Mỹ-NATO mưu vạch “lằn ranh đỏ” với Nga

VietTimes  -- Việc vạch ra những lằn ranh đỏ này hy vọng sẽ kiềm chế và ngăn chặn những hành vi đẩy quan hệ Nga-phương Tây vào tình thế nguy hiểm. Tương tự như thế, Mỹ cũng cần phải hiểu những lằn ranh đỏ của Nga và những lằn ranh này nên được cân nhắc trong chính sách của Mỹ, Viện Brooking (Mỹ) phân tích.
Lính Mỹ vừa được điều động tới Ba Lan nhằm tăng cường đối phó Nga
Lính Mỹ vừa được điều động tới Ba Lan nhằm tăng cường đối phó Nga

Một tháng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, các nhà phân tích ở Washington, Mátxcơva và trên khắp thế giới vẫn đang cố tìm ra chính sách của ông Trump với Nga là gì. Trong các chuyến công du tới châu Âu hồi tháng 2/2017, phó tổng thống Mike Pice và bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã cho thấy sự ủng hộ của Mỹ dành cho NATO và sự hoài nghi về Nga.

Hành động trên đã trấn an các đồng minh đang lo lắng của Mỹ nhưng các nước này vẫn đang chờ xem tổng thống mới của Mỹ sẽ nói gì và làm gì. Sau cùng tiếng nói của ông Trump mới là quan trọng nhất.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump gợi ý rằng ông sẽ thực hiện một thay đổi lớn trong chính sách đối với Nga, trong khi không quá mong đợi Mátxcơva khắc phục hành vi sai trái quá mức của mình. Tuy nhiên, Viện Brooking cho rằng nếu tổng thống Trump muốn xây dựng nền tảng cho một mối quan hệ vững chắc với tổng thống Nga Vladimir Putin, ông sẽ phải đặt ra một số lằn ranh đỏ.

Lằn ranh đỏ nói cách khác chính là sự ngăn chặn. Việc vạch ra lằn ranh đỏ là để báo hiệu lợi ích quan trọng của Mỹ và nếu ai vượt quá lằn ranh này chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Việc Mỹ vạch ra các lằn ranh đỏ một cách rõ ràng với Mátxcơva là để ngăn chặn Nga không thực hiện những tính toán sai lầm gây phí tổn nặng nề.

Lằn ranh đỏ đầu tiên sẽ liên quan đến an ninh của NATO. Thật tốt khi biết rằng ông Trump vẫn có ý định tham dự hội nghị thượng đỉnh đồng minh vào tháng 5, trước khi ông gặp mặt ông Putin. Ông Trump nên nhấn mạnh giá trị mà nước Mỹ thu được khi có một NATO được đảm bảo an ninh. Ông có thể sử dụng hội nghị này để cảnh báo lằn ranh đỏ quan trọng nhất cho cả Mỹ và đồng minh rằng Nga không nên ảo tưởng rằng có thể sử dụng quân sự để chống lại bất kỳ thành viên nào của NATO. Nếu làm như vậy sẽ gây mâu thuẫn với toàn bộ liên minh, bao gồm cả Mỹ. Để ủng hộ điều này, Viện Brooking cho rằng Mỹ và NATO nên tiếp tục củng cố sự hiện diện lực lượng quân sự thông thường ở các nước Baltic và Trung Âu.

Những phát biểu gần đây của ông Trump cho thấy ông vẫn chưa nắm chắc về các vũ khí hạt nhân, sự cân bằng hạt nhân và kiểm soát vũ khí của Mỹ. Ông Trump cần phải nhanh chóng thông thạo về các vấn đề này. Ông Putin đã nói về vũ khí hạt nhân và khả năng sử dụng hạt nhân. Chính sách của Nga đang thiên về sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một cuộc xung đột thông thường do Nga khởi xướng.

Chính quyền ông Trump nên củng cố lằn ranh đỏ về hạt nhân và tuyên bố rõ ràng bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào, dù là nhỏ đều sẽ mở ra chiếc hộp Pandora đầy những hệ quả nguy hiểm khó lường. Điện Kremlin không nên tính toán sai lầm về vấn đề này, nếu vượt ngưỡng sử dụng hạt nhân, Nga và Mỹ có thể tụt dốc quan hệ, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn.

Ông Trump cũng nên nhấn mạnh rằng Washington hi vọng Mátxcơva sẽ thực hiện các cam kết kiểm soát vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, điều này cũng có nghĩa là sẽ quay trở lại thực hiện đầy đủ hiệp ước năm 1987 cấm tên lửa hạt nhân tầm trung. Nếu không, ông Trump nên tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp đối phó quân sự, chủ yếu sử dụng lực lượng thông thường, bù lại cho lợi thế mà Nga nghĩ rằng mình sẽ đạt được.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Nga
Tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Nga

Xung đột Nga-Ukraine là một nhân tố lớn trong quan hệ Nga-Mỹ và Nga-phương Tây. Mátxcơva đã rất hy vọng ông Trump có thể mang lại những thay đổi trong chính sách của Mỹ, đặc biệt là vì ông Trump đã từng đặt câu hỏi về các lệnh trừng phạt và từng đề nghị công nhận việc sáp nhập Crimea.

Những tuyên bố gần đây của các quan chức chính quyền mới đã làm dịu đi những quan ngại từ phía Ukraine. Tuy nhiên theo Viện Brooking, ông Trump vẫn nên tìm kiếm cơ hội để công khai tuyên bố Mỹ ủng hộ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và ông sẽ hợp tác với châu Âu để tiếp tục tạo sức ép lên phía Nga cho đến khi làm thay đổi chính sách của điện Kremlin. Vấn đề này thực chất còn lớn hơn vấn đề của Ukraine, đó là vấn đề về trật tự an ninh quốc tế.

Đội quân
Đội quân "những người lịch sự" trong chiến dịch Nga sáp nhập bán đảo Crimea

Việc vạch ra một lằn ranh đỏ ở Ukraine là rất khó khăn. Ukraine tuy không phải là thành viên NATO và Mỹ sẽ không cam kết triển khai quân sự để bảo vệ nước này, nhưng ông Trump vẫn có thể cảnh cáo rằng bất kỳ hành vi tấn công nào của Nga hoặc của quân ly khai cũng sẽ kích động Mỹ hỗ trợ quân sự cho Kiev, kể cả hỗ trợ các vũ khí gây sát thương.

Những lằn ranh đỏ này hy vọng sẽ kiềm chế và ngăn chặn những hành vi đẩy quan hệ Nga-phương Tây vào tình thế nguy hiểm. Tương tự như thế, Mỹ cũng cần phải hiểu những lằn ranh đỏ của Nga và những lằn ranh này nên được cân nhắc trong chính sách của Mỹ.

Theo Viện Brooking, các lằn ranh đỏ của Mỹ sẽ khiến Nga thất vọng, khi nước này vào cuối năm 2016 đã rất hi vọng vào một sự thay đổi khi ông Trump lên làm tổng thống. Nếu Mỹ tuyên bố sẽ thực thi những lằn ranh đỏ này cùng với NATO và EU, giới lãnh đạo Nga sẽ phải tính đến chúng trước khi đưa ra quyết định.

Khi đối đầu với một lập trường kiên quyết và thống nhất của phương Tây chống lại Mátxcơva, Kremlin thường rút lui (giống như những năm 1980 khi Nga đồng ý cắt giảm số tên lửa SS-20 và ký hiệp ước cấm phổ biến tên lửa tầm trung sau khi NATO triển khai US Pershing II và các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất ở châu Âu.)

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Nga và Mỹ sẽ không qua lại với nhau nữa. Nếu đặt ra lằn ranh đỏ, chính quyền ông Trump sẽ đạt được vị thế tốt hơn khi hợp tác với Mátxcơva.

Chẳng hạn, song song với việc củng cố lực lượng răn đe thông thường của NATO, lãnh đạo Mỹ và NATO nên hợp tác với lãnh đạo Nga để giải quyết một loạt các vấn đề an ninh. Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn hoặc tính toán sai lầm, họ có thể tìm cách phát triển các quy tắc cũng như các biện pháp minh bạch và xây dựng lòng tin khi quân đội NATO và Nga hoạt động gần nhau. NATO và Nga cũng có thể kiểm soát vũ khí thông thường ở mức độ nhất định.

Binh sĩ NATO đang được tăng cường tới các nước thành viên ở Đông Âu
Binh sĩ NATO đang được tăng cường tới các nước thành viên ở Đông Âu - động thái bị Nga xem là khiêu khích và đe dọa an ninh của Nga

Trong khi làm rõ Mỹ sẽ duy trì sự răn đe hạt nhân an toàn và hiệu quả, cũng như hiện đại hóa một cách thích hợp, chính quyền ông Trump có thể cho Nga thấy họ sẵn sàng đối thoại để nâng cao sự ổn định chiến lược, xây dựng dựa trên một hiệp ước START mới.

Những cuộc đối thoại như vậy có thể thảo luận các vấn đề như hạn chế và giảm thiểu vũ khí hạt nhân, tác động của các hệ thống phòng thủ tên lửa đến cân bằng chiến lược và sự cân bằng đó sẽ bị ảnh hưởng ra sao trước các hệ thống tấn công thông thường chính xác tầm xa.

Về phía Ukraine, tiến trình này đòi hỏi một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nga. Nếu có thay đổi, chính phủ Mỹ sẽ phải đảm bảo với Nga về chính sách của Mỹ, ví dụ như nới lỏng lệnh cấm vận lên Nga.

Chính sách trên là sự kết hợp giữa việc đặt ra các lằn ranh đỏ và sự sẵn sàng đối thoại. Chính sách này đòi hỏi phải kiên nhẫn và kiên định để đạt được kết quả. Khi Nga hiểu rằng Mỹ và phương Tây sẽ cứng rắn với Nga nếu cần, triển vọng đối thoại một cách hợp tác giữa Mỹ và Nga cũng sẽ tăng lên.