Nga quyết đấu giành thế siêu cường, ông Putin chớp cơ hội

VietTimes -- Mỹ không thể áp đặt ý chí của mình ở mọi nơi và mọi lúc như trước. Dù Nga không có quyền lực tuyệt đối nhưng trong chính sách đối ngoại, Mátxcơva lại hành động như thể một cường quốc trung gian toàn cầu và hoạt động rất hiệu quả. Nếu Nga hiện nay không phải là siêu cường thì không nước nào là siêu cường cả, Business Insider nhận xét.
Tổng thống Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria và đảo ngược cục diện chiến trường chỉ sau một năm
Tổng thống Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria và đảo ngược cục diện chiến trường chỉ sau một năm

(tiếp theo kỳ trước)

Nga giành lại vị thế siêu cường, ông Putin chớp cơ hội

Theo Busness Insider, điều đã thay đổi trong năm vừa qua là Nga không còn chỉ bảo vệ lợi ích của mình nữa mà đã mở rộng hơn thế. Có thể thấy ngay các ví dụ về việc Nga mở rộng ảnh hưởng, không còn bị giới hạn trong khu vực lân cận truyền thống thuộc các nước Liên Xô cũ hay là các nước bạn bè trước đây. Nga đã tham gia vào cuộc họp OPEC gần đây, trong đó ông Putin đóng vai trò trung gian giữa Iran và Ả Rập Xê-út nhằm thúc đẩy một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu lửa.

Nga cũng đã bắt tay với Nhật Bản, nước đã có nhiều năm tranh chấp với Nga về quần đảo Kuril, nhưng lại đồng ý với phần lớn yêu cầu từ phía Nga trong năm qua, như thiết lập một hệ thống đặc biệt cho các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo Kuril. Thậm chí thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn không phải là bạn bè truyền thống của Nga mới đây đã chào đón ông Putin rất nồng hậu.

Quân đội Nga đã được hiện đại hóa rất nhanh chóng trong thời gian qua, và ở vùng Bắc cực ngày càng có nhiều tranh chấp, sự hiện diện của quân đội Nga đã sánh ngang với các đối thủ phương Tây. Về chính trị, Nga đã giành được vị thế nể trọng tại EU thông qua sự ủng hộ mà nước này dành cho các đảng cánh hữu, trong đó có Đảng tự do của Áo, lãnh đạo của đảng này vừa ký một hiệp định hợp tác với điện Kremlin.

Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo vừa được giải phóng
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo vừa được giải phóng

Một báo cáo ở trung tâm nghiên cứu dân chủ ở Bulgaria hồi tháng 10 lập luận rằng ở một số nước Đông Âu bao gồm Bulgaria, Hungary, Latvia, Serbia và Slovakia, “ảnh hưởng của Nga đã trở nên quá rộng rãi và lan đến từng địa phương, thách thức sự ổn định quốc gia cũng như là định hướng của các nước phương Tây và sự ổn định của khu vực châu Âu- Đại Tây Dương.” Và tất nhiên, ông Putin đã đạt được điều mà Liên Xô trước đây chỉ có thể mơ ước, đó là gây ảnh hưởng, nếu không nói là tác động đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho nước Nga.

Dù đã đạt được những thành tựu này, vẫn thật sai lầm nếu cường điệu hóa sức mạnh của Nga. Vẫn còn có những hạn chế với nước Nga. Dù đã sáp nhập Crimea và khiến vùng Donbass của miền đông Ukraine không thể cai quản được trong tương lai gần, mục tiêu ban đầu của ông Putin là đưa Ukraine trở về dưới bàn tay của Nga là điều không thể, khi giới lãnh đạo ở Kiev hiện nay là những người phản đối nước Nga hơn bao giờ hết.

Phương Tây đã đánh giá thấp tổng thống Putin và nhận nhiều trái đắng
Phương Tây đã đánh giá thấp tổng thống Putin và nhận nhiều trái đắng

Kế hoạch lâu dài nhằm thiết lập một liên minh kinh tế Á-Âu của ông Putin đã bị suy yếu nghiêm trọng do thiếu đi Ukraine. Một CSTO đối đầu với NATO cũng theo đó mà suy yếu. Và vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước đã cho thấy chiến dịch quân sự can thiệp vào Syria không bảo vệ được nước Nga khỏi chủ nghĩa khủng bố. Nga có thể kiểm soát Crimea, nhưng các nước khác không công nhận sự kiểm soát đó. Các vùng ly khai khỏi Georgia do Nga hậu thuẫn là Abkhazia và Nam Ossetia chỉ được công nhận bởi các nước Venezuela, Nicaragua và Nauru. Rõ ràng Nga chưa thể khôi phục lại sức mạnh mềm của mình.

Nhưng như người ta nhìn thấy trong những tháng gần đây, Mỹ không thể áp đặt ý chí của mình ở mọi nơi và mọi lúc như trước. Dù Nga không có quyền lực tuyệt đối nhưng trong chính sách đối ngoại, Mátxcơva lại hành động như thể một cường quốc trung gian toàn cầu, và hoạt động rất hiệu quả. Nga có nền tảng tư tưởng ý thức hệ trong học thuyết hồi phục chủ nghĩa Âu-Á, học thuyết này khẳng định rằng vị thế quyền lực của Nga là kết quả tự nhiên của vị trí địa chính trị nằm giữa châu Âu và châu Á.

Nga có cách làm việc chiến thuật “chiến tranh lai”, bao gồm cả các hoạt động quân sự bí mật, hoạt động truyền thông, tạo áp lực chính trị và ảnh hưởng ngoại giao. Nga thậm chí còn đóng vai trò ảnh hưởng ngày càng tăng ở LHQ trong mọi vấn đề, từ các chính sách ma túy đến biến đổi khí hậu. Nếu Nga hiện nay không phải là siêu cường thì không nước nào là siêu cường cả, Business Insider nhận xét.

Chính quyền Obama và đồng minh ở châu Âu hoàn toàn nhận thức được sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, nhưng họ vẫn hy vọng ông Putin sẽ đánh mất mọi thứ. Và điều này cũng không phải là bất hợp lý: những đánh giá của ông Obama về tình hình nước Nga không hoàn toàn sai. Nền kinh tế Nga được xây dựng trên một nền tảng mong mạnh và quá phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.

Business Insider đánh giá, Nga đang sa lầy trong cơn suy thoái dài nhất trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo đói ở mức cao, và người tiêu dùng đang phải cắt giảm thực phẩm và thuốc thang. Đất nước gặp khó khăn vì giá dầu thấp, thậm chí còn trước khi Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt sau các sự kiện ở Ukraine. Nước Nga không đủ khả năng đối phó với tình trạng cấm vận quốc tế lâu như vậy.

“Hành động của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt mà chúng ta áp đặt đã khiến nền kinh tế nước Nga vốn yếu kém nay càng yếu kém hơn”, ông Obama đã phát biểu như vậy hồi tháng 6/2014. “Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tránh xa Nga…Các dự án để phát triển nền kinh tế Nga gần như đều bằng 0”. Tháng 12/2014, đồng rúp đạt mức giảm kỷ lục kể từ năm 1998. Nhà kinh tế học Paul Krugman từng đoạt giải Nobel đã viết trên tờ New York Times rằng “việc bàn luận về một cuộc Chiến tranh lạnh mới, so sánh giữa nước Nga của ông Putin và Liên Xô vào thời điểm hiện nay phải chăng là điều ngớ ngẩn?”

Hai năm sau, bài viết của Paul Krugman lại trở nên ngớ ngẩn. Công bằng mà nói các lệnh cấm vận có thể hiệu quả nếu các tiêu chí của sự thành công là làm suy yếu nền kinh tế Nga và người dân Nga. Nhưng mục đích chính của các biện pháp này là để thay đổi hành vi của ông Putin, thay đổi tính toán của nhà lãnh đạo Nga, và nếu chiếu theo tiêu chí đó thì các lệnh trừng phạt đã thất bại.

Chính quyền Obama đã đáp trả lại vụ Nga tấn công mạng vào cuộc bầu cử ở Mỹ theo cách bằng cách áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn, lần này còn đi kèm với việc trục xuất 35 nhà ngoại giao về nước. Những hành động này có vẻ cũng không thể thay đổi hành vi của Nga hơn những biện pháp trước đây.

Ông Putin họp với các tướng lĩnh Nga
Ông Putin họp với các tướng lĩnh Nga

Điều mà ông Obama đã không đánh giá cao chính là Nga coi trọng vị thế địa chính trị hơn là an ninh kinh tế. Và đó không chỉ đơn thuần là tư tưởng của lãnh đạo nước Nga. Sự ủng hộ dân chúng Nga dành cho ông Putin vẫn giữ ở mức trên 80%, theo như kết quả của trung tâm Levada. Theo khảo sát của Pew năm ngoái, người Nga nhận thức được rằng các hành động của chính phủ ở Ukraine đã làm xấu đi cái nhìn quốc tế về nước Nga và đã làm tổn hại nền kinh tế nước này, nhưng 83% người Nga vẫn ủng hộ các hành động của Nga liên quan Ukraine.

Phần lớn người Mỹ sẽ không sẵn sàng chấp nhận các điều kiện kinh tế như người Nga để đánh đổi lấy chính sách hiệu quả hơn ở Trung Đông. Ông Obama được bầu chọn một phần vì lời hứa sẽ giảm sự can thiệp quân sự của nước Mỹ trên toàn cầu để tập trung vào các ưu tiên trong nước. Do đó, có lẽ không ngạc nhiên rằng chính quyền Obama đã có khoảng thời gian khó khăn khi vật lộn với thực tế rằng người Nga muốn có dấu ấn lớn hơn trên toàn cầu kể cả có phương hại đến sự thịnh vượng trong nước.

Điều gì tạo nên sự khác biệt này? Một số nhà khoa học chính trị đã quan sát rằng người Nga có hiệu ứng chiến đấu vì lý tưởng một cách mạnh mẽ trong thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng hơn người dân nước khác. Ông Ostrovsky lập luận rằng Nga là một đất nước sống theo lý tưởng, nơi mà các khái niệm trừu tượng như vận mệnh lịch sử và bản sắc văn hóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính trị, kể cả nếu có phương hại đến các chính sách kinh tế.

Việc ông Putin cổ súy chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo kể từ khi quay lại làm tổng thống và các bài phát biểu hùng hồn thể hiện chính sách đối ngoại theo truyền thống lịch sử từ những ngày đầu tiên lập quốc đã làm nên một sự hùng biện hấp dẫn khiến người dân tin tưởng vào đất nước. Ông Putin đã cam kết sẽ khiến nước Nga hùng mạnh trở lại và ông đang thực hiện điều đó.

Không rõ là sắp tới điều gì sẽ lại xảy ra. Trong tương lai gần, việc thực hiện chính sách đối ngoại Nga chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục. Sau các sự kiện như Aleppo thất thủ, nước Mỹ bầu cử một vị tổng thống nhìn nhận cuộc xung đột Syria giống như ông Putin, quan hệ Nga-Thổ được cải thiện, Nga sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn hơn trong cuộc xung đột ở Syria. Nếu người ta giả định rằng ông Trump sẽ theo đuổi chính sách thân Nga hơn, điều này sẽ khuyến khích các nước Liên Xô cũ ở Trung Á, sẽ hoạt động theo quỹ đạo của Nga nhiều hơn.

Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga cũng đã xuất chiến tại Syria
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga cũng đã xuất chiến tại Syria

Trong khi các nước khác không có vẻ sẽ chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, thì cũng không nước nào định khiến vấn đề này trở nên rắc rối hơn, và bán đảo này sẽ được coi như là lãnh thổ của Nga. Liên minh chống Nga hình thành ở EU sau cuộc khủng hoảng Ukraine cũng sẽ tan rã vì cuộc bầu cử của Pháp vào năm tới có khả năng sẽ chọn ra ông Francois Fillon thân Nga hoặc ông Marine Le Pen còn thân Nga hơn.

Nhưng Business Insider nhận định cũng có những thách thức mới đặt ra cho ông Putin. Đà tiến của chính sách dân túy của ông đòi hỏi phải có nhiều chiến thắng nhỏ. Các nước Baltic là thành viên của NATO đang trong tình trạng rất nguy hiểm, cho dù đã có những cam kết quốc phòng của ông Trump.  Phương Tây cáo buộc việc Belarus cải thiện quan hệ với phương Tây có thể tạo cái để Nga can thiệp, hoặc ông Putin có thể bảo vệ cho người dân nói tiếng Nga ở vùng ly khai Transnistria ở Moldova, nhưng những cuộc xung đột về Crimea hoặc những mối đe dọa địa chính trị của Syria không diễn ra liên tục. Ở một điểm nhất định, ông Putin sẽ bắt đầu phải đối mặt với áp lực về các điều kiện khó khăn trong nước, ông sẽ phải gắng sức để lôi kéo được thêm nhiều người ủng hộ.

Việc ông Trump đắc cử cũng có thể là sự may mắn phức tạp. Không chắc rằng mối quan hệ thân thiết hiện tại giữa hai vị lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ kéo dài mãi. Việc vị tổng thống đắc cử cổ súy cuộc chạy đua vũ trang nhiệt tình một cách kỳ lạ vào tháng trước đã cho thấy chỉ có một kỷ nguyên mà hai nước có thể vẫn sẽ đối đầu nhau.

Nhưng nếu giả định rằng trong tương lai gần, nước Mỹ sẽ có một vị tổng thống cực kỳ thân Nga, hoặc là cả vài nước phương Tây nữa, điều này có thể khiến ông Putin mất đi yếu tố chính trong lời diễn giải mà ông tuyên bố: đó là ông đang chiến đấu chống lại sự xâm lấn của phương Tây. Người Nga từng sẵn sàng bỏ đi các nhu cầu thiết yếu để ủng hộ các cuộc chiến tranh của ông Putin vì họ tin rằng đất nước của họ đang phải chiến đấu để sinh tồn.

Trong nhiều năm qua, người ta đã chứng kiến chính quyền của ông Putin đã đạt được các thành tựu đáng kể trong tư thế phòng thủ, chiến đấu để bảo vệ lợi ích quốc gia và để duy trì vị thế trên trường quốc tế. Nhưng ông Putin mới đây đã bắt đầu hành động ở tư thế một nước có quyền lực và sự ảnh hưởng.