Nga dàn trận “bẫy” Mỹ lộ mật chiến đấu cơ F-22 thế nào

VietTimes -- Các máy bay Su-35 Flanker và Tu-95 Bear cũng đã phối hợp để thử nghiệm chiến thuật và thời gian phản ứng của Mỹ. Trong khi đó A-50 dù ở khoảng cách xa vẫn cố gắng thu thập nhiều nhất có thể các thông tin hữu ích về đối thủ Mỹ, Warisboring phân tích sự kiện Nga đã dàn trận để bẫy F-22 Mỹ ra sao.
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm F-22 Raptor của Mỹ
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm F-22 Raptor của Mỹ

Vào đêm 3/5 vừa qua, một số máy bay ném bom Tu-95MS Bear của Nga được hộ tống bởi hai máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E bay thẳng vào Khu nhận dạng phòng không của Mỹ ở Alaska.

Hai máy bay F-22 Raptors của Mỹ đã chặn đội hình máy bay Nga trong vòng 50 dặm ở phía nam Chariot, Alaska.

Warisboring trích dẫn nguồn tin từ Nga cho hay Su-35 là máy bay thế hệ thứ 4++ với khả năng không chiến vượt trội. Cho dù không có khả năng tàng hình, máy bay này được trang bị radar thụ động Irbis-E và hệ thống tìm kiếm và bắt bám mục tiêu tầm xa, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình như F-35 ở khoảng cách hơn 50 dặm.

Chiến đấu cơ Su-35S được triển khai ở căn cứ không quân Hymymim gần Latakia ở Syria từ đầu năm 2016 để bảo vệ cho máy bay chiến đấu của Nga thực hiện các cuộc đột kích ở Syria, sau khi máy bay Su-24 Fencer của Nga bị máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào năm 2015.

Trong cuộc chiến trên không ở Syria, máy bay này mang theo tên lửa không đối không tầm trung có radar chủ động Vympel R-77 (đối thủ của AIM-120 AMRAAM của Mỹ), cùng với tên lửa không đối không có hồng ngoại dẫn đường R-27T. Tuy nhiên, máy bay Su-35 Flanker-E hộ tống máy bay ném bom Tu-95 ở Alaska không được trang bị vũ khí.

Phi đội hai chiếc Su-35 trên bầu trời Syria, ảnh do không quân hải quân Mỹ ghi lại
Phi đội hai chiếc Su-35 trên bầu trời Syria, ảnh do không quân hải quân Mỹ ghi lại

Ngay sau khi được triển khai tới Syria, Su-35S bắt đầu vượt mặt máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Một phát ngôn viên không quân Đức đã lý giải rằng Su-35 của Nga là một trong số các loại máy bay Nga điều tới để chế áp các máy bay chiến đấu Tornado của Đức thực hiện nhiệm vụ trinh sát IS.

Một video do phi đội VFA-31 của Hải quân Mỹ triển khai trên tàu sân bay USS Eisenhower hỗ trợ Chiến dịch Operation Inherent Resolve (tạm dịch: Quyết tâm không thể lay chuyển) ở Syria và Iraq đã mô tả cận cảnh một vụ suýt chạm trán với máy bay Flanker-E của Nga. Tuy nhiên hải quân Mỹ đã sớm xóa video này khỏi trang Youtube.

Đến nay vẫn không có bằng chứng xác thực nào về các cuộc suýt đụng độ giữa F-22 của Mỹ và Su-35 của Nga ở Syria. Và sự kiện hôm 3/5 có thể coi là lần đầu tiên hai loại máy bay đẳng cấp của hai cường quốc quân sự có cơ hội đụng độ ở gần bờ biển Mỹ.

Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là tư thế sẵn sàng của các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ.

Quả thực, theo nguồn tin từ không quân Mỹ, chiến đấu cơ F-22 nhận được lệnh từ Bộ tư lệnh phòng không không phận Mỹ yêu cầu chặn máy bay Nga trong khi các máy bay F-22 này đang tuần tra trên không cách đó không xa.

Vẫn chưa rõ liệu các máy bay F-22 này có đang hoạt động vì chúng có tham gia vào cuộc diễn tập Northern Edge, hay là vì không quân Mỹ đã dựng nên cuộc tuần tra trên không này sau khi các máy bay ném bom chiến lược Nga bất ngờ tăng cường hoạt động vào đầu năm 2017.

Dù sao, máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ cũng đang hoạt động và do đó có thể nhanh chóng chuyển hướng ngăn chặn các máy bay của Nga, những máy bay được cho là được máy bay trinh sát A-50 Mainstay hộ tống.

Máy bay trinh sát, cảnh báo sớm A-50 của Nga
Máy bay trinh sát, cảnh báo sớm A-50 của Nga
Chiến đấu cơ siêu cơ động Su-35
Chiến đấu cơ siêu cơ động Su-35

Theo Warisboring, Nga thực hiện điều này để đáp trả hoạt động không quân ngày càng mạnh của Mỹ ở Alaska, có liên quan đến cuộc diễn tập Northern Edge. Rõ ràng, Nga đã theo dõi rất chặt chẽ những gì đang diễn ra ở khu vực xung quanh Alaska.

Lần này, Nga muốn phô diễn khả năng lên kế hoạch một cuộc tấn công tầm xa phức tạp, cũng như muốn cho Mỹ thấy khả năng sẵn sàng của chiến đấu cơ siêu cơ động Su-35 hộ tống máy bay ném bom trong các chiến dịch, Warisboring nhận định.

Về các thành phần tham gia trong hoạt động này cũng rất đáng bàn luận. Sự hiện diện của máy bay trinh sát và cảnh báo sớm A-50 trong vai trò hộ tống không nên bị đánh giá thấp. Máy bay này đã bay sau máy bay Flanker và Bear với mục đích cụ thể, đó là hỗ trợ điện tử, vì máy bay này sở hữu thiết bị cảnh báo sớm.

Nói cách khác, máy bay A-50 có thể phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách xa và cũng có thể đánh hơi các radar, radio và nơi phát sóng dữ liệu. Hơn nữa, F-22 thường sử dụng thùng nhiên liệu bên ngoài và ống kính Lunenburg nếu phải phản ứng nhanh. Điều này có nghĩa là F-22 chắc chắn sẽ bị radar nhìn thấy.

Điều này có nghĩa là cho dù không thể vạch mặt F-22, máy bay trinh sát A-50 Nga có thể ít nhất thu thập dữ liệu từ radar của F-22 và quan sát được các chiến thuật hoạt động của loại máy bay chiến đấu tàng hình hạng nặng của Mỹ.

Vào ngày 3/5, Nga có thể đã thực hiện một chiến dịch tập trận tấn công tầm xa, nhưng với mục tiêu tình báo chính xác. Các máy bay Su-35 Flanker và Tu-95 Bear cũng đã phối hợp để thử nghiệm chiến thuật và thời gian phản ứng của Mỹ. Trong khi đó A-50 dù ở khoảng cách xa vẫn cố gắng thu thập nhiều nhất có thể các thông tin hữu ích về đối thủ Mỹ.