Nga thắng thế tại Syria, Trung Đông giành lại thế siêu cường

VietTimes -- Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cố gắng để cạnh tranh trực diện với Mỹ và sau đó đã tự sụp đổ. Nước Nga hiện đại giờ đây có cách tiếp cận tinh tế hơn, và nhờ đó đã thu được lợi ích mà nước này mong muốn, National Interest khẳng định.
Cường kích Su-34 tối tân của Nga tham chiến tại Syria
Cường kích Su-34 tối tân của Nga tham chiến tại Syria

Kể từ sau khi Nga can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria và giúp quân đội chính quyền tổng thống Assad giành lấy ưu thế trên chiến trường, các chuyên gia và lãnh đạo Mỹ đã phải đánh giá lại chiến lược của nước này tại Trung Đông. Dường như chính sự lơ đễnh của Mỹ đã tạo ra lỗ hổng để Nga có thể xen vào và mở rộng tầm ảnh hưởng như hiện nay.

Theo National Interest, Nga đang nhúng tay vào mọi nơi trên khắp Trung Đông. Nga ủng hộ chế độ Assad, nỗ lực dẹp yên cuộc nội chiến và tạo ra các khu phi xung đột giữa các phe nổi loạn. Nước này cũng tham gia vào vấn đề người Kurd ở Syria và Iraq. Nga còn đóng một vài trò quan trọng trong việc duy trì khu vực người Shia ở Iran- Iraq- Syria, đồng thời cũng tham gia vào các cuộc đối thoại trực tiếp với Ả Rập Xê-út và các nước vùng Vịnh về cách duy trì cân bằng quyền lực mong manh trong khu vực.

Ai Cập và Israel đều có các kênh đối thoại trực tiếp với điện Kremlin và coi ông Putin là một lãnh đạo đang tin cậy, đã nói là làm và luôn giữ lời hứa.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng tin tưởng vào nước Nga dưới thời Putin và dự định sẽ tạo ra một trục chiến lược mới với Nga về năng lượng, an ninh Á-Âu và dàn xếp Trung Đông trong tương lai. Mátxcơva cũng thường xuyên chủ trì nhiều cuộc họp với nhiều phe phái Libya, các đảng chính trị Palestin, các đại diện người Kurd và các thành viên phe đối lập Syria. Các lãnh đạo Trung Đông cũng thường xuyên tới thăm Mátxcơva để trao đổi với điện Kremlin.

National Interest đánh giá rằng Nga đã thật sự quay trở lại trong tư thế một cường quốc. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu nhìn nhận những sự phát triển này dưới những kinh nghiệm từ thời Chiến tranh lạnh. Nước Nga hiện nay không phải là Liên Xô. Điện Kremlin cũng không còn hứng thú trong việc truyền bá hệ tư tưởng hay tìm cách áp đặt các nước ở Trung Đông phải lựa chọn giữa Mátxcơva và Washington.

Nga đã không còn hào hứng với việc chi quá nhiều cho hỗ trợ an ninh và kinh tế. Thay vào đó, cách tiếp cận của nước Nga hiện nay không phải là thay thế nước Mỹ mà là hỗ trợ cho các chế độ trong khu vực cân bằng với những phe phái được Mỹ hậu thuẫn và có thêm các lựa chọn để thoát khỏi trướng của Mỹ.

Nga đang thành công trong việc biến mình thành bên trung gian đang tin cậy hơn Mỹ và cung cấp các thiết bị và khả năng mà Mỹ hết sức dè dặt khi hỗ trợ. Đổi lại, điều này khiến các đối thủ trước đây của Nga trong thời Chiến tranh lạnh, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út, Ai Cập và Israel trở nên cởi mở hơn trong việc phát triển mối quan hệ với với điện Kremlin.

Nga đã triển khai các hệ thống phòng không tối tân tới chiến trường Syria
Nga đã triển khai các hệ thống phòng không tối tân tới chiến trường Syria

Nga có thể tái thiết lập sự hiện diện trong khu vực vì mọi quốc gia Trung Đông giờ đây đều mong muốn ổn định sau hơn hai thập kỷ bị Mỹ can thiệp hòng thay đổi chế độ. Rõ ràng Washington thiếu khả năng thực hiện lời hứa và đặc biệt không chính quyền nào của Mỹ giờ đây dám cam kết bỏ ra một nguồn lực lớn về nhân lực và vật lực của Mỹ để can thiệp ở bên ngoài. Do đó Mỹ viện đến các lực lượng ủy nhiệm để duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Lực lượng duy nhất phù hợp với Mỹ lúc này chính là người Kurd. Tuy nhiên, người Kurd giờ đây đang giảm dần sự cam kết hành động của mình ở bên ngoài các khu vực người Kurd, đồng thời là điểm nhạy cảm trong quan hệ của Mỹ với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách tiếp cận của Nga hiện nay cho rằng các giải pháp lâu dài là khó có thể đạt được, do đó Nga tập trung vào các thỏa hiệp: Các khu vực phi xung đột ở Syria, nỗ lực tạo ra khu vực tự trị của người Kurd ở Syria; duy trì cân bằng giữa lợi ích của người Sunni và Shia ở Syria nói riêng và cả khu vực nói chung; đảm bảo cho Iran có thể tiếp cận Hezbollah ở Li-băng, cho phép Israel thực thi lằn ranh đỏ.

Về bản chất, Nga đang đưa ra tầm nhìn về vùng ảnh hưởng và cân bằng chiến lược của thế kỷ XIX, trong đó Nga là đối tác đàm phán bên ngoài, thay thế cho một nước Mỹ đang xao nhãng với tầm nhìn mới của thế kỷ XXI là không cam kết chi nguồn lực lớn vào các cuộc can thiệp ở bên ngoài.

Ông Putin giờ đây đang tận hưởng ánh hào quang với việc được coi là vị chính khách nổi tiếng toàn cầu và ở vị thế gần ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng những nỗ lực của Nga chỉ đơn thuần là từ nhu cầu muốn trở lại làm một cường quốc toàn cầu.

Tổng thống Putin và người đồng nhiệm Ai Cập Sisi
Tổng thống Putin và người đồng nhiệm Ai Cập A. Sisi

Trên cả mong muốn trở lại làm cường quốc, Nga muốn quay lại đóng vai trò tích cực hơn ở Trung Đông để có thể kích cầu sản phẩm và dịch vụ của Nga. Bắt đầu bằng việc trang bị vũ khí và các nhà máy năng lượng hạt nhân, đặc biệt là những công nghệ mà Mỹ không muốn cung cấp cho các nước Trung Đông.

Theo National Interest, Trung Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược địa kinh tế của Nga: Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ là nước thay thế cho Ukraine trong vai trò nước trung gian vận chuyển năng lượng đến châu Âu. Đồng thời, đầu tư của Nga vào Iraq và Libya là nhằm tăng cường khả năng cung cấp dầu từ Nga cho châu Âu.

Trong khi đó Nga muốn tạo ra một tuyến đường bắc-nam nối liền trung tâm mẫu quốc với Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương.

Đáng chú ý nhất là Nga đã sử dụng tầm ảnh hưởng mới tìm thấy trong khu vực để ngăn chặn Mỹ sử dụng Ả Rập Xê-út như một điểm gây áp lực lên nền kinh tế Nga. Hiện nay, thay vì cạnh tranh với Nga, Quốc vương Ả Rập Xê-út đang chủ động hợp tác với Nga nhằm đưa ra một mức giá năng lượng chung hợp lý, giúp bảo đảm doanh thu cho cả hai bên.

Ngoài ra, vì các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến việc Nga vay tiền và đầu tư trở nên khó khăn nên Nga hy vọng xu hướng nguồn tiền từ Trung Đông tiếp tục chảy vào nền kinh tế Nga sẽ được đảm bảo.

Nga đang học được những bài học ngoại giao quý giá từ các hoạt động ở Trung Đông. Giờ đây Nga đang áp dụng nó vào Đông Á, khiến các đối tác của Mỹ lo sợ vì không thể tin cậy vào Mỹ. Điều này có thể chứng kiến qua các cuộc gặp của lãnh đạo Trung, Nhật, Hàn với lãnh đạo điện Kremlin về khủng hoảng Triều Tiên. Nga hy vọng rằng những nỗ lực ngoại giao này sẽ tạo ra lợi ích kinh tế như nước này đạt được từ Trung Đông.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cố gắng để cạnh tranh trực diện với Mỹ và sau đó đã tự sụp đổ. Nước Nga hiện đại giờ đây có cách tiếp cận tinh tế hơn, và nhờ đó đã thu được lợi ích mà nước này mong muốn, National Interest khẳng định.