Nga "trình làng" tên lửa nhanh nhất thế giới

Nga sẽ lần đầu tiên “trình làng” hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars trong lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay. Lễ diễu binh sẽ được tổ chức vào ngày 9/5/2015 tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow.
Nga "trình làng" tên lửa nhanh nhất thế giới

“Ngày 25/2, 3 hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars đã rời khỏi căn cứ thường trực của mình ở thị trấn Teykovo ở Ivanovo và đang trên đường tới ngôi làng Alabino ở thủ đô Moscow để chuẩn bị tham gia cuộc diễu binh. Hệ thống tên lửa Yars di động sẽ di chuyến một quãng đường dài hơn 400 km”, người phát ngôn của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga – ông Igor Yegorov cho biết.

RS-24 Yars là một trong những loại tên lửa nhanh nhất thế giới, có biệt danh là “Con trai của Satan”. Về cơ bản, đây là phiên bản nâng cấp đa đầu đạn của tổ hợp tên lửa Topol-M.  

RS-24 Yars (NATO gọi là SS-29) được phát triển bởi Viện thiết kế công nghệ nhiệt Moskva, cũng chính là nơi thiết kế ra tên lửa Topol-M. Tên lửa thế hệ thứ 5 RS-24  là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo Topol-M.  

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn mục tiêu độc lập, được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa ở tầm phóng lên tới 12.000 km. 

Nó được thiết kế để mang tối đa 6 đầu đạn, với mỗi đầu đạn có thể bắn xuống các mục tiêu khác nhau. Tên lửa RS-24 Yars có chiều dài 23 mét, đường kính 2 mét, tầm bắn tối đa là 11.000 km. Phần đầu đạn tên lửa gồm bốn khối chiến đấu độc lập. Công suất đầu đạn từ 150 đến 300 kiloton.  

RS-24 Yars là tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới có tốc độ hành trình Mach 13+.  Tên lửa RS-24 Yars góp phần đáng kể để lực lượng tên lửa chiến lược Nga bảo đảm chắc chắn an ninh quốc gia trong mọi diễn biến của tình hình quốc tế.  

Tên lửa RS-24 Yars được đánh giá có khả năng "chọc thủng mọi lá chắn tên lửa" trong vòng 15-20 năm tới nhờ tốc độ bay nhanh hơn tất cả các loại tên lửa hiện hành, khả năng thay đổi linh hoạt độ cao và hướng bay khiến cho tên lửa đánh chặn của đối phương không thể tiếp cận. Tên lửa này được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 29/5/2007. Hệ thống RS-24 Yars được đánh giá là một trong những loại tên lửa nhanh nhất thế giới.

Huyền thoại đánh chặn của Nga tập trận

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nga vừa cho biết, các máy bay chiến đấu MiG-31 Foxhound của Không lực nước này đang tiến hành tập trận quân sự trên biển Barents. MiG 31 có nhiệm vụ tham gia đánh chặn và đối phó với các cuộc tấn công của kẻ thù, bằng tên lửa phòng không tại khu vực này.  

“Cuộc diễn tập được dùng để thử nghiệm khả năng phòng thủ chiến thuật của các phi đội bay, bao gồm nhiều máy bay chiến đấu MiG-31. Các loại máy bay này sẽ thực hiện vai trò đánh chặn tại khu vực Perm thuộc căn cứ không quân Sokol", người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.  

Ngoài ra, trong 2 ngày tới, 2 phi đội bay siêu tiêm kích MiG-31 cũng sẽ được tái triển khai tới sân bay Monchegorsk, trải qua quãng đường dài 1.500 km. Những máy bay chiến đấu này sẽ tiến hành tiêu diệt tên lửa và máy bay kẻ thù tại khu vực này,” một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Được biết, cuộc tập trận này sẽ kéo dài cho đến tháng 6/2015 và toàn bộ đều sử dụng tên lửa không đối không trong toàn bộ quá trình tập trận.   

Kể từ khi bùng phát xung đột ở miền đông Ukraine, NATO đã không ít lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Moscow tăng cường tập trận và về vụ "chạm trán" giữa máy bay của NATO với máy bay quân sự Nga.  
Mikoyan MiG-31 là loại máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển cho Không lực Nga. MiG-31 được mệnh danh là huyền thoại đánh chặn của Không lực Nga.  

Đây là một mẫu máy bay đánh chặn cao cấp do Phòng thiết kế Mikoyan thiết kết và chế tạo. Nó được triển khai và phát huy hiệu quả mạnh mẽ trên chiến trường của Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã.  

Máy bay tiêm kích chiến lược MiG-31 là một hệ thống vũ khí đường không được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ phòng thủ và tấn công chiến lược thuộc lực lượng tiêm kích phòng không Liên Xô và Nga. Nó được thiết kế và triển khai nhằm đáp trả nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân tầm xa từ lực lượng máy bay tấn công chiến lược, và các hệ thống vũ khí tấn công hạt nhân từ quĩ đạo thấp của Không quân Mỹ.  

Loại tiêm kích này được trang bị nhiều tính năng hiện đại như hệ thống điện tử, dữ liệu kỹ thuật số, ra-đa đa năng với hệ thống kiểm soát vũ khí cực mạnh. 

MiG-31 có thể tự tìm kiếm và hạ gục các mục tiêu trên không mà không cần đài chỉ huy từ mặt đất. Loại ra-đa mới cho phép nó có thể phát hiện mục tiêu máy bay chiến lược từ cách xa 500 km và 200 km đối với các máy bay tiêm kích, hay tên lửa có cánh, kể cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. MiG-31 được sản xuất từ năm 1979 đến 1992 với số lượng hơn 500 chiếc. Hiện nó vẫn là con át chủ bài của Không lực Nga.

Theo: VnMedia