Giờ G tại Syria: Nga áp đảo, Mỹ không cam "tay trắng"

VietTimes -- Rất có thể hành động trong những tháng tới của Mỹ và đồng minh SDF sẽ quyết định tương lai của Trung Đông. Nếu Mỹ phác thảo một chính sách kiềm chế ảnh hưởng của Iran thì họ cũng có thể làm vậy với các đối tác khác. Nếu Mỹ chỉ chống IS thì chiến lược hậu IS ở Iraq và Syria sẽ mang lại cho các đối tác khác một tương lai không rõ ràng.
Chiến đấu cơ Nga không kích tiêu diệt phiến quân khủng bố tại Syria
Chiến đấu cơ Nga không kích tiêu diệt phiến quân khủng bố tại Syria

Vào ngày 12/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus. Theo thông tin từ Đại sứ quán Nga, hai bên đã thảo luận về việc hợp tác chống lại IS. Cuộc gặp này diễn ra vào thời điểm quân đội chính phủ Syria đã tiến vào Deir ez-Zor ở sông Euphrates ở miền đông Syria, phá vỡ vòng bao vây đã kéo dài hai năm rưỡi ở thành phố này.

Theo National Interest, Nga đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của quân đội chính phủ Syria, điều này cũng có nghĩa là quân đội Syria do Nga hậu thuẫn đang tăng cường liên lạc với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.

Hôm 16/9, liên minh do Mỹ dẫn đầu cho rằng cuộc không kích của Nga ở phía đông sông Euphrates đã khiến một số lính SDF bị thương. Khi IS đang suy yếu dần thì khoảng trống do IS để lại đang bị các lực lượng tranh giành. Điều này khiến Iran đang cố tạo ảnh hưởng lớn hơn ở Iraq và Syria, và khiến các đồng minh của Mỹ ở Vùng Vịnh, Israel và các nhóm đối lập ở Syria lo lắng về tương lai bất định.

Nhiều ngày sau khi quân đội Syria phá vỡ được vòng vây ở Deir ez-Zor, lực lượng SDF đã thực hiện cuộc tấn công tiến vào thành phố từ phía bên kia sông Euphrates. Mạng truyền thông Rudaw của người Kurd cho biết họ đã tiến tới vùng công nghiệp của thành phố Deir ez-Zor vào ngày 10/9.

Deir ez-Zor là một khu vực trọng yếu chiến lược vì đây là thành phố lớn nhất của tỉnh Deir ez-Zor, trải rộng bên cả hai bờ sông Euphrates tới tận biên giới Iraq. IS đã mở rộng và chiếm khu vực này vào năm 2014, sử dụng thành phố này như bàn đạp để tiến vào tỉnh Anbar của Iraq, với phần lớn dân cư là người Sunni, thông qua tỉnh Abu Kamal.

Khi các khu vực do IS kiểm soát ngày càng thu hẹp vào, trong khi "thủ đô" tự xưng Raqqa đang chuẩn bị bị SDF chiếm lại, Mỹ, Nga và các đồng minh của mình đang toan tính những bước tiếp theo trong cuộc xung đột ở Syria và Iraq.

Lực lượng người Kurd đang chiếm giữ khoảng 35% lãnh thổ Syria
Lực lượng người Kurd đang chiếm giữ khoảng 35% lãnh thổ Syria

Jonathan Spyer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Rubin tại Trung tâm liên ngành Herzliya, cho rằng tình hình hiện nay đặt ra những câu hỏi quan trọng, đặc biệt là về sự ủng hộ của Iran đối với chế độ Assad.

"Chúng tôi biết chế độ Syria đang làm gì, họ đang cố gắng đánh bại IS và tái khẳng định quyền kiểm soát của chế độ. Iran lại muốn có đường biên giới ở Abu Kamal và hành lang đất liền dọc theo đó", Spyer nhận định.

Việc kiểm soát đường biên giới và tuyến đường giúp Iran đạt được mục tiêu liên kết các lực lượng dân quân Shia ở Iraq với Hezbollah ở Li- băng thông qua đồng minh Syria. "Chúng tôi biết Iran muốn gì, nhưng lại không rõ SDF và Mỹ muốn gì. Mỹ không đưa ra chiến lược nào ngoài tiêu diệt IS", ông Spyer cho biết.

Ông Spyer lập luận rằng Iran coi Iraq, Syria và Li-băng là những địa điểm mà Iran đang thực hiện ván bài chiến lược trên toàn khu vực. Đó là lý do vì sao Hezbollah lại vừa chiến đấu ở Syria, vừa chiến đấu ở Iraq. Đó cũng là lý do vì sao dân quân Iraq lại tham gia vào cuộc chiến ở Syria.

Ngược lại, Mỹ lại nhìn nhận mỗi quốc gia này một cách tách biệt, hợp tác với chính quyền của Thủ tướng Iraq Haider Abadi để chống IS, hợp tác với SDF ở Syria và hợp tác với chính quyền của Thủ tướng Li-băng Saad Hariri ở Beirut. Chuyên gia Spyer cho rằng việc chấp nhận giao quyền quản lý Syria cho Nga sẽ biến Syria thành kẻ thù của Mỹ.

Cường kích Su-34 tối tân của Nga tham chiến tại Syria
Cường kích Su-34 tối tân của Nga tham chiến tại Syria

Wladimir van Wilgenburg, một nhà phân tích người Kurd ở Syria đã chỉ ra rằng Nga và Mỹ đã tìm cách giảm xung đột khi lực lượng của hai bên tiến đến gần nhau. “Tôi không nghĩ là chính sách của SDF là chiếm lấy thành phố Deir Ez-Zor. Có thể là thành phố nào đó sát cạnh, còn thành phố này là dành cho chính phủ", ông Wilgenburg nhận định.

SDF muốn chiếm lấy vùng nông thôn, và dường như Mỹ muốn họ tiến về phía biên giới Iraq. “Tôi cho rằng đó có thể là kế hoạch của SDF, nhưng họ phải hợp tác với chế độ Syria, mà Iran sẽ không thích điều này. Nga và Mỹ sẽ cố gắng để điều phối kế hoạch trên".

Câu hỏi quan trọng ở đây là liệu Mỹ có công khai tuyên bố chính sách của mình là để kiềm chế ảnh hưởng của Iran và tập trung triển khai chính sách này ở khu vực biên giới hay không?

Quan hệ Nga-Mỹ ở Syria hiện vẫn đang diễn ra thông qua cơ chế “phi xung đột”, giúp không quân hai nước tránh xảy ra va chạm. Vào cuối tháng 8 vừa qua, một đoàn xe gồm hàng trăm lính IS đã được phép rời khu vực Al-Qalamoun ở biên giới Li-băng - Syria theo thỏa thuận với Hezbollah. Lực lượng này được cho là chuyển sang Abu Kamal vì quân đội Assad đang chuẩn bị tấn công Deir Ez-Zor.

Dưới áp lực từ phía Iraq không muốn đoàn xe chở binh lính IS qua biên giới, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã ném bom vào một tuyến đường nhằm ngăn chặn đoàn quân tiến qua biên giới. Trong một tuyên bố, liên quân cho biết họ đã liên lạc với Nga để gửi thông điệp tới chính quyền Syria rằng liên quân sẽ không để cho IS tiến xa về phía đông sang biên giới Iraq. Cho dù các hoạt động không vận của liên minh vượt cả sông Euphrates, nhưng liên minh vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng “họ không chống lại chế độ Syria hay đồng minh của Syria trong cuộc chiến chống IS".

Nga dường như đang củng cố lập trường về vai trò của Mỹ ở Syria. Vào ngày 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố: “Bất kỳ ai đang hiện diện trên lãnh thổ Syria hay trong không phận Syria mà không được sự đồng ý của chính phủ Damascus đều vi phạm luật pháp quốc tế, kể cả Mỹ".

Vào đầu tháng 9/2017, Sputnik News đưa tin máy bay của Mỹ đã sơ tán 20 chỉ huy của IS ra khỏi thành phố Deir ez-Zor. National Interest cho rằng đây là thông tin sai, mục đích biến Mỹ thành bên phản diện trong cuộc chiến ở Syria.

Nga cho rằng Mỹ là
Nga cho rằng Mỹ là "khách không mời mà đến" tại Syria

Vào ngày 11/9, để đáp lại những cáo buộc cho rằng Mỹ đã tấn công quân đội Syria, người phát ngôn của chiến dịch Combined Joint Task Force Operation Inherent Resolve đã đăng lên trang Twitter rằng “những tin đồn đều là sai sự thật, chúng tôi chỉ chiến đấu chống lại IS, trong tuần này chúng tôi thực hiện 22 vụ tấn công".

Cho dù có những lời đồn thổi xung quanh cuộc chiến, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy Mátxcơva coi trọng vai trò của SDF và dường như coi lực lượng này là đồng minh. Vào ngày 13/9, quân đội Nga được cho là đã tuyên bố 85% diện tích lãnh thổ Syria đã được giải phóng. Theo Associated Press, Trung tướng Alexander Lapin cho biết 15% của nước này vẫn đang bị kẻ thù chiếm đóng. Điều đó cho thấy khu vực do SDF kiểm soát chiếm đến 35% đất nước không bị Nga coi là đang bị kẻ thù kiểm soát.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn, đó là Mỹ sẽ đưa ra chính sách gì khi các đồng minh của nước này tìm cách giải phóng nhiều khu vực dọc sông Euphrates hướng về phía biên giới Iraq.

Hiện nay, phía bên kia biên giới Iraq được kiểm soát chủ yếu bởi lực lượng dân quân dòng Hồi giáo Shia do Iran hậu thuẫn, được gọi là Hashd al-Shaabi, vốn là một phần của lực lượng an ninh Iraq. Những lực lượng này muốn di chuyển xuống và chiếm lấy Al Qa'im từ Abu Kamal.

Sau đó họ sẽ liên kết với lực lượng chính phủ Syria và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn. Mỹ vẫn cam kết chỉ tiêu diệt IS và ở Iraq, lực lượng của Mỹ hỗ trợ Iraq đã hoạt động ngay sát lực lượng dân quân Shia trong những chiến dịch gần đây như chiến dịch ở Tal Afar.

Tuy nhiên ở Iraq, chính sách của liên quân là không hợp tác với dân quân, chỉ hợp tác với quân đội chính phủ, cảnh sát liên bang và các đơn vị chính thức khác. Sự phân biệt này chẳng có ý nghĩa thực tế nào vì tất cả các lực lượng đều đan xen với nhau trong cuộc chiến chống IS, National Interest nhận định.

Rất có thể hành động trong những tháng tới của Mỹ và đồng minh SDF sẽ quyết định tương lai của Trung Đông. Nếu Mỹ phác thảo một chính sách kiềm chế ảnh hưởng của Iran thì họ cũng có thể làm vậy với các đối tác khác. Nếu Mỹ chỉ chống IS thì chiến lược hậu IS ở Iraq và Syria sẽ mang lại cho các đối tác khác một tương lai không rõ ràng.

Ảnh hưởng của điều này sẽ vượt qua Sông Euphrates, ảnh hưởng tới cách Ả Rập Xê-út, UAE, Israel, người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận các cam kết và chính sách của Mỹ.