Mỹ-Nga chiến tranh lạnh đồng thời trên 3 chiến tuyến

VietTimes -- Chuyên gia nghiên cứu chính trị hàng đầu ở Mỹ, ông Stiven Koen, nhận định: vụ tấn công của liên quân chống khủng bố do Mỹ chỉ huy nhằm vào các lực lượng chống khủng bố ở Syria chứng tỏ, quan hệ giữa Mỹ và Nga ở Syria đang trải qua thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II tới nay.
Máy bay liên quân tiến hành không kích ở Syria. (Nguồn: AFP)
Máy bay liên quân tiến hành không kích ở Syria. (Nguồn: AFP)
Ngày 18/5/2017, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích vào đoàn xe của lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria chống khủng bố sau khi đoàn xe này đi vào một khu vực cách căn cứ tại thị trấn Al-Tanf khoảng 29 km. Đây là lần thứ hai Mỹ đơn phương tấn công các lực lượng chống khủng bố ở Syria. Hành động này không chỉ  làm cho triển vọng ngừng bắn ở Syria có  nguy cơ phá sản mà còn giảm đáng kể nỗ lực quốc tế chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS). 

Phải chăng đây là “hành động tự vệ” của phía Mỹ

Theo xác nhận của Lầu Năm Góc, khi đoàn xe của các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria chống khủng bố gồm 27 chiếc tiếp cận thị trấn Al-Tanf, các máy bay chiến đấu của liên quân chống khủng bố do Mỹ chỉ huy đã phát tín hiệu cảnh báo để đoàn xe này quay đầu lại bởi trên hướng hành quân của các lực lượng này có một trung tâm huấn luyện của Washington dành cho “các lực lượng đối lập”.

Còn theo đại diện từ Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ, thông qua kênh liên lạc điện thoại họ đã cảnh báo phía Syria rút lực lượng đang hành quân ra khỏi khu vực “tránh leo thang xung đột” nhưng không nhận được trả lời và vì thế máy bay chiến đấu của Mỹ xuất phát từ Jordan đã không kích đoàn xe này. Cũng theo thông cáo của Lầu Năm Góc, lực lượng ủng hộ chính phủ Syria chống khủng bố đang “đe dọa” các binh sĩ trong liên quân chống khủng bố do Mỹ chỉ huy tại căn cứ gần biên giới Syria- Iraq-Jordan.

Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng liên quân Mỹ D.Danford thì giải thích: “Chỉ huy các lực lượng của Mỹ ở Syria nhận thấy họ đang bị đe dọa và buộc phải yêu cầu không quân Mỹ tấn công các lực lượng của Quân đội Syria”. Ông D.Danford còn cam kết với phía Nga rằng các cuộc tấn công tương tự sẽ không lặp lại một khi các quân nhân Mỹ không còn bị đe dọa”.

Theo giới phân tích, nếu có mối đe dọa nào đó đối với quân đội Mỹ ở Syria là các lực lượng khủng bố. Vậy logic có thể được hiểu ở đây là: các lực lượng khủng bố thì đe dọa Mỹ, còn Mỹ lại tấn công quân đội Syria!?

Nhận định về vụ tấn công này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis xác nhận rằng đây chỉ là hành động “tự vệ” và Washington sẽ không can dự sâu vào xung đột Syria. Trên thực tế, lực lượng này nói riêng cũng như quân đội Syria chưa bao giờ đe dọa các lực lượng của liên quân chống khủng bố do Mỹ chỉ huy [1,2,3].

Phản ứng của Syria và Nga

Ngày 19/5/2017, Bộ Quốc phòng Syria xác nhận vụ không kích vào “một trong các cứ điểm quân sự” của quân chính phủ gần thị trấn Al-Tanf, gây thiệt hại về người và về khí tài. Chính phủ Syria ra tuyên bố nhấn mạnh, vụ không kích một lần nữa chứng tỏ mục đích thật sự của liên quân do Mỹ chỉ huy không phải là nhằm chống khủng bố. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Syria nêu rõ: “Những ai tự cho rằng họ đang chống khủng bố đích thực thì đương nhiên phải tấn công để diệt khủng bố chứ không thể là nhằm vào lực lượng của Quân đội Syria đang sát cánh cùng đồng minh và các nước bạn trong cuộc chiến chống khủng bố” [4].

Về phía Nga, ngày 19/5/2017, Bộ Ngoại giao Nga lên án vụ không kích mới này của liên quân do Mỹ chỉ huy. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Gennady Gatilov tuyên bố: “Rõ ràng là, bất kỳ hành động quân sự nào làm căng thẳng tình hình tại Syria đều tác động đến tiến trình tìm kiểm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia này, đặc biệt là các hành động nhằm vào lực lượng vũ trang Syria. Vụ việc này là không thể chấp nhận được vì đã vi phạm chủ quyền Syria và không giúp ích gì cho tiến trình chính trị ở quốc gia này”.

Thượng nghị sĩ Nga Konstantin Kosachev lên án vụ không kích này và nhận định: “Không thể nói vụ không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhắm vào quân chính phủ là một “vụ tai nạn”, “nhầm lẫn” hay “tự vệ”. Đây là một hành động có chủ đích và sẽ gây ra hậu họa không thể lường được, không chỉ là một vụ tấn công trên đất Syria và chống lại đất nước Syria mà còn phá hoại cả các đàm phán Geneva. Mỹ không chấp nhận tiến trình đàm phán Geneva hiện nay bởi trong đó Washington không giành được quyền kiểm soát tình hình và do đó họ ra sức phá hoại”.

Theo giới phân tích, không phải ngẫu nhiên mà vụ không kích này của liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu xảy ra đúng vào thời điểm đang diễn ra Hội nghị Geneve về Syria. Ngoài ra, nó còn diễn ra chỉ một ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật cấm vận chống lại các đồng minh của Syria đang viện trợ quân sự cho chính quyền Damas, trong đó có Nga và Iran.

Thành viên của Ủy ban quốc tế của Hội đồng liên bang của Nga Igor Morozov cho rằng hành động đơn phương của liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tấn công Syria ngày 18/5/2017 cần phải được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc xác nhận như là “hành động xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền”. Rõ ràng, Mỹ không muốn chấm dứt chiến tranh ở Syria mà đang toan tính gây bất ổn để lật đổ tổng thống Bashar al-Assad”.

Theo ông Igor Morozov, nền kinh tế Mỹ mạnh dựa trên nền tảng chiến tranh. Vì thế, hiện nay một số thế lực ở Mỹ đang theo đuổi toan tính kích động một cuộc chiến tranh lớn, có thể là ở Trung Đông.[5,6].

Chuyên gia nghiên cứu chính trị hàng đầu ở Mỹ, ông Stiven Koen,  nhận định: vụ tấn công của liên quân chống khủng bố do Mỹ chỉ huy nhằm vào các lực lượng chống khủng bố ở Syria chứng tỏ, quan hệ giữa Mỹ và Nga ở Syria đang trải qua thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II tới nay.

Theo Stiven Koen, cuộc Chiến tranh lạnh mới hiện nay giữa Mỹ và Nga đang đang diễn ra đồng thời trên ba mặt trận, hay là ba chiến tuyến. Chiến tuyến thứ nhất là Syria, chiến tuyến thứ hai là sự mở rộng không ngừng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tới sát biên giới Nga và chiến tuyến thứ ba là Ukraine.

Ông Stiven Koen hy vọng rằng tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thể hiện tư duy chính trị sáng suốt để tránh leo thang xung đột giữa Mỹ và Nga, bởi cuộc va chạm này sẽ dẫn tới hậu quả không thể lường trước được đối với sự an toàn và an ninh của tất cả chúng ta [7]

Tài liệu tham khảo

[1] Авиаудар коалиции США по колонне ополченцев в Сирии — подробности. http://rusvesna.su/news/1495130581Новость обновляется

[2] Kомандование США заявило, что Россия пыталась предотвратить удар по Армии Сирии — подробности (КАРТА). http://rusvesna.su/news/1495147523

[3] США дали России обещание по поводу ударов в Сирии. http://mk-london.co.uk/news/u6630/2017/05/20/16945

[4] Заявление командования Сирийской армии в связи с агрессией США. http://rusvesna.su/news/1495180629

[5] Удары США в Сирии нужно объявить в СБ ООН актом военной агрессии, — сенатор. http://rusvesna.su/news/1495136968