Mỹ-Hàn-Nhật xây dựng “tam giác sắt, NATO Đông Bắc Á" và những tính toán của bà Park Geun-hye

VietTimes -- Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự Hàn - Nhật là một bước tiến lớn trên con đường hình thành "NATO Đông Bắc Á", gây ảnh hưởng sâu xa tới tình hình khu vực, tăng cường hợp tác an ninh Mỹ - Nhật - Hàn.
Ngày 23/11/2016, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự. Ảnh: Yonhap News Agency
Ngày 23/11/2016, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự. Ảnh: Yonhap News Agency

Tân Hoa xã ngày 29/11 cho hay ngày 23/11 hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản chính thức ký kết Hiệp định chia sẻ tinh tức tình báo quân sự.

Trước đây, việc trao đổi tin tức tình báo quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản phải thông qua "trạm trung chuyển" Mỹ. Sau khi ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự, hai bên sẽ có thể trực tiếp tiến hành chia sẻ tin tức tình báo một cách nhanh chóng.

Do nguyên nhân lịch sử, hợp tác quân sự luôn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Hàn - Nhật. Đây là hiệp định hợp tác quân sự đầu tiên được Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.

Năm 2012, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng từng nỗ lực ký kết thỏa thuận này, thậm chí muốn "hành động ngầm" bất chấp sự phản đối ở trong nước, cuối cùng phải "cấp bách dừng lại" trong ngày ký kết.

Từ khi Chính phủ Hàn Quốc quyết định tái khởi động tiến trình "Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự" Hàn - Nhật vào ngày 27/10 đến nay, chỉ trong thời gian ngắn với 27 ngày, đã "tốc chiến tốc thắng" hoàn thành toàn bộ mọi thủ tục.

Tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên (ảnh tư liệu)
Tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên (ảnh tư liệu)

Trong khi rơi sâu vào vòng xoáy bất ổn bởi vụ bê bối "quan hệ thân quen" của bà Park Geun-hye, tại sao chính quyền của bà lại nhanh chóng ký kết hiệp định này với Nhật Bản trong thời điểm hiện nay?

Dư luận Hàn Quốc chỉ ra 4 sự tính toán của chính quyền bà Park Geun-hye, đó là: Thứ nhất, bà Park Geun-hye có ý định thể hiện rõ "vị thế tổng chỉ huy" của mình, khẳng định quyền lực Tổng thống.

Thứ hai, Chính phủ Hàn Quốc muốn nhân cơ hội này chuyển hướng mâu thuẫn trong nước và sự chú ý của dư luận, nhanh chóng giải quyết vấn đề nhạy cảm.

Thứ ba tiến hành mở đường cho tăng cường hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn trong tương lai. Sau khi trong nước cơ bản mất đi lòng dân, bà Park Geun-hye tìm cách thông qua tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản để giành được sự ủng hộ từ bên ngoài.

Thứ tư nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp kết thúc, phương hướng chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ tạm thời khó dự đoán, Nhật Bản và Hàn Quốc càng cần triển khai hợp tác quân sự chặt chẽ hơn trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, hãng tin Yonhap Hàn Quốc bình luận cho rằng việc ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự có thể gây ra sóng to gió lớn hơn. Hiệp định này có thể sẽ trở thành "cọng rơm chứa lửa" làm sụp dổ chính quyền của bà Park Geun-hye.

Như vậy, Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự này sẽ gây ảnh hưởng gì tới quan hệ đồng minh quân sự ba nước Mỹ - Nhật - Hàn và tình hình khu vực?

Có chuyên gia cho rằng từ lâu quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn là một tam giác không hoàn chỉnh, trong đó đồng minh Mỹ - Nhật và đồng minh Mỹ - Hàn là hai tuyến "thực", còn quan hệ Hàn - Nhật là một tuyến "ảo". Hiệp định lần này sẽ gắn kết quan hệ ba bên này.

Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự Hàn - Nhật có thể sẽ hỗ trợ Nhật Bản vươn lên trở thành nước lớn về quân sự. Hiện nay, Nhật Bản đã lần lượt ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự với Mỹ, Pháp, Australia.

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye. Ảnh: Tân Hoa xã
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye. Ảnh: Tân Hoa xã

Nếu ý định sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đạt được vào năm 2017, một khi bán đảo Triều Tiên xuất hiện khủng hoảng, Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự Nhật - Hàn có thể sẽ cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể tại khu vực này.

Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng quan niệm lịch sử của chính quyền Shinzo Abe vốn tồn tại vấn đề nghiêm trọng, trong bối cảnh tư tưởng "chủ nghĩa quân phiệt" nổi lên, Hàn Quốc lại ký kết hiệp định này với Nhật Bản thì sẽ "đe dọa" tới an ninh khu vực (Trung Quốc), hậu quả sẽ rất nguy hiểm.

Đối với hợp tác quân sự này của Hàn - Nhật, nước vui mừng nhật có thể là Mỹ. Từ lâu, trở ngại chính trong xây dựng hợp tác quân sự ba bên Mỹ - Nhật - Hàn của Mỹ là ở Hàn Quốc. Việc ký kết thỏa thuận này có nghĩa là trở ngại này đã được khắc phục, đã có bước đi lớn trên con đường thúc đẩy xây dựng "NATO nhỏ Đông Bắc Á", chắc chắn sẽ có ảnh hưởng sâu xa tới cục diện Đông Bắc Á.

Trước có triển khai THAAD, sau có Hiệp định hợp tác tình báo Hàn - Nhật, quan hệ Nhật - Hàn, quan hệ Mỹ - Hàn, thậm chí cục diện địa - chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai đều có thể sẽ thay đổi.

Nếu tình hình Đông Bắc Á trở nên phức tạp thì đây không phải là một tin tốt đối với bất cứ nước nào của khu vực Đông Á - Tân Hoa xã dự đoán.