Năm 2017: TP.HCM sẽ thu học phí qua thẻ học đường

VietTimes -- Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, mô hình này đã được triển khai tại 40 trường THCS và THPT trên địa bàn TP, kết quả thu được khá tích cực. Các ngân hàng tham gia chương trình đã phát hành được trên 47.000 thẻ với tổng số tiền thu học phí qua thẻ đạt 132 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2017, ngành giáo dục TPHCM đề ra mục tiêu thực hiện 100% thu học phí qua ứng dụng Thẻ học đường SSC.
Đến tháng 2/2017, ngành giáo dục TPHCM đề ra mục tiêu thực hiện 100% thu học phí qua ứng dụng Thẻ học đường SSC.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hoài Nam đã thông tin về kế hoạch triển khai các giải pháp tài chính trong năm 2017 của ngành giáo dục TP. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai mở rộng Đề án Thẻ học đường SSC.

Ông Nam cho biết, thẻ học đường SSC là sản phẩm thẻ thông minh, được gắn thêm chip để lưu trữ thông tin học sinh. Đây là thẻ phụ được phát hành dựa trên tài khoản chính của phụ huynh, có chức năng đóng tiền học phí, các khoản khác thông qua máy POS được lắp đặt tại trường hoặc ngân hàng.

Việc áp dụng thẻ SSC đã giúp phụ huynh thanh toán chủ động thanh toán học phí đúng thời hạn; hạn chế học sinh tiếp xúc với tiền mặt;  nhà trường giảm bớt áp lực về nhân sự và thời gian trong mỗi đợt thu học phí.

Với những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đến tháng 2/2017, ngành giáo dục TPHCM đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện 100% thu học phí qua ứng dụng Thẻ học đường SSC.

Để phát huy hết tiềm năng của ứng dụng này, thời gian tới, ngành giáo dục TP sẽ tăng cường truyền thông để tất cả giáo viên, phụ huynh và học sinh nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác về chủ trương, cách thức thực hiện… nhằm tạo sự đồng thuận.

Cũng theo Sở GD-ĐT TPHCM, bên cạnh phương án nêu trên, năm 2017, ngành giáo dục TP sẽ triển khai nhiều giải pháp tài chính khác, như: Giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; Giải pháp tài chính hỗ trợ hiện đại hóa nhà trường.

Sở GD-ĐT TP sẽ phối hợp với các ngân hàng, triển khai phát hành thẻ tín dụng ưu đãi cho giáo viên, hạn mức trung bình từ 200 - 300 triệu đồng nhằm giúp thầy cô chủ động hơn về tài chính, chi tiêu sinh hoạt.

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Bùi Quang Tiên  đánh giá cao các giải pháp tài chính đang triển khai trong hệ thống giáo dục tại TPHCM, đặc biệt là việc triển khai Thẻ học đường SSC. Theo ông Vinh, đây là công tác mới nhưng hiệu quả bước đầu thu được là rất khả quan, tích cực.

Thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý ngành giáo dục TPHCM và các đơn vị liên quan, quá trình mở rộng đề án cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp đảm bảo an ninh - an toàn thông tin cao nhất cho người dùng thẻ.