Mỹ xoay trục sang châu Á: Donald Trump tìm “công thức mới”

VietTimes -- Hoạt động đối ngoại của các quan chức cấp cao của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đặc biệt là bài tham luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Shangri-La Dialogue 2017 chứng tỏ Washington đang tìm “công thức mới” cho chiến lược xoay trục tới châu Á của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sau quyết định của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước trong khu vực này tỏ ý lo ngại chính quyền mới ở Mỹ sẽ “khai tử” chiến lược xoay trục tới châu Á của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại của các quan chức cấp cao của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đặc biệt là bài tham luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Shangri-La Dialogue 2017 chứng tỏ Washington đang tìm “công thức mới” cho chiến lược xoay trục tới châu Á của Mỹ.

Nỗ lực tìm kiếm “công thức mới” cho chiến lược xoay trục

Có một thực tế khách quan mà không một tổng thống Mỹ nào có thể phủ nhận. Đó là, Thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ Châu Á-Thái Bình Dương”. Còn giới tinh hoa chính trị ở Washington muốn biến Thế kỷ Châu Á-Thái Bình Dương thành “Thế kỷ Mỹ”. Do đó, xuất phát từ vị thế là cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương, với chủ trương “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tân Tổng thống Donald Trump không thể không tập trung nỗ lực xây dựng chiến lược ứng xử của Mỹ đối với các nước trong khu vực này [1,2].

Khi ký kết TPP-một hiệp định có ý nghĩa lịch sử đối với nước Mỹ trong suốt cả thế kỷ XXI và cũng là một trong những nội dung then chốt của chiến lược xoay trục tới châu Á, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, với TPP Mỹ “sẽ viết luật chơi cho thế giới chứ không phải là Trung Quốc hay là Nga”. Do đó, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đi tìm “công thức mới” cho chiến lược này [3,4].

Vì vậy, ngay sau khi có nội các mới, chính quyền mới ở Washington dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải bắt tay ngay vào việc tìm kiếm “công thức mới” cho chiến lược xoay trục tới châu Á thông qua chuyến thăm châu Á đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis,  Bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson và Phó Tổng thống Mike Pence. Ba  chuyến thăm này là phép thử đối với chính sách ngoại giao của Mỹ nói chung và chiến lược xoay trục tới Châu Á-Thái Bình Dương của Washington được thực hiện dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ba chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt ở châu Á, với mấy đặc điểm nổi bật đáng chú ý.

Một là, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa Mỹ rút khỏi TPP-một trong những công cụ then chốt của Học thuyết Obama và là công cụ để thiết lập “không gian sinh tồn” của đồng đô la Mỹ (USD) đang đứng trước nguy cơ bị chia tay trong các hoạt động thanh toán thương mại trên thế giới do cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống bùng phát từ Mỹ năm 2008 mà giới phân tích cho là xuất phát tự vị thế độc tôn của USD trong nền kinh tế toàn cầu [4,5,6]. Hiện các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi) và nhiều nước khác đã chấm dứt sử dụng USD trong giao dịch thương mại song phương [5,6,7].   

Hai là, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang nhằm hướng tới các mục tiêu trên lãnh thổ các đồng minh của Mỹ ở Đông Á, thậm chí cả các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên vừa qua đều nhằm vào mục tiêu giả định là các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí xa hơn.

Trong khi đó các nước đồng minh của Mỹ đang ngày càng lo ngại về năng lực của Washington sau nhiều năm hao tiền tổn của và sức lực không hiệu quả vào nhiều cuộc chiến, xung đột và khủng hoảng. Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng James Matttis chọn khu vực này là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình và ngay sau đó đến lượt Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson [8,9].

Ba là, Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ xúc tiến lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tên lửa tầm cao giai đoạn cuối, gọi tắt là THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trong khi Mỹ cho rằng hệ thống này chỉ nhằm bảo vệ Hàn Quốc và binh lính Mỹ ở nước này trước khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên, thì Bắc Kinh cáo buộc hệ thống đó cũng nhằm cả vào các hệ thống tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc đã tuyên bố áp dụng nhiều biện pháp cấm vận Hàn Quốc nếu quốc gia nay không từ bỏ THAAD. Nga cũng kiên quyết phản đối THAAD của Mỹ [10]. 

Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc
Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc

Bốn là, ở Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang gây áp lực để tăng chi tiêu quốc phòng nhằm chia sẻ gánh nặng an ninh với Mỹ theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump-một động thái khiến cả Trung Quốc và Hàn Quốc không thể ngồi yên bởi cả hai lo ngại trước một Nhật Bản quyết đoán hơn về quân sự có thể làm sống lại lo ngại bắt nguồn từ Chiến tranh thế giới lần thứ II.  

Năm là, trong bối cảnh rối loạn chính trị liên quan tới vụ Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất, Hàn Quốc lo ngại trước các hoạt động của Triều Tiên và rất hoan nghênh việc triển khai THAAD. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng quan ngại rằng việc triển khai THAAD có thể làm đảo lộn quan hệ với Trung Quốc-đối tác kinh tế lớn nhất của họ.  

Sáu là, ở Biển Đông, cả Bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều tuyên bố, Mỹ sẵn sàng triển khai lực lượng để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép ở Trường Sa [11,12].

Bảy là, trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chỗ tuyên bố cứng rắn coi Trung Quốc là “kẻ thù của nước Mỹ”, sẵn sàng xem xét lại “chính sách một Trung Quốc” của Washington trong gần nửa thế kỷ qua, lại bắt đầu hạ giọng và coi Trung Quốc là “đối tác quan trọng của Mỹ”.   

Nhân chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tới châu Á, trong cuộc họp báo của quyền trợ lý của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, bà Susan Thornton cho biết:“Tuy chiến lược xoay trục đã bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump “khai tử” nhưng Mỹ sẽ có kế hoạch của riêng mình cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tôi nghĩ quý vị có thể kỳ vọng là chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có “công thức riêng” cho khu vực này”.

Bà Susan Thornton còn cho biết: “Công thức riêng cho châu Á của Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn gắn kết Mỹ với khu vực này cho dù tính chất cơ bản của cam kết đó có thể thay đổi bởi nền kinh tế châu Á rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và tăng trưởng của Mỹ. Do đó, chúng tôi sẽ đến đó làm việc về các vấn đề thương mại công bằng và tự do, về những thách thức an ninh khu vực từ phía CHDCND Triều Tiên, cũng như tiếp tục thúc đẩy nỗ lực nhằm duy trì một trật tự ổn định, hòa bình, mang tính xây dựng và dựa trên luật pháp ở châu Á”. Cũng theo quan chức Mỹ này, hiện  vẫn còn quá sớm để đưa ra lộ trình cho những bước đi chiến lược ở châu Á của chính quyền mới dưới thời Tổng thống Donald Trump [13].

Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng dài 3.000m, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố

Chuyến thăm ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson chứng tỏ, “công thức mới” cho châu Á có hai nội dung quan trọng là gắn cách thức hóa giải nguy cơ hạt nhân từ phía Triều Tiên với việc thiết lập khung quan hệ đối tác chiến lược kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Để hóa giải nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson phải đứng trước nhiều sự lựa chọn: đối thoại với Triều Tiên, bổ sung các biện pháp trừng phạt mới, hoặc thậm chí tiến hành tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hiện cả ba sự lựa chọn này đang được Mỹ “đặt lên bàn cân” trên cơ sở huy động nỗ lực các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để thuyết phục Triều Tiên.

Trong quan hệ với Trung Quốc, sau những tuyên bố cứng rắn nhằm “nắn gân” Bắc Kinh, rút cuộc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump vẫn phải chọn Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ. Do đó, tới Bắc Kinh, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson là chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 4/2017. Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, hai bên khẳng định hợp tác dựa trên nguyên tắc “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”. Như vậy, khác với phán đoán của không ít người, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc và Mỹ bước vào thời kỳ ổn định chiến lược [14.15].  

“Công thức mới” cho chiến lược xoay trục nhìn từ Shangri-La Dialogue 2017

Tại diễn đàn an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Shangri-La Dialogue 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có bài phát biểu rất quan trọng và nhận được sự thu hút đặc biệt của dư luận, trong đó ông nêu rõ ba cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump về “công thức mới” cho chiến lược xoay trục tới châu Á trong bối cảnh đang nổi lên những thách thức an ninh tại khu vực này như mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, hoạt động bồi đắp và quân sự hóa đảo nhân tạo tại Biển Đông và khủng bố.

Cách tiếp cận mới đó có những nội dung chủ yếu sau:

(1) Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các liên minh sẽ giúp thúc đẩy hòa bình, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế giữa các nước chia sẻ chung tầm nhìn, đồng thời giúp hóa giải mưu đồ tấn công của một số nước.

(2) Mỹ khuyến khích, hỗ trợ các nước trong khu vực để những nước này có thể đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định của chính mình; khuyến khích các nước chủ động tìm kiếm cơ hội và quan hệ đối tác với những nước có cùng chí hướng để giữ vững hòa bình.

(3) Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh quân sự của mình này tại Châu Á-Thái Bình Dương vì an ninh là nền tảng cho sự thịnh vượng, tạo điều kiện khơi thông dòng chảy thương mại. Theo đó, 60% tàu hải quân, 55% lực lượng lục quân của Mỹ và 2/3 đội tàu của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ trực thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương sẽ nhận được sự đầu tư, bổ sung lớn trong thời gian sắp tới.

(4) Một mặt, Mỹ thúc đẩy Trung Quốc thực hiện nhiều nỗ lực hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên, mặt khác Washington không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông [16,17].

Như vậy, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bước đầu phác thảo những đường nét cơ bản của “công thức mới” cho chiến lược xoay trục của Washington dưới thời cầm quyền của tân Tổng thống Donald Trump, góp phần tạo nên một môi trường tích cực và hé mở   hy vọng về một giai đoạn hợp tác và hòa bình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đáng chú ý là “công thức mới” này vẫn kế thừa một số nội dung cơ bản của chiến lược xoay trục do cựu Tổng thống Barack Obama đề xuất./.

***

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

[1] THE 21ST CENTURY AS THE "ASIA-PACIFIC CENTURY" IN CONTEXT OF REGIONAL AND GLOBAL INTEGRATION. http://kmbs.ua/en/event/2Pynmtj2tgPCqKT6h

[2] America’s Pacific Century. http://foreignpolicy.com/2011/10/11/americas-pacific-century/

[3] President Obama: The TPP would let America, not China, lead the way on global trade. https://www.washingtonpost.com/opinions/president-obama-the-tpp-would-let-america-not-china-lead-the-way-on-global-trade/2016/05/02/680540e4 -0fd0- 11e6-93ae -50921721165d _story.html?utm_ term=. 61561e247b94.

[4] ‘Our rules, not China’s’: Obama invokes Beijing threat in defense of TPP trade deal. https://www.rt.com/news/341669-american-trade-rules-pacific/

[5] Crash course. http://www.economist.com/news/schoolsbrief/21584534-effects-financial-crisis-are-still-being-felt-five-years-article

[6 Global financial crisis has one beneficiary: The dollar. http://www.nytimes.com/2008/10/22/business/worldbusiness/22iht-dollar.4.17174760.html
CONTINUE

[7] The financial crisis happened because banks were able to create too much money, too quickly, and used it to push up house prices and speculate on financial markets

http://positivemoney.org/issues/recessions-crisis/

[8] Defense Secretary James Mattis Visits South Korea and Japan in 1st Overseas Trip. http://abcnews.go.com/Politics/us-defense-secy-visit-japan-south-korea-1st/story?id=45047543

[9] Tillerson’s quiet trip to Asia.

http://www.politico.com/story/2017/03/rex-tillerson-asia-china-236059

[10] China, Russia agree to strengthen opposition to US’ THAAD missile system. https://www.rt.com/news/379054-china-russia-thaad-opposition/

[11] Why Trump and Tillerson could make waves for US-China relations. https://article.wn.com/view-lemonde/2017/01/12/Why_Trump_and_Tillerson_could_make_waves_for_USChina_relatio/#/related_news
[12] Rex Tillerson Says China Should Be Denied Access to Islands in the South China Sea. https://article.wn.com/view-lemonde/2017/01/12/Rex_Tillerson_Says_China_Should_Be_Denied_Access_to_Islands_/#/related_news

[13] 'Pivot to the Pacific' is over, senior U.S. diplomat says. http://www.defensenews.com/articles/pivot-to-the-pacific-is-over-state-official-says

[14] Vice President Mike Pence to Travel to the Republic of Korea, Japan, Indonesia, Australia, and Hawaii. https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/04/06/vice-president-mike-pence-travel-republic-korea-japan-indonesia

[15] Pence trims Asia trip to deal with domestic priorities. http://www.reuters.com/article/us-pence-asia-idUSKBN17Q09J

[16] Mattis Beseeches Officials at Singapore Conference to ‘Bear With Us’. https://www.nytimes.com/2017/06/02/world/asia/mattis-korean-peninsula-military.html?rref=collection%2Fsectioncollection%2Fworld&action=click&contentCollection=world&region=stream&module=stream_unit&version=latest&contentPlacement=6&pgtype=sectionfront

[17] Remarks by Secretary Mattis at Shangri-La Dialogue. https://www.defense.gov/News/Transcripts/Transcript-View/Article/1201780/remarks-by-secretary-mattis-at-shangri-la-dialogue/