên lửa hành trình đã tấn công các mục tiêu ở Idlib và Homs. Các máy bay ném bom chiến lược tầm xa đã bay 11.000 km từ các căn cứ ở Nga để phóng tên lửa vào mục tiêu ở Syria.
Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga tấn công mục tiêu khủng bố tại Syria
Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga tấn công mục tiêu khủng bố tại Syria

Theo Russia Insider, có những dấu hiệu rõ ràng rằng cuộc thảo luận liên quan đến xung đột ở Syria giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump mới đây là một thời điểm quan trọng. Ít nhất, nó đã tạo ra một bức tường lửa chống lại chính quyền hiện nay của ông Obama. Có những tín hiệu tích cực hứa hẹn về sự hợp tác Mỹ-Nga ở Syria sau khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter gần đây đã công khai tuyên bố rằng ông sẽ khuyên tổng thống mới đắc cử phản đối bất kỳ sự hợp tác nào từ phía Nga trong việc giải quyết tình hình ở Syria. Ngược lại, trong bài diễn văn ở Beirut của đặc phái viên của tổng thống Nga ở Trung Đông và thứ trưởng ngoại giao Mikhail Bogdanov tiết lộ rằng họ có liên lạc ngầm với đội ngũ chuyển giao của ông Trump.

Chiến đấu cơ Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nga đang được cho là nuôi tham vọng phục dựng lại vị thế thời Liên Xô
Chiến đấu cơ Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nga đang được cho là nuôi tham vọng phục dựng lại vị thế thời Liên Xô

Ông Bogdanov cho biết: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt quan trọng; một đội ngũ mới đang bước đến cùng với tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Chúng ta hiện đang bắt đầu liên lạc với những người sẽ hỗ trợ tân tổng thống. Chúng ta hi vọng vào một chính quyền sắp mãn nhiệm và một chính quyền sắp tiếp quản sẽ chấp nhận sự thật rằng nếu không có Nga thì sẽ không thể giải quyết vấn đề Syria, chúng ta đã sẵn sàng để đối thoại mở”.

Đáng chú ý rằng ngay sau cuộc điện đàm Putin-Trump, máy bay của Nga đã liên tục dội bom ác liệt tại Syria. Chiến đấu cơ từ tàu sân bay Admiral Kuznetsov và tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến Nga đã tấn công các mục tiêu ở Idlib và Homs. Tiếp đó, các máy bay ném bom chiến lược tầm xa đã bay 11.000 km từ các căn cứ ở Nga để phóng tên lửa vào các mục tiêu ở Syria. Không quân Syria cũng ráo riết không kích các nhóm phiến quân ở Aleppo.

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa T-95 Nga mang tên lửa hành trình Kh-101 vừa tham gia tấn công phiến quân tại Syria
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95 Nga mang tên lửa hành trình Kh-101 vừa tham gia tấn công phiến quân tại Syria

Ngay khi chính quyền Obama bị suy giảm vị thế đến mức chỉ còn là một nhân chứng không có tiếng nói thì một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ ở Syria có vẻ như đang mở ra. Giáo sư Malcolm Chalmers, phó Tổng giám đốc viện nghiên cứu uy tín của Anh Royal United Services Institute nhận xét: “Dấu hiệu đồng cảm rõ ràng của Trump” với Vladimir Putin và sự nghi ngờ của ông Trump với các đồng minh quân sự của Mỹ “không thể được coi là tư tưởng thoáng qua”.

Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ giành lấy thành phố chiến lược phía bắc Syria là Al-Bab nhằm chiếm đoạt mọi vùng đất của người Kurd hình thành dọc biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd ở Syria sẽ giận dữ trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và cho đến nay họ vẫn là đồng minh hữu ích nhất của Mỹ ở Syria.

Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm phá vỡ trụ cột của liên minh Mỹ-người Kurd ở Bắc Syria và hình thành nên một liên minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ mới khi ông Trump nhậm chức. Tướng hồi hưu Michael Flynn, người khả năng trở thành cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump từ lâu đã ủng hộ chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Một số chuyên gia phương Tây nhận định, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào thành phố Al-Bab không thể diễn ra nếu không có sự đồng ý ngầm từ phía Nga. Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đã viện tới Nga và Nga không ngáng đường ông Erdogan. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim sắp đến Matxcova hội đàm về Syria và làm sâu sắc mối quan hệ song phương. Một bài bình luận trên VOA đã bày tỏ thái độ một cách hết sức bi quan rằng: “Việc thắt chặt quan hệ với Nga sẽ dẫn tới một số đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đặt những câu hỏi liệu lòng trung thành của Ankara nằm ở đâu.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu xích lại gần nhau sau một thời gian khủng hoảng quan hệ
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu xích lại gần nhau sau một thời gian khủng hoảng quan hệ

Hãng tin Mỹ phân tích: “Ankara vẫn đối đầu với Washington về vấn đề ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria và yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc trao trả giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ Fethullah Gulen (nhân vật bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ). Quan hệ này có thể còn căng thẳng hơn trước những suy đoán ngày càng tăng cho rằng Gulen có thể đã được phép rời Mỹ đến một nước thứ ba. Chiếc neo quan trọng với phương Tây mà Thổ Nhĩ Kỳ mất hàng thập kỷ dài cố gắng gia nhập Liên minh châu Âu đang trên bờ vực bị cắt đứt, và nỗ lực của nước này cũng đối mặt với nguy cơ sụp đổ trong bối cảnh chống phá lẫn nhau”.

Tương tự, lực lượng dân quân Shiite của Iraq được Iran hậu thuẫn đang nỗ lực đánh chiếm Tal Afar, cách Syria 60km về phía tây. Việc kiểm soát được Tal Afar sẽ cung cấp cho Iran tuyến đường bộ kết nối trực tiếp tới Syria và Li-băng. Việc dân quân ủng hộ Iran chiếm được Tal Afar sẽ là một cú đánh mạnh với Israel.