Nga là người chiến thắng tại đấu trường Syria

VietTimes -- Khi cuộc chiến Syria đang dần kết thúc thì cũng là lúc các nhà quan sát đặt ra câu hỏi: Ai là bên chiến thắng, ai là bên thua cuộc? Mọi chuyện sẽ ra sao sau khi cuộc chiến kết thúc?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc nội chiến Syria bắt đầu từ cuộc nổi loạn của một số nhóm phiến quân vào năm 2011 chống lại chính phủ Damascus. Tuy nhiên không đơn giản là một cuộc nổi dậy trong nước, các thế lực bên ngoài như Mỹ, Pháp, Anh cùng các thế lực trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan, Ả Rập Xê-út và các quốc gia Vùng Vịnh đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy và biến biểu tình thành xung đột vũ trang.

Đây là một chiến thuật cũ rích của phương Tây trong Phong trào Xanh ở Iran sau vụ bầu cử Tổng thống năm 2009, ở Georgia năm 2008 và ở Ukraine năm 2014.

Công thức cho những cuộc can thiệp này hết sức đơn giản và quen thuộc.

1. Sử dụng phong trào ở địa phương hoặc các cuộc biểu tình làm bình phong cho một cuộc can thiệp của nước ngoài.

2. Rót một lượng tiền khổng lồ cho đám tay sai và sau đó dễ bề thao túng.

3. Sử dụng truyền thông như công cụ để làm chệch hướng dư luận trong khi tấn công chính phủ bằng lực lượng vũ trang.

4. Sử dụng Liên hợp quốc làm cái cớ cho những tham vọng riêng.

5. Cung cấp cho truyền thông những thông tin sai lệch về những hành vi bạo lực của chính quyền để bôi nhọ hình ảnh.

Syria đã trở thành đấu trường ủy nhiệm của các thế lực bên ngoài
Syria đã trở thành đấu trường ủy nhiệm của các thế lực bên ngoài

Dự định thay đổi chế độ ở Syria có nguồn gốc từ rất lâu, vào đầu những năm 1980, khi Israel, Jordan và một số cường quốc phương Tây đã tài trợ cho cuộc nổi dậy An hem Hồi giáo. Kế hoạch lần đó đã thất bại khi Hafez Assad tỏ ra là một lãnh đạo kiên cường hơn những gì người ta nghĩ.

Năm 2982, ông Hafez Assad đã nghiền nát một trong những trung tâm của phong trào khởi nghĩa ở tỉnh Hama. Sau đó lực lượng đối lập trên khắp cả nước theo đó cũng sụp đổ. Mục tiêu thay đổi chế độ năm 2011 cũng giống như năm 1980, đó là thiết lập một chính phủ thân phương Tây và thân Israel.

Khi không đạt được điều này, mục tiêu thứ hai trong việc gây chiến sẽ là hủy hoại đất nước Syria. Một số nước lớn sẵn sàng phá hoại nếu không được trực tiếp kiểm soát Syria.

Bên thua cuộc

Tuy nhiên đến nay, kế hoạch thay đổi chế độ ở Syria có thể coi là đã thất bại thảm hại. Với tiền bạc, nhân lực, vật lực mà Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây và Israel đã đổ vào cuộc chiến, mục tiêu lật đổ chính quyền đã không đạt được. Đổi lại, các nước này còn bị đe dọa bởi những hiểm họa lớn nảy sinh từ cuộc chiến với những tay súng cuồng tín thiện chiến.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt ở miền bắc Syria
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt ở miền bắc Syria

Cần phải nhớ rằng cuộc chiến này không phải chiến thắng trên bàn đàm phán mà là chiến thắng trên chiến trường, thông qua những trận chiến tàn khốc. Lực lượng ủng hộ Assad có thể coi là đã chiến thắng lực lượng nổi dậy khi quân đội Assad đã kiểm soát được các thành phố chủ chốt và các tuyến đường cao tốc chạy xuyên đất nước, trong khi đẩy lùi và cô lập được phiến quân.

Ông Assad cũng có thể dựa vào các đồng minh tin cậy như Iran, Nga và Hezbollah. Những lực lượng này rõ ràng được huấn luyện và khả năng chiến đấu chuyên nghiệp hơn phiến quân.

Phần lớn phiến quân đều là các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan và bị người dân căm ghét, hoàn toàn trái ngược với những gì phương Tây mô tả. Tệ hơn là khi cuộc xung đột kéo dài thì phương Tây càng không thể che giấu quan hệ với IS hay Al Qaeda. Các chuyên gia cho rằng khi Aleppo sụp đổ trước quân đội chính phủ vào năm 2016 thì cũng là lúc chiếc đinh cuối cùng trong cỗ áo quan của cuộc nổi dậy được đóng lại.

Các nước phương Tây gồm Mỹ, Anh và Pháp đã tính toán sai lầm khi tìm cách thay đổi chế độ ở Syria. Họ tin rằng họ có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh giá rẻ bằng cách sử dụng lính đánh thuê. Những nước này không dám mạo hiểm với một cuộc đối đầu trực tiếp với các nước khác trong khu vực. Và phương Tây cũng đã đánh mất cái gọi là nền tảng đạo đức khi rõ ràng là đã trang bị và hậu thuẫn cho những lực lượng từng bị xem là kẻ thù của các giá trị phương Tây.

Bên thắng cuộc

Bên thắng cuộc trong cuộc xung đột này sẽ là Nga, Iran và Hezbollah. Nga đã ngăn chặn được âm mưu thay đổi cân bằng quyền lực ở Trung Đông của phương Tây với sự nhẫn nại và chắc chắn.

Một số nhà phân tích cho rằng cũng giống như chiến lược vừa đánh vừa đàm mà Việt Nam thực hiện trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, không quân Nga cũng phối hợp ăn ý với lực lượng dân quân tình nguyện Iran và quân đội Syria.

Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Iran ngay từ đầu đã nhận ra kế hoạch thay đổi chế độ ở Syria là nỗ lực bí mật của Israel để thực hiện điều mong muốn bấy lâu nay, đó là cô lập Hezbollah ở Lebanon và cuối cùng sẽ tấn công lực lượng này, tiếp tục mở rộng lãnh thổ trong khi Ả Rập đang hỗn loạn và chuẩn bị tấn công Iran.  Và Iran đã phản pháo bằng cách đưa quân sang tham chiến trực tiếp ở Syria.

Còn Hezbollah đã có kinh nghiệm chiến đấu với cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây và đã mở rộng tầm ảnh hưởng vào cuộc chiến ở Syria.

Như vậy kế hoạch của phương Tây đã thất bại hoàn toàn.

Con đường phía trước

Ả Rập Xê-út, mặc dù thua ở Syria nhưng đã nuốt giận vào trong và thực hiện những bước đi ngoại giao mới mẻ và táo bạo với quân Shiite ở Iraq. Mục đích là cố gắng thực hiện điều gì đó để đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Ả Rập Xê-út cũng đã đầu tư nhiều tiền vào Iraq, điều này sẽ không xảy ra nếu quốc vương nước này không thoát ra khỏi cái bóng của thất bại ở Syria.

Ả Rập Xê-út đang mong chờ đến cuộc bầu cử Iraq năm 2018 với mục đích gây ảnh hưởng lên kết quả và sẵn sàng rải tiền để thực hiện điều này. Có thể nói đây là xu hướng “xoay trục sang Baghdad” của quốc vương Riyadh.

Bên thắng cuộc lớn nhất trong công cuộc tái xây dựng Syria sẽ là Nga, Trung Quốc và Iran. Các nước lớn phương Tây sẽ không được chào đón tại Hội nghị quốc tế Syria được tổ chức vào tháng này. Các thương vụ hợp đồng tái xây dựng đất nước sẽ đến tay những nước giúp Damascus vào lúc cần thiết nhất, đồng thời cũng đã đổ máu ở cuộc nội chiến này.

Cho dù không can dự trực tiếp vào cuộc chiến nhưng Trung Quốc đã giúp Syria ở Liên hợp quốc bằng cách phủ quyết phán quyết buộc tội chính phủ Syria. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đã sắp hoàn thành. Sáng kiến này là kế hoạch cơ sở hạ tầng dài hơn, tìm cách kết nối Trung Quốc trực tiếp tới các thị trường tài nguyên thiên nhiên ở châu Á và Trung Đông.

Tóm lại đến giờ phút này, kết cục của cuộc chiến đã gần như có thể định hình và bên thắng cuộc sẽ được hưởng những gì mình đã bỏ ra.