Nga thần tốc dội lửa xuống Syria, báo trước Mỹ đúng 1 tiếng

Việc Nga nhanh chóng triển khai các cuộc không kích tại Syria cho thấy Moscow có thể hành động nhanh và dứt khoát đến mức nào, trái ngược với sự do dự của Mỹ. Mọi chuyện diễn ra chớp nhoáng như một cuốn phim hành động...
Nga chỉ dành 1 giờ để cảnh báo Mỹ trước khi tiến hành không kích tại Syria - Ảnh: Reuters
Nga chỉ dành 1 giờ để cảnh báo Mỹ trước khi tiến hành không kích tại Syria - Ảnh: Reuters

Và các cuộc không kích của Nga bắt đầu ngay trong chiều hôm đó, chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo các hành động của Nga bảo vệ cho chính quyền Bashar al-Assad, theo mô tả của tạp chí Newsweek (Mỹ).

Nhanh và dứt khoát

“Bạn không có đủ thời gian để đưa vấn đề lên mức đối thoại cấp tổng thống, khi 2 máy bay tiến gần nhau với một tốc độ cao như vậy”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Các quan chức Lầu Năm Góc ngày 30.9 cũng chỉ trích các lãnh đạo Nga khi thông báo sự việc quá gấp gáp, chỉ một giờ trước khi ném bom tại Syria, theo tờ Star & Stripes. “Đó không phải là cách mà những nước có trách nhiệm thường làm”, một quan chức Mỹ giấu tên nói.

Tuy vậy, Mỹ ngó lơ cảnh báo của Nga, mặc cho những nguy cơ về an toàn cho đội bay của Mỹ, vẫn tiếp tục không kích IS tại Syria, theo các quan chức Mỹ. Newsweek đưa tin Mỹ đã thực hiện ít nhất 1 cuộc không kích tại Syria ngày 30.9 và cũng chẳng nói cho Nga biết địa điểm và thời gian hành động.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói tại buổi họp báo rằng liên quân sẽ tiếp tục các nhiệm vụ tại Iraq và Syria như đã định sẵn.

Việc Nga nhanh chóng triển khai các cuộc không kích đã cho các nước trong khu vực và châu Âu thấy rằng Nga có thể hành động nhanh và dứt khoát đến mức nào, trái ngược với sự do dự của Mỹ. Moscow sẵn sàng hành động và chấp nhận rủi ro sau khi đã xác định được lợi ích của mình. Nga có thể đang chấp nhận một canh bạc rằng những can thiệp trên có thể giúp giữ vững chế độ Assad và buộc những tay chơi khác trong khu vực như Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ phải đàm phán với Nga về tương lai của Syria, chuyên san National Interest nhận định.

Sự quyết đoán của Nga trái ngược hoàn toàn với những gì mà phương Tây đã làm. Tại hội nghị chống chủ nghĩa cực đoan do Tổng thống Obama triệu tập tại New York hôm 29.9, các lãnh đạo liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đã không thể nói họ đã đạt được gì nhiều và hầu như không chỉ ra được một thành quả thực sự nào. “Họ chẳng có được một cuộc thảo luận thẳng thắn về những sai sót về chiến lược và những gì họ nên làm”, nhà báo Magaret Warner của kênh PBS NewsHour nói.

Thời điểm Nga bắt đầu tiến hành không kích, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Putin trở về từ New York, chẳng khác nào một “cái tát” đối với Mỹ, theo National Interest. Mặc cho các ứng cử viên tổng thống Mỹ gọi ông Putin là gì, mặc những phát biểu về việc Nga đi ngược với lịch sử, Tổng thống Nga vẫn tin rằng ông có thể tạo ra sự khác biệt tại Syria.

Việc Iraq tham gia cùng Iran, Syria và Nga tạo ra một đơn vị phối hợp tình báo và Iraq cho phép máy bay Nga bay qua lãnh thổ, bất chấp đã nhận được trợ cấp từ phương Tây để đào tạo và huấn luyện lính Iraq, có thể chứng minh rằng mọi chuyện đang đi đúng hướng của ông Putin.

Nga thần tốc dội lửa xuống Syria, báo trước Mỹ đúng 1 tiếng ảnh 1Nga có thể đang chấp nhận một canh bạc rằng những can thiệp trên có thể giúp giữ vững chế độ Assad và buộc những tay chơi khác trong khu vực như Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ phải đàm phán với Nga về tương lai của Syria - Ảnh: Reuters

Giai đoạn mới

Các cuộc không kích đưa cuộc nội chiến tại Syria bước sang một giai đoạn mới. Cả Washington và Moscow đều biết về những nguy cơ đụng độ trên bầu trời Syria.

Phía Mỹ nói rằng mong sẽ sớm có các cuộc đối thoại quân sự vào ngày 1.10 với Nga nhằm tìm ra cách để không đụng độ.

Những nguy cơ đụng độ cũng phần nào được giảm bớt khi các máy bay Mỹ và Nga tiến hành nhiệm vụ ở 2 vùng địa lý khác nhau. Mỹ và đồng minh tố cáo Nga ném bom những nơi chẳng có mặt IS như gần thành phố Homs và có thể là tại tỉnh Hama, theo lời các quan chức Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ không kích chủ yếu nhắm vào IS và một phần nào là các nhóm như Nusra Front, Khorasan. Tướng về hưu Dave Deptula của Không quân Mỹ nhận định rằng những nguy cơ còn được giảm bớt vì Mỹ không thật sự mạnh tay trong việc không kích tại Syria.

Theo National Interest, việc Nga lựa chọn mục tiêu (được cho là một số nhóm nổi dậy được Mỹ giúp đỡ chứ không phải IS) là thông điệp cho các nước trong khu vực rằng Nga chuẩn bị sử dụng lực lượng nguy hiểm để bảo vệ lợi ích đối tác của Nga, và những bên được Mỹ bảo trợ sẽ không vui trước sự can thiệp đó của Nga.

Mặc dù Nga đã triển khai các chiến đấu cơ có khả năng không chiến tại Syria cùng với những máy bay tấn công mặt đất, nhưng việc xảy ra các cuộc đụng độ trên bầu trời Syria cũng khó có thể xảy ra, theo nhà nghiên cứu Paul Schwartz tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Mỹ. “Cả 2 nước sẽ làm nhiều việc để tránh xảy ra đụng độ”, ông Schwartz.

Đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu và mọi chuyện sẽ tiếp tục diễn tiến. Có thể Nga sẽ sa lầy vào Trung Đông sau những hành động tại Syria, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế đang suy yếu trong nước. Nhưng rõ ràng là Nga đang nắm quyền chủ động trong tay.

Theo Thanh niên